Sự phát triển của công nghệ đã kéo theo nhiều thay đổi trong đời sống cũng như thói quen của người dùng, từ cách chúng ta làm việc cho đến gặp gỡ, giao tiếp hằng ngày.
Vậy xu hướng phát triển của tương lai sẽ tập trung vào gì? Sau đây là danh sách 7 công nghệ được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm 2022.
Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) bùng nổ
Hiện đa số thiết bị và ứng dụng VR chỉ dùng trong chơi game với trải nghiệm hạn chế, còn AR cũng chưa có nhiều "đất diễn".
Tuy nhiên, thời gian tới, công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường này có thể được ứng dụng phổ biến trong các hoạt động mua sắm, thời trang, mua bán bất động sản... nhờ sự phát triển của 5G cũng như sự đa dạng của các thiết bị hỗ trợ.
Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu, sinh viên và chuyên gia y tế có thể sử dụng VR để tìm hiểu nhiều chủ đề phức tạp và đòi hỏi sự trực quan, hay những người làm việc từ xa có thể sử dụng VR để tham gia vào cuộc họp ảo.
Trong khi đó, doanh nghiệp có thể tạo mô hình 3D thực tế của sản phẩm, cho phép người dùng xem mặt hàng qua công nghệ AR như thể họ đang cầm trên tay sản phẩm.
"Với sự phát triển của Internet, đặc biệt là công nghệ Wi-Fi 6e tốc độ cao năm 2022, các thiết bị như VR, AR sẽ phát huy được sức mạnh, cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp nhận lại nhiều lợi ích nếu khai thác được tiềm năng của chúng", chuyên gia Kevin Robinson của tổ chức Wi-Fi Alliance, dự đoán.
Công nghệ này tạo nên sự thay đổi trong mọi lĩnh vực.
Năm 2022 thế giới sẽ trở nên quen thuộc hơn với hình đại diện AR, dùng AR điều hướng trong nhà, trợ lý từ xa, tích hợp AI vào VR và AR, AR di động, AR trong công nghệ đám mây, các sự kiện thể thao online, công nghệ nhận diện khuôn mặt, v.v..
Sự phát triển của 5G và internet băng thông rộng cũng là động lực thúc đẩy công nghệ này lan tỏa.
Những đơn vị dẫn đầu trong ngành: Microsoft, Consagous, Quytech, RealWorld One, Chetu, v.v..
Cuối năm 2021 vừa rồi, Shopee Việt Nam đã bắt đầu có tính năng mua hàng thực tế ảo, nhen nhóm cho sự phổ biến của công nghệ này trong năm nay.
5G trở nên thông dụng, mở ra tiềm năng phát triển trong tương lai
Với ưu điểm tốc độ cao, ổn định, 5G được kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc sống trong năm 2021.
Tuy vậy, dự đoán này không thành hiện thực. Mạng di động thế hệ thứ năm chỉ được áp dụng hạn chế tại hầu hết quốc gia, trong khi các ứng dụng thực tiễn được mong đợi như thành phố thông minh, ôtô tự lái... cũng chưa thực sự phổ biến.
Tuy nhiên, 5G dự kiến phát triển mạnh mẽ trong 2022.
Theo Make Use of, với việc ngày càng nhiều quốc gia đầu tư vào hạ tầng 5G, nhà sản xuất có thể tạo ra nhiều thiết bị 5G mới với giá rẻ.
Cùng với sự phát triển của các nội dung độ nét cao, các hệ thống tự động cần kết nối mọi lúc mọi nơi, mạng di động thế hệ thứ năm hứa hẹn sẽ thành chuẩn kết nối thông dụng thay cho 4G hiện nay.
Nhu cầu internet tốc độ cao và hệ thống thành phố - nhà ở thông minh đã thúc đẩy sự phát triển của công nghệ 5G, 6G. Đã có hơn 380 hãng viễn thông đầu tư vào 5G và hơn 35 quốc gia cung cấp dịch vụ này.
Năm 2022, sự phát triển của 5G sẽ cải thiện các thành phố thông minh và hỗ trợ lĩnh vực các thiết bị không người lái.
