Theo Oxford Learners’ Dictionary, sự thay đổi và phát triển của xu hướng trong giáo dục là phương pháp dạy và học mang tính ứng dụng cao, song song đó là mang lại giá trị to lớn cho con người.
1. Học trực tuyến - Hòa nhập với cuộc cách mạng 4.0
Xu hướng phổ biến trong danh sách xu hướng giáo dục ngày nay là học trực tuyến.
Do ảnh hưởng của COVID-19, hơn 1,2 tỷ học sinh không được đến trường trên toàn cầu, do tình trạng phong tỏa xảy ra và kéo dài.
Trong khoảng thời gian khó khăn đó, giáo viên và học sinh không thể tham gia các lớp học trực tiếp.
Từ đó, các lớp học truyền thống đã dần chuyển thành lớp học trực tuyến.
Và phương pháp học trực tuyến dường như là cách hiệu quả nhất để duy trì và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo một nghiên cứu của Learning House và Aslanian Market Research, khoảng 67% học viên hiện nay sử dụng các thiết bị di động để tham gia các khóa học trực tuyến.
Với sự phát triển của Internet và công nghệ hiện đại đã hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi giáo dục sang mô hình giáo dục trực tuyến một cách dễ dàng.
Ở nhiều nước phát triển trên Thế Giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,... hình thức giáo dục E-Learning ngày càng phát triển.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh cả nước hướng đến cuộc cách mạng 4.0, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào giáo dục ngày càng được chú trọng và quan tâm.
Những mô hình học tập thông minh thông qua môi trường trực tuyến được phát triển mạnh mẽ bởi chúng ta không cần phải lên lớp mỗi ngày, chờ đợi giảng viên, phải sắp xếp thời gian để di chuyển đến lớp học.
Học trực tuyến không còn gói gọn trong đối tượng sinh viên cao đẳng, đại học mà còn mở rộng ra các cấp bậc từ tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông, tại các trung tâm đào tạo về chuyên môn, lãnh đạo,...
Việc học trở nên đơn giản và hiệu quả khi chúng ta biết vận dụng những thiết bị công nghệ và môi trường Internet ảo để tiếp thu những kiến thức thật.
Khi so sánh việc học trực tuyến và học trực tiếp, môi trường trực tuyến giúp rút ngắn khoảng 40 - 60% thời gian hoàn thành toàn bộ kiến thức và tiết kiệm từ 50 - 70% các chi phí khác.
2. Học từ xa - Học bất cứ đâu tại bất kỳ thời điểm nào
Trong số nhiều xu hướng giáo dục toàn cầu chúng ta không thể bỏ qua chương trình đào tạo từ xa.
Một số người thường bị nhầm lẫn giữa học từ xa tương tự như học trực tuyến.
Oxford Learner’s Dictionaries định nghĩa, học từ xa là một hệ thống giáo dục trong đó người học học ở nhà với sự trợ giúp của các trang Web và gửi bài làm của họ cho giáo viên hoặc gửi qua email.
Với hình thức học từ xa, người học có thể tham gia một khóa học mà không cần tương tác trực tiếp.
Điều này chứng tỏ rằng giáo dục có thể được thực hiện từ xa, thuận lợi cho những ai sinh sống xa trường cao đẳng hoặc đại học mà mình chọn.
Ngoài ra, với những người có công việc toàn thời gian việc tham gia các lớp học truyền thống sẽ trở nên vất vả hơn.
Tính linh hoạt là một trong những lý do mà hình thức học từ xa trở nên được sử dụng rộng rãi.
Nhờ đó, người học có thể tự do học tập trong thời gian của mình.
Ví dụ, một số học viên có thể bận rộn hoặc thiếu tập trung vào ban ngày, vì vậy họ có thể thiết lập một thời gian biểu học tập vào buổi tối.
Quá trình học tập có thể được thực hiện trong phòng khách, phòng ngủ, sân vườn hoặc thậm chí khi đang di chuyển.
3. Học tập kết hợp - Sự hòa hợp giữa trực tiếp và trực tuyến
Kể từ khi công nghệ phát triển, học tập kết hợp không bao giờ nằm ngoài danh sách xu hướng giáo dục phổ biến.
Với phương pháp này, chúng ta có thể sử dụng cả phương pháp đào tạo trực tiếp và E - Learning.
Xu hướng hiện đại này không chỉ nâng cao trải nghiệm học tập của người học mà còn đánh thức động lực học tập của học viên.
Có nhiều thuật ngữ thay thế mà các nhà giáo dục có thể sử dụng như học tập hỗn hợp, học tập tích hợp hoặc lớp học đảo ngược.
