Dịch vụ Cloud đã cải thiện đáng kể chi phí, thời gian mua, cài đặt, bảo mật của phần mềm, giảm bớt nhiều rào cản cho người dùng.

Vì thế mà có không ít tên tuổi ngày càng lớn mạnh trong lĩnh vực này ở trên thế giới và cả Việt Nam.

Các nhà cung cấp dịch vụ Cloud Server “quen mặt” trên thế giới

Nhắc đến dịch vụ điện toán đám mây không thể bỏ qua những tên tuổi lớn như Amazon, Oracle hay mới đây là Tencent Cloud với sự bùng nổ ấn tượng.

1. Amazon Web Service - người tiên phong dịch vụ đám mây

Amazon Web Services (AWS) là nền tảng đám mây toàn diện và được sử dụng rộng rãi nhất, cung cấp trên 200 dịch vụ đầy đủ tính năng từ các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới.

Hiện nay AWS có hàng triệu khách hàng từ các công ty khởi nghiệp tới các tập đoàn lớn hay các cơ quan hàng đầu của chính phủ.

Họ đều tin tưởng vào AWS để giảm chi phí, trở nên linh hoạt hơn và đổi mới nhanh hơn.

AWS dẫn đầu về công nghệ điện toán đám mây trên thế giới.
AWS dẫn đầu về công nghệ điện toán đám mây trên thế giới.

Theo Báo cáo Magic Quadrant 2021 về Dịch vụ nền tảng & cơ sở hạ tầng đám mây (CIPS) của Gartner, AWS được xếp vào nhóm các công ty dẫn đầu (Leaders quadrant).

Điều đó cho thấy vị thế của công ty này trên đường đua công nghệ đám mây.

Báo cáo Magic Quadrant 2021 về dịch vụ nền tảng & cơ sở hạ tầng đám mây của Gartner.
Báo cáo Magic Quadrant 2021 về dịch vụ nền tảng & cơ sở hạ tầng đám mây của Gartner.

Các dịch vụ mà AWS cung cấp gồm có:

Cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS)

IaaS gần giống nhất với các tài nguyên công nghệ thông tin (CNTT) hiện tại mà nhiều bộ phận CNTT và nhà phát triển hiện nay rất quen thuộc.

IaaS chứa các khối xây dựng cơ bản cho đám mây CNTT.

Loại hình đám mây này thường cung cấp quyền truy cập vào các tính năng mạng, máy tính (ảo hoặc trên phần cứng chuyên dụng) và không gian lưu trữ dữ liệu.

IaaS đem đến cho người dùng mức độ linh hoạt cũng như khả năng kiểm soát quản lý tài nguyên CNTT cao nhất.

Nền tảng dưới dạng dịch vụ (PaaS)

PaaS giúp các doanh nghiệp không cần quản lý cơ sở hạ tầng ngầm của tổ chức.

Thay vào đó chúng cho phép họ tập trung vào công tác triển khai cũng như quản lý các ứng dụng của mình.

Điều này giúp người dùng làm việc hiệu quả hơn do không cần phải lo lắng về việc thu mua tài nguyên, hoạch định dung lượng, bảo trì phần mềm, vá lỗi hay bất kỳ công việc nặng nhọc nào khác có liên quan đến việc vận hành ứng dụng.

Phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS)

Khi nhắc đến SaaS, mọi người thường nghĩ đến ứng dụng dành cho người dùng cuối (chẳng hạn như Email trên nền tảng Web).

Thực tế, SaaS đem đến sản phẩm hoàn chỉnh được nhà cung cấp dịch vụ vận hành và quản lý.

Với SaaS, người dùng không cần phải nghĩ cách duy trì dịch vụ hoặc cách quản lý cơ sở hạ tầng ngầm mà chỉ cần nghĩ cách sử dụng phần mềm cụ thể đó.

Mỗi giải pháp AWS đều có kiến trúc chi tiết, hướng dẫn triển khai và thông tin chỉ dẫn cho cả quá trình triển khai tự động cũng như thủ công.

2. Oracle - nhà cung cấp dữ liệu lớn nhất trên thị trường công nghệ

Oracle là một trong những nhà cung cấp lớn nhất trên thị trường công nghệ hiện nay.

Cái tên Oracle chính là tên viết tắt từ sản phẩm chủ lực của hãng - hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ (RDBMS) Oracle Database.

Người dùng có thể sử dụng Oracle để quản lý ứng dụng và database.

