aNcari là kênh YouTube của cô gái Nhật Bản Akari đem lòng yêu mến con người và đất nước Việt Nam khi đến sống và làm việc tại TP.HCM.

Những câu chuyện đời thường của aNcari ban đầu chỉ thu hút được bạn bè người Nhật của chính cô, nhưng dần dần lượng người xem trở nên đa dạng khi cô phát triển kênh bằng song ngữ (Nhật - Việt).

Vậy là, không chỉ là những bạn trẻ người Việt mà còn là những người Nhật khác biết đến kênh aNcari khi tìm hiểu thông tin về du lịch Việt Nam, theo đó, họ được giới thiệu những món ăn thú vị, sự đa dạng về ẩm thực cũng như những nét văn hoá đời sống của con người Việt.

15423aNcariroom_1526234650

aNcari room, cô gái Nhật yêu Việt Nam sinh năm 1993. Ảnh từ aNcari room.

Trước đó, sự kiện bộ phim Kong: Skull Island của đạo diễn Jordan Vogt Robert được công chiếu với các cảnh quay chính được thực hiện tại các điểm du lịch là di sản thiên nhiên thế giới, ngành du lịch Việt Nam cũng đã tận dụng cơ hội để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đồng thời bổ nhiệm đạo diễn ông Jordan Vogt Robert là đại sứ du lịch tại Anh và Mỹ.

Không chỉ có "đại sứ ngoại quốc", các "đại sứ nội địa" là lực lượng rất năng động và sáng tạo không ngừng.

Phần lớn cộng đồng phượt khu vực miền Tây Bắc đều truyền tai nhau theo dõi những clip mới nhất của "Hoa Ban Food", một kênh YouTube được doanh nhân Tân Phạm lập nên, và nội dung cũng do chính anh ghi hình thực tế, và tự tay biên tập.

Xuất phát từ đam mê cá nhân, trong những buổi đi về buôn làng, hay vào rừng sâu, núi đồi Tây Bắc, anh Tân đều ghi lại những kỷ niệm đẹp với người dân nơi đây, những trải nghiệm mộc mạc của anh như ăn thịt trâu hay cá gác bếp, lên rừng ăn món rừng đã thu hút hàng triệu người theo dõi.

Trẻ trung và năng động, kênh "Khoai Lang Thang" của Đinh Võ Hoài Phương được cộng đồng biết tới như một "đại sứ của ẩm thực".

Không chỉ có ngoại hình "ăn ảnh" và những lời dẫn duyên dáng thu hút các fan nữ, Hoài Phương rất tập trung vào sản xuất nội dung bài bản, chuyên nghiệp, với những kế hoạch đi đến các vùng miền từ miền Tây sông nước cho đến Tây Nguyên hay nước ngoài, thử ăn những món ăn đặc sắc của địa phương và chia sẻ cùng cộng đồng.

Clip về ẩm thực miền Tây "chân chất" của Phương thu hút đến hơn 1,6 triệu lượt xem.

15423HoaiPhuong_1526234735

Tấm ảnh trong bộ sưu tập "Cô Mía Việt Nam" của Khoai Lang Thang. Ảnh từ Facebook của Hoài Phương.

Cùng tình yêu xứ sở hiền hoà miền Tây sông nước, hai anh em "Thú vui dân dã", anh Thịnh và Quy cập nhật đều đặn những "trò vui" mà bất kỳ ai cũng tò mò khi tìm hiểu về miền Tây, như lội sông bắt cá bống, cách làm nồi bún nước lèo Cà Mau trứ danh, bắt con đuông dừa…

Tương tự Hoài Phương, hai anh em Thịnh và Quy cũng tổ chức các chuyến đi sáng tạo nội dung thường kỳ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Họ, cùng với hàng trăm ‘đại sứ' khác, đang ngày ngày sáng tạo ra những nội dung ở nhiều lĩnh vực, quảng bá những hình ảnh đất nước, con người, văn hoá, ẩm thực của quê hương cũng như những địa điểm mới lạ.

Họ chính là nguồn nhân lực cần khai thác, góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam tươi mới trên Internet, với những điểm đến hấp dẫn và chất lượng.

Vậy mà, dường như họ chưa được ngành du lịch chú ý đến, khai thác đúng mức để đưa ngành công nghiệp không khói này đi lên và bay cao.

Thị trường du lịch trực tuyến còn bỏ ngỏ

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quốc gia, cụ thể, năm 2017, Du lịch & Lữ hành đóng góp gần 9,4% vào GDP, vào khoảng 468.300 tỉ đồng.

Tuy vậy, ngoài phương thức truyền thống, các hãng lữ hành vẫn còn chậm chân trong việc thu hút nguồn khách đến từ không gian mạng, và khai thác ‘mỏ vàng' các đại sứ du lịch trực tuyến.

Việt Nam có sự tăng trưởng đột phá trong kinh doanh thương mại điện tử (tính riêng mảng dịch vụ du lịch trực tuyến), dự báo tăng từ 0,4 tỷ USD lên 7,5 tỉ USD vào năm 2025.

Những thông tin do Google cung cấp cho thấy thị trường du lịch trực tuyến rất tiềm năng nhưng vẫn còn bị bỏ ngỏ ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu do Google cùng Temasek SEA thực hiện năm 2016, Việt Nam có sự tăng trưởng đột phá trong kinh doanh thương mại điện tử (tính riêng mảng dịch vụ du lịch trực tuyến), dự báo tăng từ 0,4 tỷ USD lên 7,5 tỉ USD vào năm 2025.

Trong số đó, xu hướng đặt chỗ trực tuyến thông qua điện thoại thông minh (smartphone) của các công ty du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trung bình hơn 10% trong năm 2017.

Dữ liệu về thị trường trực tuyến không chỉ cho thấy tiềm năng to lớn mà còn là sự chuyển dịch sang môi trường di động rõ rệt.

Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong Tốp 5 thị trường có thời lượng xem clip YouTube nhiều nhất thế giới.

Đó là những yếu tố rất thuận lợi để phát triển môi trường quảng bá du lịch trên Internet.

Xu hướng tiếp diễn trong năm 2017, khi đến tháng 11-2017, Việt Nam đã có 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới và nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á (Diễn đàn Internet Việt Nam 2017).

Và theo Appota công bố 9-2017, Việt Nam có hơn 130 triệu người thiết bị di động, trong đó có tới 48 triệu thiết bị là smartphone, trong đó, tìm kiếm thông tin trở thành thói quen thường nhật của 67,3% (*).

Tuy vậy, những tiềm năng to lớn trên vẫn chưa được các công ty lữ hành và dịch vụ du lịch tại Việt Nam nắm bắt, kể cả những đại diện hàng đầu, theo các chuyên gia của Google phân tích.

Các hoạt động xúc tiến du lịch vẫn còn tập trung vào phương thức truyền thống như tham gia các hội chợ du lịch hoặc quảng bá ở các thị trường du lịch trọng điểm, chưa thật sự ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực du lịch trong xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Theo Tuổi Trẻ Online