Participation là gì?
Participation là từ tiếng Anh có nghĩa là sự tham gia.
Sự tham gia của khách hàng là cách mà mọi người tương tác gây nên những ảnh hưởng đến thương hiệu.
Đó có thể là bài viết đánh giá hoặc thảo luận của khách hàng về một thương hiệu.
Nhiều thương hiệu và nhà tiếp thị đã nhận ra rằng để theo kịp đối thủ, họ cần phải phát triển phương pháp tiếp cận và tạo ra sự tương tác hai chiều năng động trên tất cả các giai đoạn của hành trình tiêu dùng và vòng đời sản phẩm.
Trong chuỗi báo cáo này, sự tham gia được nhìn nhận như một hành trình là giải phóng sức mạnh của người tiêu dùng với tư cách là người ủng hộ thương hiệu.
Từ đó biến họ trở thành “phương tiện truyền thông” của thương hiệu.
Sự dịch chuyển của Participation trong Báo cáo xu hướng Marketing toàn cầu 3 năm gần đây của Deloitte
Participation trong Báo cáo xu hướng Marketing toàn cầu 3 năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt là:
- 2020: Các mô hình tham gia tương tác với thương hiệu của khách hàng
- 2021: Những nhân tố ảnh hưởng tới sự tham gia của khách hàng
- 2022: Thương hiệu đang làm gì để tương tác với khách hàng trong thế giới không còn Cookie?
1. Xu hướng Marketing toàn cầu 2020: Các mô hình tham gia tương tác với thương hiệu của khách hàng
Báo cáo năm 2020 thảo luận về các chiến thuật mà thương hiệu có thể triển khai ở mỗi giai đoạn của hành trình khách hàng và vòng đời sản phẩm.
Đồng thời Deloitte cung cấp thông tin chi tiết về các phương pháp mà nhãn hàng đang áp dụng để tăng cường sự tham gia của khách hàng.
Các mô hình tương tác đó là:
Customer Insights, Customer Engagement, Co-creation và Customer as brand.
Dựa vào Customer Insights hình thành ý tưởng kinh doanh
Insight là tất cả những gì về việc doanh nghiệp hiểu khách hàng tới đâu và sử dụng sự thấu hiểu đó để đạt được hiệu quả cao nhất trong các hoạt động kinh doanh, tiếp thị.
Các thương hiệu có thể tận dụng dữ liệu từ lượt thích trên mạng, các lần nhấp vào trang Web và khách hàng tương tác với các sản phẩm và dịch vụ để có chiến lược thay đổi sản phẩm và dịch vụ trong tương lai.
Mô hình này có chi phí đầu tư thấp và đơn giản, chỉ cần có các nền tảng thu thập dữ liệu.
Vì vậy các công ty có thể thu thập dữ liệu đầu vào và tích hợp quan điểm của khách hàng vào phát triển sản phẩm.
Có thể lấy ví dụ về nhà máy bia Open Gate của Guinness ở Dublin.
Nhà máy bia bí mật của Bỉ trước đây giới hạn cho công chúng và thậm chí cả nhân viên đã thay đổi chiến lược bằng cách mời mọi người vào bên trong để nếm thử bia mới.
Mark Sandys, Giám đốc đổi mới nói rằng đó giống như thử nghiệm Beta.
Nếu có những loại bia thực sự phổ biến trong nhà máy bia Open Gate, chúng sẽ được đưa ra một vài quán rượu ở Dublin.
Và nếu chúng hoạt động thực sự ổn ở đó, tất nhiên sẽ có những ý tưởng mà người điều hành có thể triển khai tiếp theo.
Trong nhiều trường hợp, thu hoạch thông tin chi tiết khách hàng là giai đoạn đầu tiên trên hành trình hướng tới sự tham gia của khách hàng.
Customer Engagement tăng thêm độ nổi tiếng cho doanh nghiệp
Mức độ tham gia tiếp theo tập trung vào sự ủng hộ và phổ biến của khách hàng.
Trong đó khách hàng đại diện cho các thương hiệu trên thị trường với tư cách là người có ảnh hưởng, trực tiếp cung cấp nội dung do họ tạo ra.