Web3 sẽ không còn là “giấc mơ" trong năm 2022
Web3, hay Web 3.0, chỉ hệ thống web phi tập trung được xây dựng trên nền tảng blockchain, nơi không còn các máy chủ tập trung và dữ liệu không bị kiểm soát bởi các "ông lớn" công nghệ như Facebook, Google...
Người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ.
Tuy nhiên, Web3 hiện gây nhiều tranh cãi. Phía ủng hộ cho rằng nền tảng mới giúp họ tự do hơn, tránh việc bị xâm phạm dữ liệu và quyền riêng tư.
Trong khi đó, những người phản đối, như Elon Musk và Jack Dorsey, cho rằng đây chỉ là chiêu trò tiếp thị, thậm chí xem là khái niệm viễn vông và không thể thành hiện thực.
Dù vậy, Benedict Evans, chuyên gia phân tích nổi tiếng tại Thung lũng Silicon, cho rằng với sự phát triển của blockchain thời gian qua các nền tảng phi tập trung như Web3 sẽ có cơ hội hình thành và xây dựng cộng đồng ở một mức độ nào đó trong năm nay.
Còn theo Sri Viswanath, CTO Atlassian, Web3 sẽ khắc phục được hầu hết nhược điểm của các hệ thống web hiện tại trong 5 năm tới.
2022 sẽ là năm thành công nhất đối với Metaverse
Vũ trụ metaverse - thuật ngữ mô tả một thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau qua hình đại diện kỹ thuật số - được chú ý từ nửa sau 2021 và nhận được sự quan tâm lớn của nhiều tập đoàn công nghệ, trong đó có Microsoft, Google và Facebook.
Các công ty lớn tại Trung Quốc cũng nhanh chóng lên kế hoạch gia nhập vũ trụ ảo, hứa hẹn tạo nên không khí sôi động trong 2022.
Không dừng lại ở đó, năm 2022 được dự báo có thể là năm mọi hãng công nghệ lớn đưa ra nền tảng metaverse của riêng mình, theo Business Insider.
Ông lớn phần mềm Microsoft cũng đã rời vạch xuất phát với nền tảng mang tên Mesh, dự kiến hướng tới đối tượng là doanh nghiệp và người lao động làm việc trực tuyến, trong bối cảnh "work from home" tiếp tục là xu thế giữa đại dịch.
Theo Sanjay Mehta, chuyên gia tại công ty nghiên cứu thương mại điện tử Lucidworks, metaverse sẽ phát triển mạnh do các môi trường ảo có thể là nơi để hiện thực hóa những gì không thể làm trong thế giới thực.
Về mặt doanh nghiệp, ông tin metaverse giúp xây dựng cộng đồng khách hàng, hiểu hành vi của người mua sắm và tạo ra nhiều cách thức chăm sóc khách hàng hơn dựa trên AI.
Dù vậy, một số khác lại cho rằng metaverse chỉ là sự cường điệu. Donnie Teng, chuyên gia tại Nomura Securities, cảnh báo loại hình này chỉ là cách để các công ty phổ biến công nghệ VR và AR. Ông cũng lo ngại vấn đề quyền riêng tư và quấy rối sẽ sớm xuất hiện trên các nền tảng ảo.
AI, robot, Internet of Things, tự động hóa công nghiệp nở rộ
Vài năm qua, công nghệ tự động hóa ứng dụng AI đã dần hiện diện trong đời sống. Hiện nay, xe tự lái, robot phân loại và đóng gói hàng hoá, hệ thống xử lý dữ liệu độc lập dùng AI trên thiết bị thông minh... đã xuất hiện ngày một nhiều.
Giới phân tích tin rằng công nghệ tự động hóa sẽ thực sự bùng nổ trong năm nay ở nhiều lĩnh vực, nhờ tốc độ phát triển của mạng 5G và tiến bộ khoa học.
Năm 2022, nhu cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tự động hóa sẽ rất lớn. Bởi vì đây là năm sản xuất và cung ứng mở cửa trở lại, trong khi nguồn lao động lại thiếu hụt.
Do đó các nhà máy, công ty phải ứng dụng AI, robot, Internet of Things để thay thế việc quản lý sản xuất.