Một mô hình học tập kết hợp điển hình bao gồm ba thành phần thiết yếu bao gồm:
- Tài liệu học tập trực tuyến (do người hướng dẫn giao cho người học)
- Các hoạt động trực tiếp trong lớp học (do người hướng dẫn trực tiếp hướng dẫn)
- Thời gian học độc lập (sử dụng tài liệu học tập trực tuyến do người hướng dẫn đó chỉ định)
Học tập kết hợp được thực hiện thông qua các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) như Moodle, Canvas hoặc BlackBoard.
Các nền tảng kỹ thuật số này cho phép người học tiếp thu kiến thức trong môi trường học tập ảo.
Họ cũng có thể tương tác với người hướng dẫn và các học viên khác thông qua hội thảo trên các Website.
Trong khi đó, điều hành viên có thể cập nhật nội dung hoặc tài liệu trực tuyến thường xuyên cho học viên trên các nền tảng trực tuyến.
Song song đó, người hướng dẫn sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động tại lớp nơi mà người học có thể thảo luận, chia sẻ suy nghĩ, đặt câu hỏi và tương tác trực tiếp với người hướng dẫn và học viên cùng lớp.
4. Học tập cảm xúc xã hội (SEL) - Người học càng vui, xã hội càng phồn vinh.
Trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc… đó là tất cả những gì hình thức học SEL hướng đến.
Tuy nhiên, lo lắng học đường, trầm cảm, căng thẳng, bắt nạt, bạo lực,... cùng rất nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần mà học sinh đang phải đương đầu trong cuộc sống hiện đại.
SEL là một quá trình học tập hỗ trợ học sinh ở mọi lứa tuổi, nó giúp áp dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để trong môi trường học tập như:
- Quản lý cảm xúc của bản thân hoặc của người khác.
- Đặt mục tiêu tích cực và cố gắng để đạt được chúng.
- Tạo và duy trì các mối quan hệ tích cực trong xã hội.
- Đưa ra quyết định và có trách nhiệm với quyết định.
Trong Thế Giới hiện đại của chúng ta, vai trò của SEL không chỉ mở rộng cho trẻ em mà còn cho cả người lớn.
SEL cung cấp cơ sở cho sự tương tác xã hội, các mối quan hệ tích cực và những đánh giá sáng suốt, là cơ sở cho việc học tập an toàn, lành mạnh và tích cực.
Ngoài ra, SEL còn giúp cải thiện khả năng thành công của học sinh trong trường học, công việc và cuộc sống.
Các kỹ năng SEL có thể giúp học sinh theo đuổi bậc học cao tốt hơn và đạt được các mục tiêu nghề nghiệp, hoàn thiện bản thân để trở thành công dân tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
5. Giáo dục tại nhà - Phụ huynh chịu trách nhiệm giảng dạy đứa trẻ của mình
Giáo dục tại nhà đã được nhắc đến nhiều hơn trong những năm gần đây và sẽ trở thành một trong những xu hướng phổ biến trong tương lai.
Homeschooling còn được gọi là giáo dục tại nhà, cha mẹ sẽ giáo dục con cái của họ ở nhà thay vì gửi chúng đến các trường công lập hoặc tư thục.
Trong cách giáo dục này, cha mẹ bây giờ cũng trở thành giáo viên, họ có thể tạo ra các chương trình giảng dạy độc đáo cũng như các phương pháp phù hợp cho con cái của họ.
Giáo dục tại nhà không có nghĩa là mọi hoạt động học tập đều diễn ra tại nhà.
Họ có thể ở viện bảo tàng, công viên hoặc thậm chí là một chuyến đi, phụ huynh vẫn sẽ đảm bảo hoàn thành tốt tất cả các vai trò giảng dạy.
Trong những năm gần đây, số lượng học sinh học tại nhà ngày càng tăng, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19.
Trong cuộc khảo sát về hộ gia đình của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ báo cáo rằng số lượng học sinh học tại nhà đã tăng lên 5 triệu từ mùa xuân năm học 2019-2020 đến mùa thu năm học 2020-2021.
Nhiều phụ huynh đã chấp nhận hình thức giáo dục này hơn so với trước đây.
6. Học tập dựa trên dự án (PBL) - Học đi đôi với hành
Khi thảo luận về các xu hướng trong giáo dục, sẽ là một thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến PBL, hay còn được gọi là học tập kinh nghiệm.
Quả thật, con người không thể trưởng thành nếu chỉ học theo những điều trong sách giáo khoa.
