Công nghệ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần khiến Gig Economy bùng nổ. Nền kinh tế này đã mở ra những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp và lực lượng lao động. Tuy nhiên Gig Economy cũng tồn tại những rủi ro và thách thức nhất định.

Định nghĩa nền kinh tế Gig

Thuật ngữ “Gig Economy” được đặt ra bởi một cựu biên tập viên tạp chí New York Times và trở nên phổ biến từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính diễn ra vào 2007-2008.

Theo đó, Gig Economy được định nghĩa là nền kinh tế mà trong đó người lao động thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những nhân viên làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.

Có thể thấy rằng Gig Economy là một thị trường mở, linh hoạt mang tính toàn cầu. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động vào năm 2017 ước tính rằng 55 triệu người ở Mỹ tham gia vào nền kinh tế tự do này.

Lực lượng này chiếm khoảng 34% lực lượng lao động Mỹ. Trong khi đó ở Úc, lực lượng gig economy chiếm 8.5%.

null Một số thương hiệu tiên phong trong nền kinh tế tự do.


Trong nền kinh tế tự do Gig Economy, người lao động không cần buộc mình các quy định công ty, văn hóa doanh nghiệp, hợp đồng lao động,... Đó là môi trường mà họ được tự do sáng tạo, linh hoạt trong việc quản lý thời gian, kiểm soát thu nhập.

Ngoài ra người lao động có quyền lựa chọn các công việc họ mong muốn, các dự án ngắn/dài hạn.

Nhờ tính linh hoạt, người lao động qua những công việc ngắn hạn học hỏi được cách thích nghi với những môi trường làm việc khác nhau, rèn luyện được những kỹ năng tư duy đa góc độ, nêm “gia vị” cho Portfolio, CV của mình.

Bên cạnh đó, nền tảng làm việc tự do toàn cầu này là chìa khóa cho những người lao động muốn cân bằng công việc và “mental health”.

Về phía các doanh nghiệp tuyển dụng, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, Gig Economy đã mở ra những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp.

Đó là việc đón đầu một nguồn lao động dồi dào với chi phí nhân công thấp hơn so với các lao động hợp đồng toàn thời gian. Đồng thời, nhờ các nền tảng kỹ thuật số các doanh nghiệp vừa có thể tận dụng được những kỹ năng của các nhân viên tự do vừa tiết kiệm được chi phí thuê văn phòng.

Từ số lượng lớn ứng viên này, doanh nghiệp có thể lựa chọn những nhân viên phù hợp để trở thành nhân sự toàn thời gian.

null KOLs, influencers là những đại diện tiêu biểu của nhân lực thuộc gig economy.


Tại Việt Nam, các agency trong lĩnh vực truyền thông, tạp chí, các trang báo chí điện tử, các ứng dụng giao nhận đồ ăn như Now, Grab hay các KOLs, Influencer mà chúng ta thường thấy trên mạng xã hội chính là những đại diện tiêu biểu đóng vai trò lớn trong nền kinh tế tự do Gig ở Việt Nam.

Gig Economy ngày càng mở rộng về quy mô, phủ sóng khắp mọi lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, F&B, giáo dục,…. tạo nên sự chuyển dịch lớn đến nền kinh tế thế giới.

Nói cách khác, đây là thị trường dành cho những lao động làm việc Freelance phổ biến hiện nay, như tài xế cho các ứng dụng thương mại điện tử, các phóng viên, biên tập viên báo chí, giảng viên cao đẳng/ đại học hợp đồng, thậm chí là những sinh viên tìm kiếm việc làm để có thêm kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp.

Rủi ro chồng chất

Tuy nhiên, sự bùng nổ của Gig Economy tồn tại những rủi ro, thách thức nhất định, đó là việc nền kinh tế này có khả năng trở thành nền kinh tế duy nhất, áp đảo các nền kinh tế truyền thống, đe dọa đến việc làm cũng như cơ hội của nguồn lao động toàn thời gian.

Đồng thời cũng chính sự linh hoạt, tự do trong bản chất của Gig Economy khiến cho các lao động tự do không được hưởng các chính sách, luật bảo vệ lao động, và quyền lợi về việc làm như bảo hiểm y tế, chế độ lương hưu, lương thưởng do không có hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, người lao động ở nền kinh tế tự do này còn phải chịu những rủi ro về thị trường, xu hướng tiêu dùng, sự chao đảo của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do Covid-19, những tham gia nền kinh tế Gig là những người đầu tiên bị ảnh hưởng.

null Gig economy cũng có nhiều rủi ro tiềm ẩn.


Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19 buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, đặt lực lượng lao động tự do lên tình thế bấp bênh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Ngày 16/6/2020, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Grab- Anthony Tan , cho biết sẽ cắt giảm khoảng 360 nhân viên, tương đương 5% đội ngũ nhân sự toàn cầu. Một tuần sau khi Grab thông báo cắt giảm nhân sự, Gojek thông báo cắt giảm 430 nhân viên, tương đương 9% tổng số nhân sự.

Thêm vào đó, Gojek đã phải tuyên bố đóng cửa 2 dịch vụ là GoLife và GoFood Festivals, đe dọa trực tiếp đến thu nhập của người lao động tự do.

Làm thế nào để tồn tại ở nền kinh tế tự do Gig?

Gig Economy là một thi trường đầy cơ hội nhưng không kém phần rủi ro đòi hỏi người lao động cần phải trang bị một số kỹ năng cần thiết để sống sót trước những thách thức mà nó đem lại.

Thích nghi với sự thay đổi

Một trong những kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất đó là việc thích ứng với sự thay đổi. Bởi nền kinh tế tự do Gig mà chúng ta đang sống thay đổi từng ngày theo cách chúng ta không thể nào đoán trước được.

null Thích nghi là chìa khóa để sống sót trong gig economy.


Sự cạnh tranh, và sự thay thế là không thể tránh khỏi. Chính vì thế học cách thích ứng và không ngừng đưa ra những chiến lược mới cho bản thân trong từng giai đoạn là điều không thể thiếu.

Xây dựng thương hiệu cá nhân

Trong bất cứ nền kinh tế nào, việc xây dựng thương hiệu cá nhân cũng đều rất quan trọng.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế Gig, thương hiệu cá nhân là việc sống còn bởi nó không chỉ quyết định một người có thể làm được gì mà còn là có thể kiếm được thu nhập bao nhiêu. Trên thực tế, thu nhập của một người bình thường và người có thương hiệu là một khoảng cách rất xa. 

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu không còn là chuyện nổi tiếng nhất thời. Thương hiệu cá nhân là cách người khác nhìn nhận, đánh giá về mỗi cá nhân. Nó được tạo nên từ tư duy, giá trị cốt lõi, thái độ làm việc, niềm tin và tri giác mà con người ta có về một cá nhân nào đó.

Việc xây dựng thương hiệu cá nhân tốt giúp chúng ta có lợi thế cạnh tranh trong thị trường kinh tế Gig đầy rủi ro này.

Như Ngọc