Game - chìa khoá để các thương hiệu xa xỉ tăng doanh thu, kết nối với người tiêu dùng thế hệ trẻ
Skinvader (nền tảng chuyên về tạo hình game và thời trang ảo) gần đây đang đề cập đến “Cách thế hệ game thủ mới thúc đẩy thời trang trong game” và “Tại sao mọi người lại chi tiền cho quần áo hàng hiệu trong trò chơi?”.
Theo đó, sự phổ biến ngày càng nhiều của các loại game nhập vai và mô phỏng cuộc sống đã làm gia tăng số lượng game thủ nữ, chiếm 46% tổng số game thủ toàn cầu.
Game hiện là ngành công nghiệp giải trí lớn nhất với doanh thu 180 tỷ USD.
Gen Z và Millennials là hai nhóm đối tượng chính, trong đó Gen Z đại diện cho gần 40% tổng số người tiêu dùng toàn thế giới.
Video game đang trở thành một kênh tiếp thị quan trọng và là cách để các thương hiệu bán ra những BST digital (kỹ thuật số) hay phygital (bao gồm cả kỹ thuật số và vật lý) bởi khách hàng hầu như không mấy bận tâm về ranh giới của hai khái niệm này.
Đời thực ra sao thì đời ảo như vậy, họ muốn quần áo cùng “skin” trong game cũng phải thể hiện giá trị và đẳng cấp của mình.
Theo Souza, 70% game thủ trẻ quan tâm đến thương hiệu có tiếng và đó là lý do vì sao hiện nay ngày càng có nhiều “ông lớn” thời trang bắt đầu “đánh chiếm” mặt trận này.
Những màn hợp tác tiêu biểu của Game và Thời trang
Trong hai năm qua, giới thời trang đã chứng kiến không ít những cái bắt tay của thời trang với công nghệ như các BST NFT, tích hợp công nghệ AR, AI, 3D vào việc bán lẻ,…
Nhưng khi nói đến Game x Thời trang, Balenciga, Ralph Lauren, Gucci và Burberry có lẽ là những cái tên nổi bật nhất về sự đầu tư và mức độ ảnh hưởng.
Burberry và Honor of Kings
Tiếp nối mối quan hệ hợp tác trước đây, Burberry đã phát hành các thiết kế độc quyền cho tựa game mobile Honor of Kings.
Nhân vật nữ chính của trò chơi – Yao đã được hiệu nước Anh “styling” cho hai tạo hình mới lấy cảm hứng từ BST Xuân-Hè 2021.
Trong số đó, không thể thiếu một chiếc trenchcoat Burberry kinh điển với màu beige và họa tiết kẻ ô.
Người hâm mộ đã có thể mua những item đặc biệt này cả trong trò chơi, cửa hàng online và flagship store ở Trung Quốc.
Thế giới màu sắc của Gucci trong Roblox
Tháng 5/2021, Gucci đã xuất hiện bất ngờ trên Roblox dưới dạng một khu vườn ảo trong bản đồ của trò chơi.
Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ căn nhà di sản ở Florence của nhà mốt nước Ý.
Ngoài ra, một BST digital giới hạn gồm các mẫu túi xách, quần áo, phụ kiện,…của Gucci cũng được bán ra trong thời gian ngắn.
Đáng chú ý là một túi Queen Bee Dionysus thậm chí đã được đấu giá lên đến 4115 USD, cao hơn cả phiên bản ngoài đời.
Balenciaga và Fornite hoán đổi trang phục
Chẳng quá bất ngờ khi “nhà mốt đi cùng công nghệ” Balenciaga tuyên bố hợp tác với tựa game Fornite của Unreal Engine.
Người chơi trong Fornite hiện có thể phục trang các thiết kế Balenciaga cho nhân vật của mình.
Ngược lại, họ cũng có thể mua các món “vật phẩm” Fornite tại cửa hàng Balenciaga ngoài đời như áo thun, mũ lưỡi trai, áo khoác da, áo sơ mi và hoodie với bảng kích thước unisex từ size XS – L của Pháp.
Diện đồ Ralph Lauren hệt người thật ở Zepeto
Zepeto là một xã hội miễn phí cho phép bạn tạo ra nhân vật 3D từ một bức ảnh của chính mình.
Cuối tháng 8/2021, Ralph Lauren đã hợp tác với ứng dụng này để tạo ra bộ sưu tập gồm 50 mẫu trang phục digital và các bối cảnh trong app.
Flagship Đại lộ Madison như được “bê nguyên” vào thế giới ảo với các gian trưng bày, phòng thử đồ và phòng chờ “sang xịn mịn”.
Bên cạnh đó, để ăn mừng cho màn hợp tác này, Ralph Lauren đã tổ chức một sự kiện ảo cùng với phiên bản Zepeto của nhóm nhạc K-Pop Tomorrow X Together.
Tại đây, fan hâm mộ có cơ hội tương tác với thần tượng của mình tương tự như một fan meeting ngoài đời.
May đo đồ ảo như thế nào?
Đối với tất cả các nhà thiết kế truyền thống – những người thích chạm vào vải vóc, phác thảo và tự tay cắt may thiết kế của mình, bạn sẽ bớt bỡ ngỡ hơn khi biết rằng một số quy trình chế tác trang phục ảo có phần giống với đời thực.
Đầu tiên, các thiết kế được mô phỏng trên máy tính, sau đó so khớp và đối chiếu để tìm ra các hình chụp chất liệu đem lại hiệu ứng mong muốn.
Tiếp đến là dựng hình, sử dụng bộ quét 3D và công cụ tạo bóng để tăng tính chân thực.
Bạn sẽ không hề đơn độc trong vũ trụ metaverse mới này bởi quy trình được đặt ra bao gồm rất nhiều bước thực hiện từ bản phác thảo cho đến sản phẩm cuối cùng.
Nhà thiết kế vẫn là trung tâm của các ý tưởng và concept còn môi trường kỹ thuật số chỉ là một không gian hoàn thiện mới.
Thường thì các chương trình CAD (phần mềm phác thảo bản vẽ 2D/3D) được dùng để tạo ra trang phục còn phần coding và số hóa sẽ do một bên thứ ba phụ trách để “chuyển hàng” đến tựa game mong muốn.
Phim hoạt hình - Đích đến kế tiếp của các thương hiệu
Sau khi đã thành công lôi kéo các game thủ, điểm đến tiếp theo trong hành trình mở rộng tệp khách hàng của các nhà mốt có lẽ sẽ hạ cánh ở thế giới hoạt hình.
Trong chiến dịch quảng bá BST Xuân-Hè 2022 của Balenciaga, hội tín đồ được xem một tập phim The Simpsons dài 10 phút với nội dung đặc biệt được sản xuất riêng cho thương hiệu thời trang này.
Trong phim, Homer tặng Marge một chiếc đầm Balenciaga vào ngày sinh nhật, kết thúc bằng cảnh thị trấn Springfield được Giám đốc Sáng tạo Demna Gvasalia mời đến Paris để làm người mẫu cho show diễn của mình.