Trong mô hình này, khách hàng tham gia thay mặt thương hiệu để thông báo và hỗ trợ người dùng khác ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời sản phẩm.
Lấy ví dụ về nhà bán lẻ đồ nội thất IKEA từ lâu đã thử nghiệm những cách thức mới lạ để thu hút khách hàng của mình.
IKEA Place là ứng dụng cho phép khách hàng thử nghiệm các thiết kế nội thất của hãng trong không gian ngôi nhà của mình.
Nhãn hàng đã cải tiến lại ứng dụng di động và cổng mua sắm IKEA Place.
Chức năng thực tế tăng cường được thêm vào cho phép khách hàng thử nghiệm các thiết kế và chia sẻ cách họ có thể biến đổi một không gian, có thể là nhà, trường học hoặc Studio.
Từ ghế sofa, ghế bành cho đến bàn cà phê, tất cả các sản phẩm trong IKEA Place đều là 3D và đúng với thực tế.
Ứng dụng còn cho phép khách hàng chia sẻ hình ảnh, video về những gì họ đã mua với những người mua sắm khác và báo với IKEA những sản phẩm họ sẽ mua trong tương lai.
Co-creation định hình mô hình kinh doanh của doanh nghiệp
Trong quá trình đồng sáng tạo, thương hiệu xây dựng sự tham gia của khách hàng trực tiếp vào vòng đời phát triển sản phẩm.
Các công ty đang tận dụng phương pháp tiếp cận cộng đồng để tích hợp những ý kiến của khách hàng vào trong giai đoạn thiết kế và phát triển sản phẩm.
Ban đầu, điều này chỉ giới hạn ở giai đoạn sản xuất nhưng các thương hiệu đang ngày càng chuyển sang tham gia chuỗi giá trị.
Chẳng hạn như chương trình LEGO “My own creation” cho phép khách hàng xây dựng và tạo các khối xếp hình riêng của họ.
Trong các trường hợp khác, việc đồng sáng tạo thúc đẩy các thương hiệu định hình toàn bộ mô hình kinh doanh xung quanh sự tham gia của khách hàng.
Trò chơi điện tử Minecraft được xây dựng xung quanh việc người dùng tương tác với nhau, tạo ra toàn bộ thế giới để người chơi tham gia và chơi.
Các ứng dụng giao thông vận tải Waze và Moovit được xây dựng dựa trên các bản đồ đông đúc và thu hút thông qua sự tương tác của người dùng trong thời gian ngắn.
Customer as brand - biến khách hàng thành một phần của thương hiệu
Ở mức cao nhất trong mô hình tham gia của khách hàng, các thương hiệu đang khơi gợi sự tham gia toàn diện từ khách hàng, khiến họ đóng vai trò là một phần của thương hiệu.
Airbnb là một ví dụ về cách các công ty đang xây dựng các nền tảng xung quanh khách hàng.
Người dùng hoạt động song song trong vai trò của cả thương hiệu và người tiêu dùng.
Trong mô hình này, khách hàng cũng đội những chiếc mũ khác, đóng vai trò là nhà giáo dục, giảng viên và nhà cung cấp dịch vụ khách hàng cho cộng đồng người mua hàng.
2. Xu hướng Marketing toàn cầu 2021: Những nhân tố ảnh hưởng tới sự tham gia của khách hàng
Báo cáo Xu hướng tiếp thị toàn cầu năm 2020 đã thảo luận về việc sự tham gia của khách hàng đang thay đổi cách các thương hiệu xây dựng chiến lược tương tác của họ như thế nào.
Đáng chú ý, mức độ tương tác của khách hàng vào một thương hiệu có thể khác nhau trên một phạm vi rộng.
Sự tham gia có thể thể hiện ở các hoạt động ít tốn kém, chẳng hạn như viết đánh giá trực tuyến và đăng về thương hiệu trên phương tiện truyền thông xã hội.
Cho đến các hình thức sâu hơn như hợp tác với thương hiệu để phát triển sản phẩm mới hoặc sản xuất nội dung gốc (ví dụ: tải video lên và viết blog).
Và khi công nghệ kỹ thuật số đưa mọi người và thương hiệu đến gần nhau hơn, các hình thức tham gia sâu hơn, nỗ lực cao hơn đang ngày càng phổ biến.
