Không dùng tiền mặt - Xu hướng của giới trẻ hiện nay

Theo một nghiên cứu gần đây, hiện nay có tới hơn 3/4 Gen Z không mang theo ví khi ra ngoài và thay vào đó họ lựa chọn việc thanh toán qua điện thoại, không tiếp xúc.

Theo dữ liệu từ công ty cung cấp thẻ Marqeta, 77% người từ 18-24 tuổi cảm thấy tự tin khi rời khỏi nhà mà không mang ví và chọn điện thoại là phương thức thanh toán chính.

Ngân hàng Anh cho biết các giao dịch sử dụng tiền mặt đã giảm từ hơn 50% xuống còn 17% trong 10 năm (2010 - 2020). 

Thanh toán không tiền mặt đã trở thành xu hướng trong giới trẻ (Ảnh: Internet).
Thanh toán không tiền mặt đã trở thành xu hướng trong giới trẻ (Ảnh: Internet).

Các bạn trẻ Việt cũng có xu hướng sử dụng thanh toán không tiếp xúc vì sự nhanh chóng và thuận tiện.

Lý do còn nằm ở việc bất an khi cầm theo nhiều tiền mặt bên người. 

Ngoài tiện lợi và thanh toán nhanh chóng, một trong những điểm cộng của thanh toán không tiếp xúc là chương trình khuyến mãi, Voucher của các App thanh toán,... hay chương trình hoàn tiền của ngân hàng khi sử dụng thẻ để thanh toán. 

Xu hướng không dùng tiền mặt tại Việt Nam - Thói quen thanh toán số đã thay đổi sau đại dịch

Chia sẻ tổng quan về thị trường thanh toán tại Việt Nam, đại diện NAPAS cho hay, hiện 66% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng. 

Hiện Việt Nam có hơn 40 đơn vị, tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép với khoảng 20 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động. 

Đáng chú ý, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. 

Tiềm năng thanh toán không tiền mặt trong tương lai là rất lớn (Ảnh: Internet).
Tiềm năng thanh toán không tiền mặt trong tương lai là rất lớn (Ảnh: Internet).

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong quý 4/2022 đã tăng 32% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, thanh toán trên Internet tăng 48,4% về số lượng giao dịch và 32,7% về giá trị giao dịch. 

Thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, lên đến 97,7% về số lượng giao dịch và 86,7% về giá trị giao dịch. 

Số lượng giao dịch thanh toán qua quét mã QR cũng tăng tới 56,6%.

Báo cáo hành vi người tiêu dùng của VISA năm 2022 cho thấy, có đến 76% người dùng cho biết tiếp tục sử dụng ví điện tử sau đại dịch, 82% sẽ sử dụng dịch vụ thẻ sau khi COVID-19 đi qua.

Hậu COVID-19, các doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi số, trong đó có kết hợp với thanh toán online (Ảnh: LOOP).
Hậu COVID-19, các doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi số, trong đó có kết hợp với thanh toán online (Ảnh: LOOP).

Trong thương mại điện tử, theo nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, quy mô của giao dịch trực tuyến đã có sự tăng trưởng vượt bậc. 

Từ quý 1/2021 đến quý 1/2022, số lượng giao dịch trực tuyến tại Việt Nam đã tăng gấp đôi, còn quy mô giao dịch tăng gấp 3 lần.

Đại dịch COVID-19 cũng thúc đẩy các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ tăng cường chuyển đổi số, liên kết với các đơn vị trung gian để cung cấp giải pháp thanh toán online cho người dùng. 

Kích hoạt sự kiện không dùng tiền mặt năm 2022 - Tiến đến thay đổi hiện trạng kinh tế số Việt Nam

Gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là những tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế số.

Ngày 21/7, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã tham gia Lễ kích hoạt sự kiện Không dùng tiền mặt năm 2022 và Tọa đàm mở về chính sách, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

2022 là năm thứ 3 sự kiện Không dùng tiền mặt được tổ chức với sự phối hợp thực hiện của Sở Công Thương và các cơ quan truyền thông, đơn vị cung ứng dịch vụ hàng hóa, như các trung tâm thương mại, siêu thị... trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Bà Phạm Hương Giang, Phụ trách phát triển kinh doanh NAPAS trình bày tham luận tại sự kiện (Ảnh: Internet).
Bà Phạm Hương Giang, Phụ trách phát triển kinh doanh NAPAS trình bày tham luận tại sự kiện (Ảnh: Internet).

Tại lễ kích hoạt sự kiện, đại diện công ty này đã trình bày tham luận về các chính sách và kỳ vọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. 

Bài tham luận đã nêu ra dư địa và các tiềm năng sẵn có về chính sách, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để Việt Nam triển khai tốt các giải pháp thanh toán không tiền mặt.

Đồng thời, NAPAS đưa ra các dịch vụ thanh toán hiện đại và tối ưu nhất cho người dân như: Thẻ chip NAPAS, thanh toán bằng mã VietQR, thanh toán di động , thanh toán bằng phụ kiện đeo tay…

Nhân viên Ngân hàng SHB hướng dẫn khách hàng đăng ký cài đặt app thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh: Hà Nội Mới).
Nhân viên Ngân hàng SHB hướng dẫn khách hàng đăng ký cài đặt app thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh: Hà Nội Mới).

Các sản phẩm, dịch vụ của NAPAS đã và sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt trong đời sống của người dân cũng như trong hoạt động kinh tế - xã hội nói chung. 

Từ đó, có thể nói tương lai không dùng tiền mặt hoàn toàn có thể xảy ra, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, hướng theo thói quen mua sắm của người tiêu dùng và bình ổn giá cả, chống thất thu thuế, lạm phát cũng như đảm bảo an sinh xã hội.