Vì đâu giá tiêu tăng nóng?
Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), từ 3 tuần sau Tết, giá hồ tiêu Việt Nam ghi nhận mức tăng 40% so với thời điểm trước Tết. Theo báo cáo của IPC, giá tăng cao khiến số lượng hồ tiêu được giao dịch hạn chế tại thị trường Việt Nam.
Ở thời điểm giá tiêu tăng giảm thất thường, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, chia sẻ:
Giá tiêu hôm nay rơi thẳng đứng, Chủ Nhật mà tranh nhau bán, điện thoại tắc nghẽn giống Hose, nhưng người trữ bao la người mua không có, làm việc cả ngày Chủ Nhật nhưng sức người có hạn dù rất nỗ lực, đạp nhau mà chạy thoát thân, thế mới thấy sản lượng nói gì thì nói cũng trùng trùng điệp điệp.
Những ngày gần đây, giá hạt tiêu đang được mua bán tại các tỉnh Tây Nguyên ở mức xấp xỉ 80.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với cách đây một tuần, cao hơn 60% so với cách nay khoảng một tháng.
Nếu so với cùng thời điểm này năm trước, giá hạt tiêu đã tăng... 200%, tức gấp 2 lần.
Giá tiêu tăng mạnh từng ngày, người trồng tiêu hưởng lợi nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu như đang ngồi trên lửa nếu đã ký hợp đồng trước đó, hoặc lo mất khách hàng vì giá quá cao.
Theo ông Phan Minh Thông, cho biết giá tiêu tăng nhanh từ cuối tháng 2.2021 đến nay phần lớn do hiện tượng đầu cơ của thương lái và đại lý.
Trong vòng mấy tuần gần đây, giới đầu cơ gom hàng rồi đẩy giá lên, người mua không chịu được giá cao nên đầu cơ tiếp tục trữ lại hàng. Dù giá tiêu trên thị trường xuất khẩu cũng đang tăng lên nhưng không theo kịp giá tiêu trong nước.
Tuy nhiên, một số khách hàng thấy giá tiêu hôm nay tại Việt Nam tăng cao đã ngừng giao dịch. "Giá tiêu hiện nay tôi có cảm giác tăng bất thường, như cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu còn có biên độ 5-10%, nhưng giá tiêu thì tăng nhanh khó dự đoán. Hiện nhiều doanh nghiệp gần như "đóng băng", không giao dịch.
Bản thân Phúc Sinh hiện nay cũng chủ yếu xuất cà phê. Bởi nếu bây giờ giao dịch, ôm hàng vào thì rủi ro cũng như đánh bạc vậy", ông Thông cho biết.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, 95% hạt tiêu Việt Nam được xuất khẩu.
Do đó, nếu các thương lái và đại lý đẩy giá rồi găm hàng, doanh nghiệp không thể mua để xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu nước ngoài không mua vì giá quá cao, xuất khẩu bị đình trệ và ngành hàng này sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trong 2 tháng đầu năm, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu cả nước chỉ đạt 30.291 tấn, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch đạt 87,56 triệu USD, giảm 6,5%.
Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
Ông Võ Duy Tường, Giám đốc Công ty TNHH Bách Sinh (Đắk Nông), thừa nhận nông dân đang hưởng lợi nhưng ngành tiêu đang đối diện nhiều rủi ro.
Các doanh nghiệp lỡ ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp sẽ lỗ nặng nếu phải mua hàng giao cho khách hàng.
Nếu các doanh nghiệp "xù" hợp đồng để... chạy lỗ hoặc không có hàng để giao thì hình ảnh của ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thương mại quốc tế, chưa kể nhiều doanh nghiệp sẽ đối diện với các vụ kiện tụng kéo dài.
Ông Tường cho biết việc"đứt gãy chuỗi cung ứng" là hiện tượng gây đau đầu cho các nhà xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam hiện nay.
"Doanh nghiệp Việt không có hàng giao, uy tín ngành hồ tiêu Việt Nam bị ảnh hưởng, các nước xuất khẩu hồ tiêu khác chắc chắn sẽ được hưởng lợi"
Ngay cả các công ty trung gian gom hàng cũng gặp khó, do giá bán ra luôn bị "hét" cao hơn 5-10% so với giá xuất khẩu dù đang vào chính vụ, chưa kể các công ty thương mại lớn đua gom hàng để cất kho chờ giá tăng!
Tại cuộc họp bất thường do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của đại diện hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trong nước và FDI nhằm tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu, VPA đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro.
Với những hợp đồng đã ký, nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch rộ.
Tổng Hợp