Deloitte đã thăm dò ý kiến của 7.506 người tiêu dùng trên bốn quốc gia Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Brazil và Trung Quốc.
Khảo sát này để hiểu rõ hơn ai đang tham gia vào các thương hiệu, tại sao họ làm điều đó và nơi họ tham gia nhiều nhất.
Các nhà tiếp thị có thể dựa vào đó trong khi xây dựng chiến lược tương tác với khách hàng của họ.
Các nhân tố ảnh hưởng tới sự tham gia tương tác của khách hàng với doanh nghiệp đó là độ tuổi và mục đích.
Tuổi tác có mối tương quan lớn với động lực tương tác với doanh nghiệp
Thế hệ trẻ tương tác thường xuyên nhất với các thương hiệu.
Hình dưới cho thấy trong khi Thế hệ Z tham gia vào các thương hiệu với tỷ lệ 73%, tỷ lệ này dần dần giảm xuống còn 42% đối với những người trên 45 tuổi.
Khoảng cách đặc biệt gia tăng đối với các hình thức tham gia tốn nhiều công sức hơn, với chỉ 7% những người trên 45 tuổi làm sáng tạo nội dung gốc.
Ở nhóm tuổi từ 45 tuổi trở xuống, con số này là 20%
Hình trên cho thấy các hoạt động tương tác của khách hàng với doanh nghiệp.
Từ trên xuống dưới lần lượt là chat với nhãn hàng, viết đánh giá online, đưa ra lời khuyên cho người dùng khác, góp ý về sản phẩm/dịch vụ và đăng tải nội dung về thương hiệu.
Thế hệ Z lớn lên trong môi trường kỹ thuật số trong khi đó thế hệ lớn tuổi hơn cần nhiều thời gian học cách sử dụng công nghệ và tham gia những diễn đàn trên mạng.
Do đó, đối với Thế hệ Z sự tham gia có thể chỉ đơn giản là một phần trong tư duy của họ và là một hành vi tự nhiên.
Trái ngược lại, những người lớn tuổi cần thêm động lực đam mê để tương tác sâu hơn với các thương hiệu trên nền tảng kỹ thuật số.
Động lực trở thành một phần của thương hiệu là mong muốn giúp đỡ nhiều người khác
Trả lời cho câu hỏi tại sao mọi người nhiệt tình đóng góp cho doanh nghiệp, một xu hướng nổi lên:
Mọi người nhiệt tình như vậy với động lực là để giúp đỡ người khác.
Điều này đã vượt qua các động lực khác như “muốn chia sẻ điều gì đó thú vị”, “muốn tìm hiểu thêm kiến thức chuyên môn về sản phẩm/dịch vụ” hoặc “thương hiệu tung ra sản phẩm mới”.
“Muốn được công nhận về chuyên môn của mình” xếp cuối cùng trong khảo sát này.
Thật thú vị, có một ngoại lệ đáng chú ý ở Trung Quốc.
“Được công nhận là chuyên gia” trở thành động lực cao thứ hai trong khi đó động lực từ việc giúp những người khác bị tụt xuống vị trí thứ tư.
Điều này phần nào phản ánh quan điểm văn hóa tiêu dùng khác nhau ở mỗi nước.
Tương tác là con đường hai chiều và giờ đây các nhà tiếp thị có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để mời khách hàng tham gia và mang lại sức sống cho sản phẩm/dịch vụ của họ.
3. Xu hướng Marketing toàn cầu 2022: Thương hiệu đang làm gì để tương tác với khách hàng trong thế giới không còn Cookie?
Trong thập kỷ qua, các nhà tiếp thị đã tận dụng tốt các nền tảng kỹ thuật số để tăng cường mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng.
Sự gia tăng của các kênh xã hội đã thay đổi cách các nhà tiếp thị tương tác B2B và B2C.
Song song với đó, những tiến bộ về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) đã cho phép các Marketer nhắm mục tiêu và nhắn tin tốt hơn cho khách hàng.
Những tiến bộ này nhờ vào Cookie của bên thứ ba (dữ liệu được thu thập và sử dụng từ các trang Web của bên thứ ba).