Công dân toàn cầu phải trải nghiệm những điều thực tế trong cuộc sống thực và nhờ quá trình đó họ mới có thể rèn giũa kỹ năng tốt hơn để hòa nhập với xã hội.
Nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Jean Piaget đã nói:
“Kiến thức là hệ quả của kinh nghiệm”, vừa học vừa làm là con đường nhanh nhất để chúng ta tiếp thu những thành tựu văn minh của nhân loại”.
Nhìn chung, Project-Based Learning hay Problem-Based Learning (PBL) là phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm.
Phương pháp này mang đến cho người học cơ hội mở rộng kiến thức và phát triển các kỹ năng thông qua việc thực hiện dự án để giải quyết các vấn đề mà họ có thể gặp phải trong thực tế.
Những dự án này thường quá lớn và phức tạp để một người học có thể làm việc một mình.
Vì vậy, PBL có xu hướng khuyến khích tinh thần đồng đội, người học phải làm việc theo cặp hoặc theo nhóm, tiến hành nghiên cứu, phân tích thông tin và rút ra kết luận của riêng mình.
PBL không chỉ là thực hiện các dự án mà chính các dự án là phương tiện truyền đạt những kiến thức và kỹ năng quan trọng mà người học cần học.
Giáo viên sẽ đóng vai trò là người hỗ trợ hướng dẫn và theo dõi học viên trong lớp học.
Và người học trở thành nhà nghiên cứu kỹ thuật số hoặc người đánh giá việc học của chính họ từ các quy trình tạo dự án.
7. Học tập trên thiết bị di động (M-Learning) - Việc học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết
Rõ ràng các thiết bị di động hiện là một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Học tập trên di động, còn được gọi là M-learning, là giáo dục qua Internet thông qua các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay,... mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người.
M-Learning có thể đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta, là một phương pháp lý tưởng để giúp mọi người bắt kịp với Thế Giới luôn thay đổi.
Đó là lý do tại sao học tập trên thiết bị di động luôn có một vị trí tốt trên bảng xếp hạng các xu hướng hàng đầu trong giáo dục.
Hiện nay, hơn 5 tỷ người đang sử dụng thiết bị di động trên Thế Giới, điều này có nghĩa là hơn 66% dân số toàn cầu có thiết bị di động.
Theo thông kế, khoảng 89% người dùng điện thoại thông minh tải xuống ứng dụng và 50% trong số đó được sử dụng cho giáo dục.
8. Microlearning - Chia nhỏ kiến thức trong một chủ đề lớn
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, học vừa sức trở thành một phương pháp học đúng cho danh sách các xu hướng phổ biến trong giáo dục ngày nay.
Microlearning được ví là một giải pháp dạy trực tuyến E-Learning, hình thức này được phát triển và xây dựng theo hướng chia nhỏ nội dung (bite-sized content).
Microlearning là học tập theo từng bước nhỏ và kết hợp song song với E-Learning.
Các hoạt động Microlearning thường được thiết kế phù hợp với các bài học, dự án hay khóa học ngắn hạn nhằm cung cấp vừa đủ kiến thức cho người học tại một thời điểm nhất định.
Nói cách khác, thay vì người học được dạy mọi vấn đề liên quan tới một chủ đề lớn, các khía cạnh của chủ đề sẽ được chia nhỏ thành các mô-đun.
Các mô-đun học tập thường dài ba đến năm phút với các thông tin ngắn trong một chủ đề hoặc nhiệm vụ cụ thể.
Nhờ có Microlearning, việc học tập thụ động với những bài thuyết trình nhàm chán sẽ không còn nữa.
Giờ đây học viên có thể dành một vài phút để học trong tài liệu học tập của mình.
Sự tập trung của học sinh trung bình là từ 10 đến 15 phút và với trẻ nhỏ thời gian này được rút ngắn hơn.
Vì vậy, phương pháp học vừa sức ra đời nhằm cung cấp nội dung rõ ràng và súc tích cho người học, nhờ đó mà người học có thể tập trung 100% trong mỗi buổi học.
Kết luận
Nền giáo dục Thế Giới đã và đang đổi mới để thích ứng với một xã hội luôn thay đổi.
Để duy trì và thích ứng với khủng hoảng, có những điều mới diễn ra trong xu hướng giáo dục trên Thế Giới.
Các phương pháp học mới tạo ra môi trường học tập phù hợp để truyền đạt và tiếp thu kiến thức bổ ích cùng với các kỹ năng khác một cách hiệu quả nhất.