Làn sóng tiêu cực từ việc sử dụng hàng nhái
Hôm 18/1, Song Ji Ah (FreeZia), thí sinh của chương trình hẹn hò thực tế ăn khách trên Netflix "Single's Inferno" (Địa ngục độc thân), thừa nhận việc mặc đồ nhái theo các thương hiệu thời trang cao cấp, theo The Korea Herald.
"Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến các thương hiệu đã bị thiệt hại vì vấn đề này. Tôi cũng chân thành xin lỗi người hâm mộ và những ai đã đăng ký kênh của tôi. Là một người có ước mơ ra mắt thương hiệu thời trang của riêng mình, tôi sẽ suy ngẫm nghiêm túc về những tranh cãi gần đây. Tôi sẽ có tinh thần trách nhiệm cao hơn", Ji Ah nói.
Trước đó, thí sinh "Single's Inferno" bị chỉ trích dữ dội khi dính cáo buộc dùng đồ giả lúc tham gia chương trình và cả trong nhiều clip đăng trên kênh cá nhân.
Được chú ý nhờ theo đuổi lối sống cao cấp, hình ảnh sang chảnh, Ji Ah khiến nhiều khán giả thất vọng, thậm chí kêu gọi tẩy chay.
Sự chỉ trích của cộng đồng mạng Hàn Quốc nhằm vào Song Ji Ah không khiến nhiều người bất ngờ.
Tuy nhiên, nếu xem xét trong bối cảnh phát triển của thị trường hàng xa xỉ giả mạo tại xứ kim chi, điều này có phần mâu thuẫn.
Thật giả lẫn lộn
Ở Hàn Quốc, việc buôn bán hàng xa xỉ phát triển mạnh lại đi kèm với sự tăng trưởng tương tự của thị trường hàng giả, hàng nhái.
Số lượng hàng nhái nhập vào xứ củ sâm tăng lên theo từng năm và đạt mức cao kỷ lục trong 2 năm đại dịch.
Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, có 1.866 vụ bắt giữ túi xách giả được nhập lậu vào nước này trong vòng 4 năm qua. Tổng giá trị lên tới 467,9 tỷ won nếu là đồ thật.
Túi xách của thương hiệu cao cấp Louis Vuitton phổ biến nhất trên thị trường hàng giả trong nước. Tổng số sản phẩm Louis Vuitton giả trị giá 148,4 tỷ won đã bị thu giữ, tiếp theo là hàng nhái Chanel trị giá 70,1 tỷ won và Gucci trị giá 29,5 tỷ won.
Trước thực trạng này, các thương hiệu cao cấp quốc tế đã tuyên chiến với hàng giả bằng cách giới hạn số lượng mua cho mỗi khách hàng đối với những sản phẩm bình dân.
Chanel, thương hiệu xa xỉ được yêu thích ở xứ sở kim chi, chỉ cho phép mỗi người mua một món đồ da nhỏ mỗi năm.
Chanel không nói rõ chính sách này chỉ áp dụng cho thị trường Hàn Quốc hay toàn cầu.
Một thương hiệu xa xỉ khác là Hermès cũng thực hiện quy tắc mua sắm ở Hàn nhằm hạn chế khách mua nhiều hơn 2 túi xách cùng kiểu dáng.
Tương tự, Rolex hạn chế mua sắm bình quân đầu người ở mức một hoặc hai chiếc đồng hồ mỗi năm.
Hàng giả cùng những ý kiến trái chiều
Theo luật pháp Hàn Quốc, buôn bán và nhập khẩu hàng giả là bất hợp pháp. Việc sở hữu hàng hóa với mục đích sao chép và chế tạo các nhãn hiệu đã đăng ký của người khác cũng là vi phạm pháp luật.
Nhưng người mua không nhận ra các mặt hàng là giả không bị coi là vi phạm pháp luật.
Nghiên cứu kết hợp giữa Đại học Delaware (Mỹ), Đại học Leibniz (Đức) và Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc) cho thấy cảm xúc mâu thuẫn của người Hàn đối với hàng giả các thương hiệu xa xỉ.
Những người trẻ 20-30 tuổi hiện vừa là khách hàng chủ lực của thời trang cao cấp lẫn thị trường hàng giả ở xứ kim chi. "Keep up with the Joneses" và "Spine Breaker" là những cụm từ dùng để mô tả tâm lý mua sắm của nhóm khách này.
"Keep up with the Joneses" nói về việc đua đòi dù không đủ khả năng tài chính để bằng bạn bằng bè.
Còn "Spine Breaker" bắt nguồn từ bài hát cùng tên của nhóm nhạc BTS, đề cập đến những ông bố bà mẹ còng lưng làm việc kiếm tiền mua áo quần, túi xách đắt tiền cho con cái.
Tài chính và áp lực ngang hàng trong xã hội là lý do khiến nhiều người trẻ tìm đến thị trường hàng giả ở Hàn Quốc. Ngược lại, văn hóa lại là yếu tố khiến những người mặc đồ nhái bị xa lánh tại xứ củ sâm.
Jaehee Jung, phó giáo sư nghiên cứu về thời trang và may mặc, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Người Mỹ mua hàng hóa xa xỉ vì chủ nghĩa hưởng thụ. Người tiêu dùng Pháp sắm đồ hiệu vì coi trọng tính độc quyền. Còn người Đức trọng đồ thật, e dè hàng giả vì chất lượng sản phẩm.
Nhưng người Hàn quan tâm nhiều hơn đến nhận thức xã hội và tạo ấn tượng tốt với người khác. Mọi người lo lắng rằng bản thân bị xem thường nếu người khác biết họ mua hàng giả.
Văn hóa Hàn Quốc nói chung có ý thức xã hội cao, trong khi người Đức cũng như người Mỹ chú trọng nhiều hơn đến động lực của bản thân.
Tổng hợp, nguồn: Người Đồng Hành, Zing News