1. Mô hình chiến lược - Nền tảng xây dựng và phát triển doanh nghiệp
Chiến lược kinh doanh chính là một bản kế hoạch dài hạn phối hợp điều khiển các hoạt động kinh doanh nhằm giúp bạn đạt được các mục tiêu, kỳ vọng mà bạn đã đề ra trước đó.
Theo Cố vấn chiến lược toàn cầu Jeroen Kraaijenbrink, giá trị của một chiến lược có thể được thể hiện bằng 10 yếu tố chính và có thể chia theo 3 nhóm nhất định:
- Nhóm yếu tố nội bộ bao gồm: Môi trường tổ chức, mô hình doanh thu, nguồn lực và năng lực.
- Nhóm yếu tố bên ngoài bao gồm: Khách hàng và nhu cầu, Đối tác, Đối thủ cạnh tranh, Xu hướng và sự không chắc chắn, Rủi ro và chi phí.
- Nhóm mục tiêu dài hạn bao gồm: Giá trị và mục tiêu, Đề xuất giá trị.
Đọc thêm: Mô hình chiến lược kinh doanh của Jeroen Kraaijenbrink, bổ sung thêm Trends & Uncertainties.
2. Chỉ số quan trọng trong Mô hình chiến lược - Nguồn lực và năng lực
Nguồn lực và năng lực là những gì chúng ta có, những gì chúng ta giỏi và những gì khiến chúng ta trở nên độc nhất.
Nói về nguồn lực, chúng ta có thể kể đến 5 nguồn lực quan trọng trong doanh nghiệp:
- Nguồn lực con người;
- Trang thiết bị;
- Thị trường tiềm năng;
- Kỹ năng quản trị và tầm nhìn chiến lược;
- Vốn.
Còn năng lực của mỗi doanh nghiệp là thể hiện khả năng làm được việc này hay việc khác của doanh nghiệp đó.
Năng lực doanh nghiệp là khả năng sử dụng các nguồn lực đã được kết hợp một cách có mục đích để đạt được một trạng thái mục tiêu mong muốn.
Cụ thể, các nguồn lực vô hình và hữu hình được kết hợp và triển khai thông qua các hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp thì được gọi là năng lực.
3. Vì sao yếu tố Nguồn lực và Năng lực lại quan trọng?
Biết cách nắm bắt, tận dụng nguồn lực thông minh sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, có đủ điều kiện cần thiết để đón nhận những cơ hội mới.
Năng lực được đánh giá đúng đắn sẽ giúp xác định được nguồn gốc sản sinh ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, từ đó đưa ra các phương án phát huy tối ưu lợi thế đó hơn.
Ngoài ra, cách làm này cũng cho phép đội ngũ quản lý tránh được tình trạng dư thừa, lãng phí.
Thêm vào đó, một số lý do chủ yếu để yếu tố Nguồn lực và Năng lực lại quan trọng là vì:
- Ý tưởng thì luôn có nhiều nhưng thành công hay không còn phụ thuộc vào năng lực & nguồn lực;- Ý tưởng thì luôn có nhiều nhưng thành công hay không còn phụ thuộc vào năng lực & nguồn lực.
- Mô hình kinh doanh không đảm bảo đúng cho mọi doanh nghiệp, mà còn tuỳ thuộc vào nguồn lực và năng lực thực hiện;
- Khả năng duy trì và phát triển của doanh nghiệp trong thời đại ngày nay cần có sự chú trọng và phát triển nguồn lực và năng lực.
Một ví dụ cụ thể là ứng dụng Wefit.
Ra đời giữa năm 2016 bởi Founder Khôi Nguyễn, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập Gym, Yoga, Boxing, Zumba,… với khách hàng, nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng.
WeFit cho phép người dùng đi tập tại bất cứ phòng tập nào mà không có giới hạn trong hệ thống.
Người dùng chỉ cần thanh toán một lần duy nhất cho tất cả các phòng tập trong hệ thống.
Ý tưởng rất hay và khả thi, tuy nhiên, doanh nghiệp này gặp phải nhiều vấn đề về nguồn vốn:
- Đầu tiên là khó khăn về dòng tiền cuối năm, Wefit phải lấy nguồn thu này bù khoản chi kia vì phải đầu tư thêm, cộng thêm mùa đông là mùa thấp điểm của ngành fitness nên dẫn đến thiếu doanh thu kèm với các khoản nợ của đối tác (các phòng tập).
- Thứ hai, Wefit đã “vung tay quá trán” với số tiền nhận được từ các nhà đầu tư. Thời gian đầu, các gói của Wefit ưu đãi rất mạnh, đến lúc đại dịch COVID-19 có tác động nặng nề khiến các đối tác của Wefit ngừng hoạt động, không đem lại nguồn thu và số vốn dần cạn kiệt.
- Mô hình kinh doanh không đảm bảo đúng cho mọi doanh nghiệp, mà còn tuỳ thuộc vào nguồn lực và năng lực thực hiện.
Nói đến đầu tư vào mô hình kinh doanh thì phải nhắc đến thương hiệu Món Huế.
Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, Món Huế là cái tên đình đám trong lĩnh vực F&B một thời.
Dự án đã nhận 30 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, nhà đầu tư đến từ Mỹ Mark Mobius – người rót đã 15 triệu USD vào dự án từng khẳng định sẽ rót thêm vốn bất cứ khi nào công ty này có nhu cầu.