Giờ đây quyền riêng tư về dữ liệu đang được chú trọng nhiều hơn.
Người tiêu dùng có thể đánh giá cao các quảng cáo đề xuất nhưng họ cũng lo ngại về cách thông tin cá nhân, sở thích mua hàng và thói quen duyệt Web của họ đang được sử dụng.
Vì thế mà nhiều quy định đã được thắt chặt, các trình duyệt Web cũng như các công ty công nghệ đang vô hiệu hóa Cookie của bên thứ ba.
Việc loại bỏ Cookie của bên thứ ba có thể cản trở khả năng của nhà tiếp thị trong việc tương tác hiệu quả với khách hàng theo nhiều cách.
Bao gồm cả việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng chất lượng, thu hút lại những khách hàng đã xem sản phẩm nhưng lại rời đi và đo lường hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo trực tuyến.
Nếu như hai báo cáo trước chủ yếu bàn về sự tham gia của khách hàng với doanh nghiệp thì báo cáo năm 2022 này lại đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động tăng cường kết nối với khách hàng.
Xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với các đối tác trong hệ sinh thái
Để phát triển dữ liệu của bên thứ nhất, các nhà tiếp thị cần phải nhìn ra xa hơn nữa.
Những gã khổng lồ công nghệ và các nhà xuất bản truyền thông có một lượng lớn dữ liệu của bên thứ nhất.
Vì vậy, để tăng cường phát triển dữ liệu trong nội bộ, các nhà tiếp thị nên tìm cách tăng cường mối quan hệ với các đối tác như vậy.
Nhờ đó bạn có được quyền truy cập vào dữ liệu của họ và các thông tin chi tiết tương ứng.
Suy nghĩ lại các phân tích chiến lược
Không có Cookie của bên thứ ba, tìm kiếm khách hàng tiềm năng và nhắm mục tiêu lại rất có thể sẽ trở nên ít cá nhân hóa hơn.
Tuy nhiên, để thiết lập, duy trì và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ với khách hàng, các công ty nên hình dung lại cách họ sử dụng phân tích và nhắm mục tiêu.
Ví dụ các công ty công nghệ đã đề xuất chuyển trọng tâm từ các cá nhân sang nhóm người có cùng sở thích, chẳng hạn như người hâm mộ bóng đá hoặc làm đẹp.
Nhờ vậy mà các nhà tiếp thị thành công nhắm mục tiêu quảng cáo đến các nhóm mà không yêu cầu chi tiết về cá nhân người dùng.
Tạo cơ sở hạ tầng dữ liệu mới
Để phù hợp với việc thu thập dữ liệu của bên thứ nhất, bạn bắt buộc phải thiết lập đủ cơ sở hạ tầng.
Chẳng hạn như nền tảng dữ liệu người tiêu dùng toàn diện (CDP), có thể giúp kết nối các nguồn dữ liệu khác nhau trong suốt hành trình trải nghiệm của khách hàng.
Việc chuyển sang dữ liệu của bên thứ nhất có thể khiến các công ty hiểu rõ hơn về hành trình khách hàng của họ.
Vì vậy, hãy tiếp tục thử nghiệm, đo lường và cải tiến.
Các doanh nghiệp Việt ứng dụng Participation như thế nào?
Tago tạo cộng đồng chăm sóc sức khỏe tinh thần lớn mạnh
Tago là nền tảng đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực chăm sóc Sức khỏe tinh thần.
Trên Tago, những người có vấn đề về tinh thần như mất ngủ, stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, v.v. hoặc các vấn đề tâm lý như đau khổ, buồn bã, v.v. có thể được kết nối nhanh chóng với các chuyên gia hỗ trợ.
Các chuyên gia có thể là những bác sĩ uy tín do ứng dụng đề xuất hoặc người dùng có trình độ và chứng minh năng lực của bản thân.
Ở góc độ phân tích quyền sở hữu, mô hình của TAGO thuộc nhóm mô hình kinh doanh được trao quyền sở hữu vai trò trung gian.
Hoạt động kinh doanh chính của TAGO là tạo cầu nối để hai đối tượng - bác sĩ và người bệnh - tiến hành mua bán dịch vụ/sản phẩm - dịch vụ khám chữa trực tuyến.
Xem thêm: Phân tích đa phương diện mô hình kinh doanh của TAGO
Vậy sự tham gia của người dùng thể hiện ở việc họ phải tương tác với nhau giống như mô hình Co-creation trong báo cáo năm 2020.
Ngoài ra, người dùng là chuyên gia muốn được nhiều người biết đến hơn thì họ phải tự quảng bá cho hình ảnh bản thân và tải ứng dụng Tago về để sử dụng các dịch vụ.
Khi đó mô hình tham gia này là Customer as brand.
Nền tảng kết nối giới khởi nghiệp BambuUp thỏa mãn bất kỳ nhu cầu đổi mới sáng tạo nào của các doanh nghiệp
BambuUP là nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo đem lại thông tin giá trị và thúc đẩy các kết nối có ý nghĩa giữa các bên phát triển, nuôi dưỡng một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện cùng phát triển.
Tại đây các giải pháp đổi mới sáng tạo của các Startup trong nhiều lĩnh vực ngành nghề sẽ có cơ hội tiếp cận với các khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng.
Các đối tượng tham gia vào nền tảng này là doanh nghiệp, nhà đầu tư, các Startup.
Các doanh nghiệp có thể tiếp nhận những ý tưởng sáng tạo, giải pháp mới, tài năng phù hợp từ các Startup để giúp họ củng cố việc kinh doanh cốt lõi, xác định và kích hoạt các giải pháp tăng trưởng bền vững.
Tương tự đối với các Nhà đầu tư, đây là nguồn thông tin đáng tin cậy, liên tục và cập nhật cho các khoản đầu tư tiềm năng tiếp theo.
Ở trường hợp này, sự tham gia của khách hàng thể hiện ở việc họ sẽ tương tác với nền tảng để tìm kiếm giải pháp phù hợp.
Dễ thấy nhất hoạt động tương tác của khách hàng ở cấp thấp nhất đó là trò chuyện với doanh nghiệp.
Đọc thêm: BambuUp Innovation Marketplace: "siêu thị" sáng tạo kết nối giới khởi nghiệp không thể bỏ qua
Khuếch đại sự tham gia của khách hàng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Dưới đây là những khuyến nghị khi xây dựng chiến lược mở rộng quy mô tham gia của khách hàng kết nối sâu hơn với doanh nghiệp.
Xây dựng kế hoạch tham gia toàn diện
Quan trọng nhất là cần xác định giai đoạn có thể tích hợp sự tham gia vào chiến lược tương tác của bạn.
Điều này có nghĩa là khớp hành trình của khách hàng với nền tảng tham gia tối ưu.
Ví dụ như giai đoạn xây dựng nhận thức đòi hỏi các thương hiệu phải quảng bá các diễn đàn cộng đồng hoặc các blog có liên quan.
Hoặc, ở điểm cuối của hành trình khách hàng, các Marketer có thể muốn khuyến khích mọi người phát triển các video hướng dẫn của riêng họ để thúc đẩy chuyển đổi và tái mua hàng.
Tạo mối quan hệ khách hàng sâu sắc hơn
Các phương pháp tiếp cận truyền thống như hệ thống quản lý quan hệ khách hàng và các chương trình khách hàng thân thiết thường là một chiều.
Sự tham gia cho phép các tương tác với thương hiệu và thậm chí cả những đổi mới trở thành một cuộc trò chuyện hai chiều.
Điều này tạo nên sự khăng khít bền chặt trong mối quan hệ với khách hàng.
Kết luận
Việc xác định cách thức và lĩnh vực nào để tích hợp sự tham gia của khách hàng vào hành trình tiêu dùng và vòng đời sản phẩm có thể là điều quá sức đối với đội ngũ Marketing cũng như công ty nói chung.
Không có câu trả lời đúng vì mỗi mô hình này đều có thể ứng dụng nhưng phải được điều chỉnh cho phù hợp với chiến lược và mục tiêu kinh doanh của công ty bạn.
Suy ngẫm về thương hiệu và chiến lược tiếp thị có thể giúp bạn đi đúng hướng để thu được lợi ích từ sự tham gia của khách hàng.