Một sáng trung tuần tháng 9, giữa giờ làm việc điện thoại của Nguyễn Thị Phương Yến xuất hiện thông báo cô vừa nhận được 1.000 đồng từ một người bạn trong trò chơi “Học viện MoMo”.

24 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông ở TP.HCM, Phương Yến cài đặt khá nhiều ứng dụng trên điện thoại, một trong số đó có ví điện tử MoMo dùng để thanh toán các ứng dụng trên Apple Store và một số dịch vụ giải trí.

Bị cuốn vào trò chơi, tần suất mở ứng dụng của Phương Yến tăng lên trung bình 2 – 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 30 phút.

Phút giải lao cô lang thang nghiêng ngó qua những dịch vụ tích hợp trên ứng dụng như đếm bước chân đi bộ, nuôi heo đất...

4_eqbd

Phương Yến là một trong sáu triệu người tham gia trò chơi của MoMo sau hai tuần tổ chức.

Theo công bố, trong thời gian này diễn ra 100 triệu trận đấu, 60 triệu thẻ quà tặng được gửi đến người chơi.

Điều gì thực sự thôi thúc một công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong nước như MoMo làm công việc của một nhà phát triển trò chơi? 

“Các chương trình tương tác này nằm trong chiến lược quan trọng để MoMo hướng tới siêu ứng dụng đầu tiên của Việt Nam,” ông Nguyễn Mạnh Tường, phó chủ tịch điều hành công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), đơn vị chủ quản ví điện tử MoMo nói với Forbes Việt Nam trong cuộc phỏng vấn riêng tại trụ sở công ty.

Nhà đồng sáng lập MoMo cũng thừa nhận, đó là cách họ gia tăng kết nối và tương tác với người dùng, qua đó tăng cơ hội giới thiệu với khách hàng các dịch vụ tích hợp có sẵn trên MoMo.

Sau hành trình 10 năm, có những lần tưởng như gục ngã vì thất bại, MoMo nhìn thấy mục tiêu kép ở phía trước để phấn đấu: trở thành siêu ứng dụng và cán mốc 50 triệu người dùng.

Tại buổi họp báo đầu tháng 9/2020, ông Nguyễn Bá Diệp, phó chủ tịch, đồng sáng lập ví MoMo thông báo, ứng dụng cán mốc 20 triệu người đăng ký.

Sau năm năm, ứng dụng MoMo “phiên bản smartphone” ra mắt, số lượng khách hàng đã tăng gấp 40 lần, tổng giá trị thanh toán qua nền tảng tăng gấp hàng chục lần.

Theo dữ liệu độc lập của Forbes Việt Nam thu thập được, năm năm trở lại đây doanh thu MoMo tăng gần năm lần nhưng công ty vẫn chưa có lãi.

Các con số công bố của MoMo cho thấy, họ không chỉ tăng trưởng nhanh mà có độ phủ khá rộng.

MoMo cho biết, họ có 30 ngàn đối tác trong nhiều lĩnh vực: tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, bán lẻ, mua sắm, thương mại điện tử, ăn uống, vui chơi, giải trí, cho đến các thanh toán dịch vụ công, y tế, giáo dục… đa dạng hơn bất cứ một ví điện tử nào có trên thị trường.

Nhờ đó, MoMo có hơn 120 ngàn điểm chấp nhận thanh toán, khách hàng có thể quẹt mã MoMo khi mua cà phê Highlands, trà sữa Gong Cha, đến nhà hàng lẩu Kichi Kichi, món nướng Gogi House hay thanh toán tại siêu thị Co.opmart, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Seven Eleven, Family Mart...

Sự năng động của ví điện tử này còn thể hiện qua việc bắt tay kết nối với những tên tuổi quốc tế:

MoMo là một trong hai ví điện tử đầu tiên được kết nối vào Apple Store, một trong ba ví điện tử tại Việt Nam có thể thanh toán các dịch vụ Google Play, ví điện tử đầu tiên tại Đông Nam Á kết nối với ứng dụng gọi xe Uber (trước khi rút đi).

Ai là người dùng ví điện tử khi 80% giao dịch thanh toán trong nền kinh tế Việt Nam bằng tiền mặt?

Cơ cấu người dùng được MoMo phác thảo:

60% người dùng của họ có tuổi 20–30, 25% trong độ tuổi 30–45, 15% thuộc nhóm tuổi còn lại.

MoMo cho biết trung bình mỗi người dùng có 20–30 giao dịch mỗi tháng, giá trị chi tiêu phổ biến 2–3 triệu đồng/ tháng.

Các dịch vụ được sử dụng nhiều nhất tại ứng dụng này gồm mua vé máy bay, xe lửa, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán mua sắm tại các kênh mua sắm hiện đại...

Không thu phí hầu hết các dịch vụ, phần lớn doanh thu của MoMo từ phí thu hộ các đối tác dịch vụ hoặc chiết khấu phân phối.

Xuất hiện sớm và đáng chú ý đầu tiên phải kể đến Payoo.

Năm 2011, VietUnion, đơn vị sở hữu ví Payoo nhận đầu tư từ NTT Data (Nhật Bản) làm nóng thị trường thanh toán di động tại Việt Nam khi ấy vốn còn rất sơ khai.