Đây là giải pháp hàng đầu được rất nhiều đơn vị lựa chọn để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý.

Oracle cho phép người dùng tương tác với Database thông qua một ngôn ngữ SQL.

Oracle Cloud được thiết kế để giúp doanh nghiệp xử lý các tác vụ điện toán linh hoạt mà các máy chủ vật lý khó lòng đáp ứng được.
Oracle Cloud được thiết kế để giúp doanh nghiệp xử lý các tác vụ điện toán linh hoạt mà các máy chủ vật lý khó lòng đáp ứng được.

Một số phiên bản của Oracle có thể kể tới như:

Phiên bản Standard One:

Phiên bản này phù hợp với các đơn vị sử dụng một server tuy nhiên có nhược điểm là bị hạn chế nhiều tính năng.

Phiên bản Standard:

Đây là bản nâng cấp hơn so với phiên bản Standard One, phù hợp với các đơn vị có hệ thống máy chủ lớn hơn.

Phiên bản Enterprise:

Ở phiên bản này có một số tính năng hiện đại như tính năng bảo mật, tính toán hiệu suất, mở rộng phiên bản…

Đây là giải pháp phù hợp với các ứng dụng liên quan tới vấn đề giao dịch online, yêu cầu tính bảo mật cao.

Phiên bản Express:

Đây là phiên bản miễn phí, cho phép người dùng có thể tải về, sử dụng, triển khai và quản lý hệ thống.

Phiên bản Personal:

Phiên bản này có các tính năng giống phiên bản Enterprise nhưng được bỏ đi tính năng Oracle Real Application Cluster.

Các tính năng chính của Oracle đó là bảo mật thông tin, sao lưu và phục hồi cơ sở dữ liệu, tích hợp thông tin và cho phép người dùng dễ dàng quản lý thông tin.

3. Tencent Cloud - gương mặt mới nổi đầy triển vọng

Dù mới xuất hiện nhưng Tencent Cloud được đánh giá là một trong những công ty đám mây phát triển nhanh nhất thế giới.

Công ty này cam kết tạo ra các giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề chuyển đổi trong ngành công nghiệp hiện đại.

Chuyên môn của Tencent là cung cấp các dịch vụ video và trò chơi, bởi hai mảng này cần mang đến trải nghiệm tốt.

Những năm gần đây, Tencent Cloud có nhiều bước phát triển ấn tượng.
Những năm gần đây, Tencent Cloud có nhiều bước phát triển ấn tượng.

Tính đến năm 2021, Tencent Cloud đã phục vụ hơn 80% nhà sản xuất trò chơi hàng đầu đại lục theo danh sách Top 50 trò chơi di động mới nhất của App Annie vào năm 2021.

Hơn một nửa số trò chơi mới được triển khai vào năm 2021 đã chọn Tencent Cloud là đối tác.

PUBG Mobile, trò chơi có hơn 600 triệu game thủ trên toàn thế giới cũng đang sử dụng các dịch vụ của Tencent Cloud.

Tencent Cloud hiện đang mở rộng tiếp thị tại Thái Lan thông qua các đại lý hiện là TrueIDC, Tangerine, MIW.

Dự kiến trong tương lai hãng này sẽ phát triển ra khu vực Đông Nam Á.

Những đại diện của Việt Nam trên đường đua công nghệ đám mây

Không kém cạnh thế giới, nước ta có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như FPT Smart Cloud, Viettel IDC và BizFly Cloud.

1. FPT Smart Cloud nhận được nhiều chứng nhận uy tín

FPT Cloud là nền tảng điện toán đám mây thế hệ mới, được xây dựng trên nền tảng ảo hoá bản quyền VMWare và OpenStack.

Hệ thống này vận hành trong Trung tâm dữ liệu Uptime Tier III với kết nối liền mạch và kiến trúc tiên tiến, kết nối trực tiếp đến hệ thống Public Cloud từ các hãng lớn (Microsoft, AWS, Google).

Nhờ vậy mà công nghệ điện toán đám mây của FPT giúp cung cấp đa dạng các sản phẩm, giải pháp, tiện ích, phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng.

FPT Smart Cloud đạt được nhiều chứng chỉ quốc tế như PCI DSS, ISO/IEC 2707:2015.
FPT Smart Cloud đạt được nhiều chứng chỉ quốc tế như PCI DSS, ISO/IEC 2707:2015.

Ngày 24/09/2021, FPT Smart Cloud công bố Công ty đã chính thức trở thành đối tác triển khai dịch vụ đám mây được chứng nhận bởi VMware.