Một số công ty công nghệ với các giải pháp AI và robot hàng đầu: UBTech Robotics (Trung Quốc), CloudMinds (Mỹ), Bright Machines (Mỹ), Roobo (Trung Quốc), Vicarious (Mỹ), Preferred Networks (Nhật Bản), Fetch Robotics (Mỹ), Covariant (Mỹ), v.v..
Đến 2025, thế giới sẽ có hơn 50 tỷ thiết bị kết nối IoT. Khoảng một thập kỷ tới, một nửa số công việc hiện nay có thể được tự động hóa ở cấp độ cao.
Điện toán lượng tử - điều chúng ta mong chờ trong tương lai
2021 chứng kiến cuộc cạnh tranh mới về điện toán lượng tử giữa Trung Quốc và Mỹ.
Các chuyên gia nhận định 2022 sẽ là năm cuộc đua này trở nên gay cấn hơn do có sự tham gia của các quốc gia khác như Nhật Bản, Israel...
"Sẽ có sự đầu tư mạnh mẽ vào điện toán lượng tử năm nay", Jonathan Medved, người sáng lập tổ chức đầu tư OurCrowd, nhận xét. "Tôi kỳ vọng, số tiền dành cho công nghệ này sẽ gấp đôi mức một tỷ USD của năm 2021. Trong một thập kỷ nữa, loại hình này sẽ cực kỳ phổ biến".
Có 2 sự kết hợp chính trong ngành được dự kiến sẽ trở nên nổi bật hơn trong năm 2022.
Đầu tiên, chúng ta sẽ thấy cấu trúc liên kết của một hệ thống lượng tử là máy tính lượng tử tương lai, một hệ thống máy tính chuyên dụng chứa phần cứng lượng tử hoặc các bộ xử lý lượng tử (QPU).
Hệ thống này tương tự như các máy gia tốc và tập trung những tính toán và tính năng đặc thù về lượng tử.
Các QPU sẽ được bao quanh bởi các hệ thống máy tính thông thường để xử lý trước dữ liệu, chạy quy trình tổng thể và thậm chí tạo đầu ra cho các QPU.
Những hệ thống lượng tử thực tế thuở ban đầu đều tuân theo mô hình lượng tử lai này và chúng ta sẽ thấy sự kết hợp giữa máy tính cổ điển và lượng tử là điều sẽ xảy ra.
Sự kết hợp lớn thứ hai là mô phỏng lượng tử bằng việc sử dụng máy tính thông thường là phương pháp hiệu quả và dễ tiếp cận nhất để mang những hệ thống lượng tử đến các trường đại học, đội ngũ khoa học dữ liệu và nhà nghiên cứu.
Trên thực tế, Dell và IBM đã công bố nghiên cứu quan trọng trong việc giúp giả lập lượng tử dễ tiếp cận hơn.
Công nghệ sạch đi cùng với bảo vệ môi trường
Vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm và nhiều doanh nghiệp cũng dần chuyển sang nguồn tài nguyên, nhiên liệu, năng lượng và công nghệ sạch hơn.
Ở mỗi lĩnh vực, nhiều chính sách lớn nhằm ngăn biến đổi khí hậu cũng bắt đầu được áp dụng.
Theo công ty tư vấn McKinsey, các doanh nghiệp sẽ chạy đua dùng công nghệ sạch thời gian tới. "Việc sử dụng công nghệ sạch là nhằm đảm bảo tuân thủ quy định môi trường ở các quốc gia, cũng như giảm chi phí sản xuất", McKinsey nhận xét.
"Công nghệ sạch hứa hẹn cung cấp nguồn năng lượng xanh dồi dào để duy trì sự phát triển công nghệ theo cấp số nhân, chẳng hạn trong lĩnh vực điện toán công suất cao".
Nhìn chung, các xu hướng công nghệ trong năm 2022 sẽ là sự tiếp nối của năm 2021.
Tuy nhiên đại dịch vẫn sẽ tạo nên một số tác động nhất định. Nhiều hành vi, thói quen, dịch vụ, v.v. sẽ trở thành chuẩn mực và động lực trong đổi mới công nghệ và kinh doanh.
Tổng hợp, nguồn: Diễn đàn Doanh Nghiệp, Người Đồng Hành