"Thủ phủ" cây dừa với 77.000ha

Hiện nay, diện tích dừa cả nước khoảng 188 ngàn ha, sản lượng 1,9 triệu tấn.

Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích lớn nhất, khoảng 77 ngàn ha (chiếm trên 40% diện tích dừa cả nước), sản lượng 670 ngàn tấn (chiếm 35%).

Có khoảng 2/3 số hộ dân Bến Tre trồng dừa; trên 200 sản phẩm được làm từ cây dừa, đem lại nguồn thu lớn cho người dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), dừa là cây công nghiệp có diện tích tăng trong nhiều năm trở lại đây và trở thành cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Ngày 20-6-2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2207/QĐ-BNN-TT phê duyệt nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

Đối tượng của đề án gồm: Cà phê, cao su, chè, điều, tiêu và dừa.

Đề án này dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2023, với mục tiêu xác định được định hướng và giải pháp phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước.
Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước.

Hướng triển khai là sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Song song với đó là nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cây công nghiệp chủ lực Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan hôm 13-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, hiện ngành dừa Bến Tre rất phong phú về sản phẩm.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chế biến sâu sản phẩm từ dừa mở ra hướng phát triển mới của cây dừa Bến Tre.

Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam

Sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cây dừa Bến Tre còn là cây chiếm giữ vị trí kỷ lục cây trồng cho ra các sản phẩm, dòng sản phẩm chế biến nhiều nhất Việt Nam.

Dựa trên phân tích xuất xứ từ nguồn nguyên liệu đầu vào, công nghệ tạo ra sản phẩm; công dụng của sản phẩm dừa Sở Công thương Bến Tre đã thống kê, phân loại 208 sản phẩm chế biến từ dừa.

Ngoài quả dừa thường được ứng dụng trong ngành thực phẩm, hầu như các bộ phận trên thân dừa đều hữu dụng.

Thân dừa làm đồ thủ công mỹ nghệ bắt mắt

Với sự sáng tạo và bàn tay điêu luyện, người Bến Tre đã khiến những phần bỏ đi của cây dừa trở thành những món hàng thủ công mỹ nghệ đẹp mắt.

Từ thân dừa, gáo dừa, cọng dừa… người ta làm tới hơn 200 mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tinh xảo và đẹp mắt.

Chúng được ứng dụng làm vật dụng nhà bếp như đũa, muỗng, nĩa, vá, sạn, chén, tách.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ thân cây dừa.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ thân cây dừa.

Ngoài ra, thân dừa còn được các nghệ nhân làm thành các đồ lưu niệm nhỏ xinh như xe kéo, xe xích lô, xe vespa, xe Citroen, máy bay, con khỉ nhiều kiểu dáng.

Hiện nay, để phát triển bền vững, lâu dài, các nghệ nhân xứ dừa hiện đang miệt mài tìm tòi, cải tiến, sáng tạo các mẫu mã, kiểu dáng.

Họ tìm cách kết hợp nguyên liệu từ dừa với các nguyên liệu khác như mây, tre, lá để nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm mỹ nghệ dừa.

Bên cạnh đó là đầu tư nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm với chiến lược phát triển lâu dài.

Lá dừa dùng để lợp nhà, trang trí

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, lá dừa nước được người dân mua từ các tỉnh miền Tây về lợp nhà.

Theo các lái buôn, lá dừa sau khi được chặt xuống chẻ làm đôi rồi phơi khô, bán cho các vựa lá.

Để làm một căn nhà lợp bằng lá dừa cần rất nhiều vật liệu, từ cột sắt, đòn tay bằng tầm vông đến ốc vít, kẽm buộc và một thứ không thể thiếu đó là lá dừa.

Nhà lợp lá dừa đại diện cho kiến trúc truyền thống của nước ta.
Nhà lợp lá dừa đại diện cho kiến trúc truyền thống của nước ta.

Với đặc tính bền, đẹp, rẻ và mát, lá dừa có mặt ở hầu hết các nhà hàng, quán cà phê.

Tại thị huyện Mỏ Cày, cứ 10 quán nhậu, cà phê thì 7 - 8 quán có nhà, chòi được lợp bằng lá dừa.

Từ nhu cầu này, nhiều người đã hành nghề lợp và trang trí nhà bằng lá dừa.

Ngoài ra, người dân còn dùng lá dừa để làm cổng chào đám cưới.

Cổng lá dừa được làm chủ yếu từ lá dừa, đọt dừa và cây cờ bắp (đọt dừa nước) là nguyên liệu rất dễ kiếm ở địa phương.

Cổng chào đám cưới được làm một cách công phu tỉ mỉ từ lá dừa.
Cổng chào đám cưới được làm một cách công phu tỉ mỉ từ lá dừa.

Để có một chiếc cổng cưới vừa ý khách hàng đòi hỏi tính công phu và sự tập trung cao độ của người làm.