Chứng nhận Cloud Verified Partner khẳng định chất lượng đạt chuẩn quốc tế của các giải pháp, dịch vụ được cung cấp bởi doanh nghiệp này.

Điều đó phần nào thể hiện năng lực của công ty khi cạnh tranh với các đơn vị khác trên thị trường.

Lợi thế lớn nhất của FPT Smart Cloud dành cho các doanh nghiệp trong nước đó là tính bản địa.

Sử dụng dịch vụ Cloud từ một nhà cung cấp uy tín có tiếng trong nước sẽ giúp doanh nghiệp luôn đảm bảo tuân thủ quy định và pháp luật Nhà nước về lưu trữ dữ liệu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời, liên tục bởi đội ngũ chuyên gia chuẩn quốc tế.

2. Viettel IDC không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng

Viettel IDC được đánh giá là một công ty có 5 trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn TIA-942 Rated 3 trên toàn quốc.

Với vai trò là nhà cung cấp các giải pháp số tại Việt Nam, Viettel IDC đã giúp cho các doanh nghiệp chuyển đổi từ không gian làm việc truyền thống sang không gian làm việc mới trên nền tảng đám mây (Cloud).

Mới đây, doanh nghiệp này ra mắt giải pháp mang tên Viettel Cloud Desktop, sản phẩm máy tính ảo với những tính năng ưu việt hơn, giúp nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Viettel Cloud Desktop nâng cao trải nghiệm làm việc từ xa.
Viettel Cloud Desktop nâng cao trải nghiệm làm việc từ xa.

Viettel Cloud Desktop cho phép tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng quản lý, tối ưu tài nguyên máy tính ảo cho các nhóm người dùng có nhu cầu sử dụng tương đồng.

Chẳng hạn như các lập trình viên, tổng đài viên, nhân viên tại quầy, nhân viên văn phòng.

Giải pháp này đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa đang nở rộ giúp người lao động hoàn thành các công việc của mình trên hệ thống.

Cùng với đó là đáp ứng được yêu cầu phản hồi thông tin một cách nhanh chóng không ảnh hưởng tới tiến độ công việc chung mà vẫn tạo ra giá trị cho công ty.

Viettel Cloud Desktop cung cấp khả năng quản trị tập trung tối ưu từ cấp phát, thu hồi, thay đổi cấu hình hoặc áp dụng các cập nhật về phần mềm, chính sách truy cập đối với người dùng một cách nhanh chóng với vài cú click chuột.

3. BizFly Cloud hỗ trợ nền tảng phục vụ trên 50 triệu người dùng

Một tên tuổi khác trong cung cấp dịch vụ đám mây ở nước ta có thể kể đến BizFly Cloud.

Bizfly Cloud được vận hành bởi công ty Cổ phần VCCorp, một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ cao ở Việt Nam.

VCCorp đã xây dựng và ứng dụng thành công hạ tầng Cloud Computing có khả năng lưu trữ và tính toán lượng dữ liệu lớn.

Bizfly Cloud hỗ trợ cho nền tảng công nghệ quảng cáo trực tuyến Admicro, phục vụ trên 50 triệu người dùng với hơn 200 website uy tín.

Trong đó gần 30 website thuộc sở hữu độc quyền, phục vụ hàng tỷ lượt xem mỗi tháng.

Nền tảng điện toán đám mây của BizFly Cloud với 15 dịch vụ đáp ứng hầu như toàn bộ các nhu cầu về hạ tầng trong một doanh nghiệp.
Nền tảng điện toán đám mây của BizFly Cloud với 15 dịch vụ đáp ứng hầu như toàn bộ các nhu cầu về hạ tầng trong một doanh nghiệp.

Ưu điểm vượt trội của BizFly Cloud là khởi tạo nhanh chóng và thay đổi cấu hình của CPU, RAM tức thời.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tạo bản sao của ổ cứng chỉ trong 1 giây với dung lượng bất kỳ bằng cách sử dụng Live Snapshot.

Dịch vụ Cloud Server của nhà cung cấp này có giao diện thân thiện và an toàn bảo mật cơ sở dữ liệu cao.

Nhằm đáp ứng được xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ trên thế giới, ngày càng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây ra đời.

Nhờ những cải tiến này mà mang lại môi trường làm việc linh hoạt, góp phần giải quyết những bài toán khó mà các doanh nghiệp đang gặp phải.