Thế nhưng, hàng loạt cửa hàng đã phải dừng hoạt động, doanh nghiệp bị tố nợ lương, chậm thanh toán cho các nhà cung cấp, cùng với khoản lỗ hơn 50 tỷ đồng mỗi năm trong 2 năm 2017 và 2018.
Không chỉ là vì doanh nghiệp “Quảng cáo một đằng nhưng làm một nẻo” mà còn vì thương hiệu này xây dựng mô hình kinh doanh giống với cửa hàng đồ ăn nhanh.
Món Huế kinh doanh các món truyền thống nên cần có thời gian để thưởng thức hương vị Huế, nếu gọi món giống như thức ăn nhanh sẽ làm mất đi giá trị ẩm thực Việt.
Ngoài ra, cách bày trí và sắp xếp khá giống với các cửa hàng như Lotteria, KFC làm mất đi tính đặc trưng của tên gọi.
Dù nguồn tiền đầu tư ban đầu và ý tưởng được đánh giá cao, nhưng cuối cùng doanh nghiệp thất bại vì năng lực thực hiện quá kém.
- Khả năng duy trì và phát triển của doanh nghiệp trong thời đại ngày nay cần có sự chú trọng và phát triển nguồn lực và năng lực.
Nguồn lực thì có hạn, năng lực cũng không thể tồn tại mãi mãi nếu không duy trì và phát triển để thích ứng với môi trường VUCA cũng như xu hướng và sự không chắc chắn.
Ví như tình trạng thiếu nhân lực gần đây ở các doanh nghiệp gây ra nhiều khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, Công ty Duy Anh Foods (Thành phố Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất bún, bánh tráng... xuất khẩu với nhu cầu khoảng 250 - 300 công nhân, luôn trong cảnh thiếu hụt lao động, hiện chỉ tuyển được 60 - 70% so với nhu cầu.
Theo đại diện đơn vị này, nếu tuyển được đầy đủ số lao động, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng xuất khẩu thêm 30 - 40%, thay vì chỉ xuất khoảng 34 tấn hàng mỗi ngày như hiện nay.
Đồng thời, thời đại VUCA, các xu hướng và sự không chắc chắn cũng đang ngày càng tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong thị trường nhiều biến động này thì cần chú trọng đến nguồn lực bên ngoài, sẵn sàng nguồn lực bên trong.
Đặc biệt là nguồn lực về con người cần được chú ý trong công tác quản lý, phát triển chung.
Đọc thêm: Xu hướng và sự không chắc chắn: Yếu tố tối quan trọng trong mô hình chiến lược.
4. Góc nhìn khác về Nguồn lực và năng lực - Giải pháp để phát triển
Theo Chị Tracy Vũ, cần nhìn Xu hướng theo nhiều góc độ, tương tự như tư duy 6 mũ của Trends Việt Nam:
- Đỏ: Nhìn nhận tầm quan trọng của Năng lực và nguồn lực đối với doanh nghiệp, cũng như các năng lực lõi.
- Trắng: Năng lực không được định dạng chung chung, cần được lượng hoá, đo lường được.
- Vàng: Cần chỉ ra rõ các cơ hội, giá trị tiềm năng của nguồn lực & năng lực này mang lại hiện tại và tương lai.
- Đen: Phải chỉ ra các rủi ro, sự không chắc chắn liên quan nếu nguồn lực cạn kiệt và lộ trình để phát triển năng lực để đối phó với chúng.
- Lam: Cần xác định các hành động cụ thể để phát triển nguồn lực & năng lực.
- Lục: Nhận định về một số giải pháp sáng tạo, đổi mới để đối phó với các rủi ro và tạo cơ hội duy trì, phát triển các nguồn lực và năng lực.
Thế giới được biết đến phương pháp 6 chiếc mũ tư duy thông qua cuốn sách “6 Thinking Hats” được phát hành năm 1985.
Ví như về mũ đỏ, Chị Tracy Vũ gợi ý cho chúng ta phải nhìn nhận rằng:
Nguồn lực và năng lực là cốt tử, cốt lõi trong mọi mô hình kinh doanh, chiến lược, là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển doanh nghiệp.
Đa phần các doanh nghiệp sẽ có chiến lược phát triển riêng vì đặc thù hoạt động, quy mô khác nhau.
Chính vì vậy, việc phân bổ nguồn lực cũng nên dựa trên những chiến lược theo góc nhìn đa chiều như thế này.
Mỗi mục tiêu chiến lược cần có những nguồn lực đáp ứng cụ thể.
Đồng thời, chúng ta phải chú trọng các Năng lực lõi, như:
- Năng lực cá nhân (nhà sáng lập, lãnh đạo, chất lượng nhân sự);
- Năng lực tổ chức (cơ cấu tổ chức, quy trình, hệ thống quản trị, kinh nghiệm kinh doanh, kinh nghiệm trong ngành…);
- Khả năng phát triển năng lực trong dài hạn;
- Năng lực lõi còn liên quan tới đam mê, động lực phát triển, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, tầm nhìn của doanh nghiệp.
Từ đó, doanh nghiệp có thể xem xét nguồn lực hiện có, đánh giá mức độ quan trọng của mục tiêu để quyết định số lượng tài nguyên, nhân lực đảm nhận, sử dụng năng lực cho phù hợp.
Lời kết
Nguồn lực và năng lực là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần có sự đánh giá cụ thể từ những bước đầu tiên.
Đây là bước quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong bất kỳ hoàn cảnh nào.