Chiếc cổng cưới tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng chính là biểu tượng của hồn quê đôn hậu, một nét đẹp dân dã, bình dị của đám cưới miệt vườn xưa.

Điều này cho thấy những nét văn hóa dân gian vẫn còn được duy trì tới ngày nay.

Quả dừa mang đến sản phẩm chế biến và xuất khẩu chủ lực của ngành dừa Bến Tre

Chuỗi giá trị dừa Bến Tre có bốn dòng sản phẩm chủ yếu được chế biến từ trái dừa.

Trái dừa nguyên liệu sau khi được hái, thu gom và vận chuyển thông qua hệ thống thương lái địa phương đến các cơ sở sơ chế.

Tại đây, trái dừa được bóc tách thành các thành phần khác nhau là vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa và nước dừa.

Các sản phẩm thô là nguyên liệu để chế biến theo những nhóm sản phẩm khác nhau.

Vỏ dừa khô tạo thành xơ dừa và mụn dừa để trồng cây

Vỏ dừa khô được các cơ sở sơ chế bằng máy để có hai sản phẩm chính là xơ dừa và mụn dừa.

Hai sản phẩm này được phơi khô rồi được đóng kiện (đối với xơ dừa) và ép khuôn thành bánh (đối với mụn dừa) để xuất khẩu hoặc chuyển đến các cơ sở chế biến khác.

Từ xơ dừa, các cơ sở chế biến ra chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa, đệm xơ dừa, dây thừng và lưới xơ dừa chủ yếu để xuất khẩu.

Xơ dừa giữ ẩm tốt vì thế được sử dụng để trồng cây cảnh.
Xơ dừa giữ ẩm tốt vì thế được sử dụng để trồng cây cảnh.

Mụn dừa được gia công, ép bánh hoặc ép khuôn với nhiều hình dạng khác nhau được tiêu thụ ở thị trường nội địa hoặc xuất khẩu.

Đây được coi là nguồn nguyên liệu sạch dùng làm làm giá thể trồng cây, đất bón cây được rất nhiều trang trại, vườn ươm cây cảnh hoa mà sử dụng.

Than gáo dừa cháy lâu bền bỉ

Gáo dừa được hệ thống thương lái thu gom và bán cho các hộ sản xuất than gáo dừa.

Than gáo dừa được sản xuất chủ yếu tại các địa phương có vùng nguyên liệu dồi dào, ổn định như Giồng Trôm và Mỏ Cày.

Từ than gáo dừa, một số doanh nghiệp chế biến sơ chế (chủ yếu là xay nghiền và sàng phân loại) thành than xay với nhiều quy cách kích cỡ khác nhau.

Than gáo dừa giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với các loại than khác do chúng được trồng rất nhiều ở Bến Tre.
Than gáo dừa giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với các loại than khác do chúng được trồng rất nhiều ở Bến Tre.

Than xay này chính là nguyên liệu để chế biến than hoạt tính ở hai công ty Trà Bắc (ở tỉnh Trà Vinh) và Pica (ở tỉnh Bến Tre).

Than xay cũng được xuất khẩu, chủ yếu thông qua mạng lưới thương nhân Trung Quốc và một vài doanh nghiệp ở Bến Tre.

Cơm dừa được chế biến thành nhiều món đặc sản Bến Tre

Cơm dừa sau khi được tách từ trái dừa khô, được gọt vỏ lụa, làm sạch rồi vận chuyển đến các nhà máy chế biến.

Tại đây, tùy vào công nghệ chế biến mà có nhiều sản phẩm khác nhau, mà chủ yếu là cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, sữa dừa, bột sữa dừa.

Kẹo dừa, món đặc sản của vùng đất Bến Tre.
Kẹo dừa, món đặc sản của vùng đất Bến Tre.

Một phần cơm dừa được chế biến thành nguyên liệu làm kẹo dừa tại các doanh nghiệp chế biến kẹo dừa tại tỉnh Bến Tre.

Nước dừa tạo nên dừa thô và thạch dừa thực phẩm

Nước dừa là thức uống giải khát đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể không còn gì xa lại với chúng ta.

Khi được ứng dụng công nghệ lên men vi sinh, nước dừa được ủ để tạo thành màng thạch dừa.

Thạch dừa thô được làm sạch, xử lý, cắt nhỏ theo các quy cách khác nhau và ép ráo nước để xuất khẩu.

Món thạch dừa thô đầy hấp dẫn.
Món thạch dừa thô đầy hấp dẫn.

Một phần thạch dừa đã chế biến được các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thạch dừa thu mua để chế biến các dạng thạch dừa thực phẩm ở thị trường nội địa.

Những ví dụ trên đây cho thấy những công dụng mới lạ có thể nhiều người chưa biết về cây dừa.

Có thể thấy, tận dụng hết các thành phần của cây dừa trong công nghiệp chế tạo, chế biến đem lại giá trị xuất khẩu từ trung bình đến cao cho người dân địa phương.