Từ giải pháp tạm thời thành xu hướng mới
Tại Việt Nam, Microsoft Việt Nam đang áp dụng mô hình làm việc kết hợp.
Báo cáo Chỉ số Xu hướng công việc thường niên năm 2021 của Microsoft cho biết, 81% lực lượng lao động tại Việt Nam mong muốn được làm việc trực tuyến.
Đồng thời cũng có đến 77% muốn có thời gian gặp mặt trực tiếp các đồng nghiệp của mình.
Điều đó phản ánh thực tế là người lao động muốn kết hợp những gì tốt nhất của cả hai cách làm việc.
Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành của Microsoft Việt Nam cho biết, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Microsoft đã triển khai mô hình làm việc kết hợp cho hơn 160.000 nhân viên trên toàn cầu.
Thực tế cho thấy, công việc có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau và sự linh hoạt, tin tưởng, trao quyền là chìa khóa mang lại thành công.
FPT, với 22.000 nhân sự, trong đó có hơn 3.000 nhân viên hoạt động trên toàn cầu, triển khai 1.700 dự án cùng lúc trên toàn thế giới, nhưng công việc không gián đoạn, không xảy ra sự cố bởi áp dụng làm việc kết hợp.
Trong khi đó, Seedcom áp dụng mô hình làm việc kết hợp từ rất sớm, một số lãnh đạo của công ty điều hành từ nước ngoài.
Các bộ phận kế toán - tài chính, nhân sự, truyền thông có các vị trí cố định, nhưng nhân viên có thể làm việc linh hoạt.
Việc áp dụng mô hình làm việc kết hợp giúp tiết kiệm chi phí thuê văn phòng, tiết kiệm thời gian đi lại và giúp nhân viên chủ động sắp xếp thời gian làm việc.
Thực tế, hàng loạt công ty lớn tại Việt Nam đã áp dụng mô hình làm việc kết hợp từ năm 2021 khi COVID-19 diễn biến phức tạp, như VNPT, MobiFone, Fiin Credit, VNG Group…
Và việc áp dụng văn hóa làm việc mới này, các doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, thậm chí mở rộng thị trường và đều tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận.
Để làm việc kết hợp không là nỗi lo
Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt áp dụng mô hình làm việc kết hợp vẫn mang tâm thế là giải pháp tình thế, tạm thời, chứ không phải là xu hướng định hình của tương lai.
Lo ngại của mô hình này là mất đi sự hứng thú, gắn kết của nhân viên, suy giảm văn hóa doanh nghiệp, an ninh bảo mật, lo giảm hiệu suất công việc…
Trong bối cảnh kết hợp nhiều phương thức làm việc, FPT Software ứng dụng và tuân thủ quy tắc dùng công cụ nội bộ để đo đạc tiến độ, khối lượng công việc nhóm.
Đồng thời tạo ra các sự kiện gắn kết, tăng tương tác như talkshow, để đáp ứng nhu cầu giao lưu của mọi người.
Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty MISA chia sẻ, sau khi giải quyết được các vấn đề về hạ tầng, công cụ làm việc, công ty phải đảm bảo các đội nhóm vẫn có thể tương tác khi làm việc từ xa, đảm bảo việc chấm công, hiệu suất làm việc ở nhà không giảm đi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship cho rằng, muốn dỡ bỏ tâm lý lạm dụng làm việc kết hợp khiến hiệu suất công việc giảm xuống, thì phải làm cho văn hóa niềm tin trong doanh nghiệp tăng lên.
Lãnh đạo tin tưởng vào nhân viên, trao toàn quyền cho họ thực hiện công việc và không cần sự kiểm soát chặt chẽ.
Ở chiều ngược lại, nhân viên cũng thể hiện niềm tin vào người lãnh đạo và doanh nghiệp, làm việc để cống hiến, đóng góp cho công ty và tạo dựng giá trị, chứ không phải vì một ai đó đang quan sát.
Việc chuyển sang mô hình làm việc kết hợp sẽ mang đến cho lãnh đạo doanh nghiệp cơ hội hiếm có để chuyển đổi quy trình kinh doanh theo những cách mới và sáng tạo.
Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng có thể áp dụng mô hình làm việc kết hợp.
Mô hình này phù hợp với một số lĩnh vực như công nghệ, truyền thông, quảng cáo, thiết kế, du lịch, thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng…
Đối với các ngành đòi hỏi nghiêm ngặt việc bảo mật thông tin và quy trình như ngân hàng, chứng khoán..., thì mô hình này khó phù hợp.
Theo Báo Đầu Tư