Sau khi có đối tác hùng mạnh, chiến lược của Payoo thể hiện rõ trong tham vọng tạo ra nền tảng thanh toán mở, chấp nhận các phương thức thanh toán khác nhau từ thẻ, ví điện tử, mã quét của các ngân hàng.

Các dịch vụ trung gian thanh toán của Payoo tập trung vào các nhà cung ứng dịch vụ điện, nước, cho vay tiêu dùng, thu phí bảo hiểm…

Điều này lý giải vì sao lượng tiền xử lý qua nền tảng của Payoo rất lớn, có thể lên đến 100.000 tỉ đồng mỗi năm.

Trái với Payoo, GrabPay by Moca hình thành từ thương vụ Grab mua ví điện tử nội địa Moca.

Phục vụ cho hệ sinh thái Grab, GrabPay by Moca có quy mô hoạt động lớn. Ứng dụng trong lĩnh vực gọi xe khu vực.

Đông Nam Á gia nhập thị trường Việt Nam năm 2014, hai năm gần đây liên tục bổ sung các tính năng mới như gọi đồ ăn, giao hàng, đi chợ, thanh toán hóa đơn và trở thành thế lực đáng gờm trên thị trường.

Nhờ gắn với nhu cầu đi lại có tần suất sử dụng cao, sau sáu năm có mặt ở Việt Nam, Grab tuyên bố tiếp cận hơn 1/4 dân số Việt Nam, tức khoảng 25 triệu khách hàng.

Vậy MoMo, Fintech nội địa liệu có đủ sức cạnh tranh?

Sáng tạo, linh hoạt, am hiểu tâm lý người dùng địa phương là các thế mạnh cạnh tranh của MoMo theo quan điểm của hai nhà sáng lập.

Cơ hội cũng đến từ định nghĩa MoMo là ví điện tử “Made in Vietnam”, dành cho người Việt Nam với tiêu chí sử dụng “nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.”

Và họ không nói suông! MoMo liên tục cải tiến trải nghiệm của khách hàng.

Chẳng hạn tính năng thanh toán QR Code, trong khi phần lớn thị trường sử dụng QR Code tĩnh, MoMo triển khai QR Code động để giảm quy trình thanh toán từ năm bước xuống còn một lần chạm.

Tuy nhiên về công nghệ, điều khó nhất là làm sao tích hợp được vào tất cả các hệ thống của đối tác.

Thách thức tưởng như nhỏ mà lại ngốn của đội ngũ kĩ thuật MoMo thời gian, chi phí và công sức.

Đã vậy, họ còn phụ thuộc nhiều vào ý chí quyết tâm của đối tác để cùng tạo ra sự thuận lợi.

Ban đầu MoMo gửi mã theo hình thức SMS tới số điện thoại đăng ký, để bảo đảm sự nhanh chóng, tiện lợi, sáu số bí mật đặt lên dòng tin nhắn đầu tiên, rồi mới tới dòng cảnh báo bảo mật: “Bạn không được cung cấp mã số OTP cho bất cứ ai...”

Nhiều khách hàng bỏ qua cảnh báo quan trọng này và bị kẻ xấu lừa cung cấp mã OTP lấy tiền.

MoMo đảo ngược, chuyển cảnh báo lên dòng tin nhắn đầu tiên, mã OTP xuống dưới.

Một số khách hàng vẫn bỏ qua cảnh báo và chuyện lừa đảo vẫn xảy ra.

MoMo đành hi sinh một phần tiêu chí “tiện lợi”, để có sự an toàn: cung cấp mã OTP bằng cuộc gọi thoại (Voice OTP) nhằm chắc chắn thời điểm cung cấp mã OTP, người đăng nhập và người dùng số điện thoại đăng ký ở cùng một nơi!

MoMo còn xây dựng nhiều lớp để bảo vệ người dùng.

Khi đăng nhập tài khoản MoMo bằng thiết bị di dộng mới, hệ thống tự động nhận biết, ngay lập tức hạn mức giao dịch giảm từ 20 triệu xuống còn hai triệu trong 24 giờ tiếp theo để bảo vệ khách hàng (trong trường hợp khách hàng mất hoặc bị chiếm dụng điện thoại).

Chặng đường 10 năm gắn bó

Ngày đầu, MoMo là ứng dụng tích hợp lên thẻ sim điện thoại, học hỏi từ M_Pesa, mô hình rất thành công tại Kenya.

Một trong các khó khăn lớn nhất của những người mở đường là vượt qua các định kiến và tư duy lối mòn.

MoMo gặp nhiều thách thức khi làm việc với đối tác, trong đó khó tính nhất là các ngân hàng.

Theo ông Tường, hợp tác này là mấu chốt bởi vì làm “tech” không có “Fin” không được, và họ phải thuyết phục ngân hàng chia sẻ tầm nhìn.

Những ngân hàng đầu tiên MoMo mất 2-3 năm để có thể kết nối. Nhờ sự mở đường này các ví điện tử nội địa sau đó được thuận lợi hơn.

Đó là câu hỏi không bao giờ ngừng.

Với MoMo, tôi chưa bao giờ nghi ngờ về chuyện thành công, vì nếu khởi nghiệp mà hoài nghi, không bao giờ làm được,” ông nói.

Còn ông Tường tự tin: “Trong năm tới, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô hàng chục ngàn dịch vụ ngay trên ứng dụng. Nhưng MoMo vẫn giữ dịch vụ cốt lõi là ứng dụng tài chính trung gian.