Sau khi bán bớt cổ phần tại FPT Retail, FPT Trading, FPT đã thay đổi chiến lược và tập trung toàn lực cho công nghệ. Theo dữ liệu được trình bày ở Báo cáo thường niên năm 2019, ở khối công nghệ, FPT sở hữu 100% vốn ở FPT Software và FPT IS.

Ở khối viễn thông, FPT sở hữu FPT Telecom và FPT Online. Đối với mảng giáo dục và đầu tư, FPT nắm giữ toàn bộ vốn ở FPT Education và FPT Investment. Với các mảng phân phối, bán lẻ, FPT tuy vẫn nắm giữ cổ phần nhưng chỉ liên kết, không còn vai trò chi phối.

Những động thái này đã cho thấy quyết tâm dồn lực cho công nghệ của FPT. Ở lần ra quân này, FPT không tập trung vào công nghệ phần cứng mà thay vào đó là hướng sự chú ý vào giải pháp phần mềm, tư vấn giải pháp. Trong đó, chuyển đổi số được FPT ưu tiên và kỳ vọng hơn cả.

null Chuyển đổi số được FPT ưu tiên và kỳ vọng hơn cả.


Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, cho biết:

“Chuyển đổi số tiếp tục là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược và là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp trong thập niên tới”.

Xu hướng chuyển đổi số tiếp tục được tái khẳng định giữa những gián đoạn đang diễn ra do COVID-19. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, CEO của FPT, đại dịch đã tạo ra cú hích chưa từng có về nhu cầu chuyển đổi số của mọi tổ chức, doanh nghiệp.

FPT đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, chuyển dịch mạnh mẽ và nâng tầm vị thế trên toàn cầu. Doanh thu FPT duy trì tăng trưởng 2 con số, trong khi các công ty công nghệ tên tuổi của thế giới tăng trưởng âm.

Chỉ trong 1 năm, FPT đã liên tiếp trở thành đối tác ưu tiên chiến lược, tư vấn, triển khai những hợp đồng chuyển đổi số toàn diện có giá trị kỷ lục trên 100 triệu USD cho các tập đoàn lớn tại Mỹ, Nhật, Malaysia. Một con số mà trong điều kiện bình thường có lẽ phải 3 năm nữa mới đạt được.

null Chỉ trong 1 năm, FPT đã liên tiếp trở thành đối tác ưu tiên chiến lược cho nhiều tập đoàn lớn.


Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi số, FPT đã và đang thu được những kết quả tích cực.

Năm 2020, doanh thu chuyển đổi số của FPT tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 31%, đặc biệt đến từ các công nghệ như điện toán đám mây, IoT, Low Code. Đến năm 2021, FPT hướng tới mục tiêu 1 tỉ USD doanh thu từ khối công nghệ, với động lực tăng trưởng chính từ chuyển đổi số.

FPT đang dần khẳng định các giá trị khác biệt mang lại cho khách hàng. Đó là việc kết nối, chia sẻ những bài học chuyển đổi số thành công của thế giới với mạng lưới khách hàng rộng khắp, đa dạng nhiều lĩnh vực trên toàn cầu.

Ngoài ra, FPT đã tư vấn, triển khai các giải pháp số hóa, tự động hóa và nâng cao trải nghiệm khách hàng cho doanh nghiệp/ tổ chức.

Định vị toàn cầu của FPT được nâng cao khi trở thành đối tác chiến lược của các tập đoàn toàn cầu như Airbus, Toyota, Ford và cung cấp dịch vụ cho hơn 100 khách hàng thuộc Fortune Global 500.

Về tổng thể bức tranh kinh doanh của FPT, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2020, FPT vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực. Công ty đã thu về hơn 29.830 tỉ đồng doanh thu và hơn 4.422 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng lần lượt 7,6% và 13,1% so với năm 2019.

Trong đó, mảng công nghệ và viễn thông tiếp tục có sự đóng góp chính với 43% và 39% trong cơ cấu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của FPT. Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research, công nghệ vẫn là động lực tăng trưởng chính của FPT trong năm 2021.

null Cổ phiếu FPT cũng được đánh giá tích cực. 


Dẫn đầu về số hóa cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng, cổ phiếu FPT cũng được đánh giá tích cực. 

Thực tế, từ khi chào sàn năm 2006, cổ phiếu FPT đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư. Dữ liệu thống kê trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm giá cổ phiếu FPT tăng hơn 26,7%/năm.

Trong đó, 2018 là năm duy nhất giá cổ phiếu giảm hơn 11%. Bước sang năm 2021, cổ phiếu FPT vẫn được giới phân tích đánh giá tích cực khi tâm lý thị trường yếu gần đây do sự bùng phát dịch COVID-19 ở miền Bắc khiến giá cổ phiếu FPT giảm xuống mức hấp dẫn hơn.

Theo SSI Research, FPT đang giao dịch với hệ số P/E 2021 là 12,5x so với các công ty công nghệ thông tin nước ngoài là 21x. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nói chung và EPS của FPT ước tính khoảng 22% trong năm 2021 so với mức 15,5% của các công ty công nghệ thông tin trong khu vực.

Theo đó, SSI Research đưa ra khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 86.200 đồng/cổ phiếu trong thời gian 1 năm.

Dẫu vậy, khi so sánh giá cổ phiếu FPT với chính nó trong quá khứ thì cổ phiếu dường như đang mắc hơn. Cụ thể, P/E hiện tại của cổ phiếu quanh mốc 16x trong khi mức P/E bình quân của cổ phiếu trong 5 năm chỉ ở mức 11,6x.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư