Hướng phát triển văn hóa gắn với công nghệ thời gian gần đây
Trong thời gian qua, những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng trong thực tiễn hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch COVID-19.
Hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách nhưng vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề.
Thậm chí là "đi" du lịch tham quan chỉ bằng các cú nhấp chuột.
Với sự phát triển của công nghệ thì các tác phẩm nghệ thuật là kho dữ liệu khổng lồ đang tác động đến sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.
Đơn cử như lĩnh vực điện ảnh, việc lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (Big Data) có những ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của ngành.
Cùng với đó, xu thế phát triển chung của công nghiệp điện ảnh đang là:
Quảng bá phim, bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực tuyến, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến...
Đặc biệt, công nghệ thực tế ảo cũng được dự đoán sẽ là công nghệ thay thế cho phim 3D hiện tại và làm thay đổi cách thức sản xuất phim cũng như thị hiếu của công chúng.
Hay như lĩnh vực mỹ thuật thì cuộc cách mạng 4.0 với công nghệ in 3D cũng đang tác động mạnh đến lĩnh vực này.
Với nghệ thuật tạo hình, người nghệ sĩ chỉ cần thiết kế tác phẩm trên máy tính, phần còn lại sẽ do máy móc tạo ra sản phẩm với nhiều chất liệu theo lựa chọn.
Công nghệ thực tại ảo và các hình thức nghệ thuật trên không gian số cũng sẽ làm thay đổi cách thưởng thức, tiêu dùng sản phẩm nghệ thuật của công chúng.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ cũng hình thành nên xu hướng tham quan bảo tàng ảo qua internet.
Các tác phẩm mỹ thuật có thể được thể hiện bằng hình ảnh 3D.
Công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan bảo tàng.
Nhìn nhận xu hướng phát triển này, TS Dương Viết Huy - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) cho rằng:
Trong thế giới phẳng, công nghệ liên tục phát triển là xu thế không thể đảo ngược.
Để phát triển văn hóa Việt Nam trong tình hình mới, ngoài bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cần thiết phải ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ.
Định hướng số hóa tài nguyên văn hóa và góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia
Nhận thức và hành động về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số của Bộ.
Bên cạnh đó, hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành.
Có thể kể đến như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả về Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL được ban hành.
Đây là bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngành.
Ngoài ra Hội nghị - Hội thảo "Chuyển đổi số của ngành văn hóa, thể thao và du lịch" đã được tổ chức nhằm đem đến những đóng góp số hóa cho ngành.
Tại Hội nghị, có đến gần 40 tham luận công phu, tâm huyết về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các tham luận được chia thành 3 nhóm chuyên đề:
Số hóa tài nguyên văn hóa; Du lịch số và thể thao số; Chuyển đổi số góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia.
Các tham luận được chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm huyết, khoa học từ thực tiễn đã và đang diễn ra trong cuộc sống.
Nhờ vậy mà cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các tham luận cũng nêu một số hạn chế, khó khăn và đề xuất các giải pháp, mong muốn Bộ cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết.
Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngoài ra, Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đi vào hoạt động.
Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ.
Hệ thống được triển khai cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở 63 tỉnh, Thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo trực tiếp trên phần mềm.
Chuyển đổi số ngành văn hóa là thúc đẩy số hóa các di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có sự hiện diện số, hình thành bản đồ di sản số.
Các công nghệ cho phép người dân trên toàn thế giới có điều kiện trải nghiệm văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ.
Đây cũng là sứ mệnh của ngành về bảo tồn di sản, đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới.