Quá trình phát triển kinh tế thế giới đã tạo ra hàng loạt khái niệm nền kinh tế khác nhau.
Tìm hiểu thêm khái niệm về các nền kinh tế qua bài viết: “Sắc màu” kinh tế: Khám phá 6 khái niệm kinh tế quan trọng trong lịch sử kinh tế thế giới
Mỗi nền kinh tế có một bản chất và đặc điểm riêng biệt nhưng vô hình chung, tất cả đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, dù là tương hỗ hay tương phản.
Bài viết này tập trung vào phân tích hai mối quan hệ then chốt - bổ trợ và đối lập - giữa các khái niệm nền kinh tế - Kinh tế nâu, Kinh tế xanh, Tăng trưởng xanh, Tăng trưởng tuần hoàn, Tăng trưởng tuyến tính, và vai trò của chúng trong sự thống nhất với phát triển bền vững.
Quan hệ tương hỗ giữa các khái niệm về nền kinh tế
Sự phát triển song hành hay chuyển tiếp giữa các nền kinh tế ít nhiều đều có sự tương hỗ, bổ trợ lẫn nhau.
Nền kinh tế đi trước tạo tiền đề thúc đẩy nền kinh tế đi sau phát triển mạnh mẽ hơn.
Còn nền kinh tế đi sau kế thừa và phát huy những điểm mạnh của nền kinh tế đi trước.
Sự phối hợp ăn ý, đồng đều giữa “cái trước” và “cái sau” hay sự bổ trợ, đóng góp của những “cái trước” cho “cái sau” cuối cùng sẽ tạo ra sự phát triển bền vững.
Tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn đối với Kinh tế xanh
Tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn tương hỗ với nhau, cùng đóng góp vào việc xây dựng Kinh tế xanh.
Tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy Kinh tế xanh dựa trên 2 động lực khách quan hoàn toàn khác nhau.
Từ góc nhìn hướng đến bối cảnh thế giới thay đổi và sự xuất hiện ngày càng dày đặc của biến đổi khí hậu, Tăng trưởng xanh là giải pháp đảm bảo thế cân bằng kể trên trong khuôn khổ “xanh bền vững”.
Trong khi theo góc nhìn bối cảnh tài nguyên cạn kiệt và rác thải gia tăng khiến môi trường suy thoái, Kinh tế tuần hoàn lại trở thành “cứu cánh đắc lực” khi xuất hiện trong bản chất là một nền kinh tế khôi phục và tái tạo.
Dù xuất phát từ yêu cầu về một giải pháp cho thời cuộc khác nhau, song mục đích chung của cả hai đều hướng tới thúc đẩy sự cân bằng về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đây cũng chính là bản chất cốt lõi của Kinh tế xanh (Theo định nghĩa của UNEP, 2011).
Sự gắn chặt trong mối quan hệ phụ trợ của hai khái niệm nêu trên đã trở thành “bàn đạp” để xúc tiến quá trình “xanh hóa nền kinh tế”.
Kinh tế xanh và Phát triển bền vững
Kinh tế xanh chính là nền tảng để hướng tới Phát triển bền vững.
Nền kinh tế xanh cung cấp một cách tiếp cận kinh tế vĩ mô để tăng trưởng kinh tế bền vững với trọng tâm là đầu tư, việc làm và kỹ năng.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận của Kinh tế xanh là quan tâm tới kinh tế và môi trường ở góc độ hệ sinh thái trước, rồi lấy đó làm nền tảng thúc đẩy sự thịnh vượng của con người.
Những nội dung trên chính là những điều kiện cần và đủ để đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Sự phát triển bền vững cũng từ cơ sở đó mà được hình thành và duy trì.
Mối quan hệ giữa Tăng trưởng xanh, Kinh tế xanh, Kinh tế tuần hoàn và sự thống nhất với Phát triển bền vững
Tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn là những đóng góp cần phải có để xây dựng Kinh tế xanh, còn Kinh tế xanh là nền tảng không thể thiếu để hướng tới Phát triển bền vững.
Tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn như là những “viên gạch” tương hỗ và bổ sung cho nhau, làm nên “nền móng” là Kinh tế xanh.
Trong đó, “viên gạch” Tăng trưởng xanh đặc trưng bởi tính chất “bền”, còn “viên gạch” Kinh tế tuần hoàn mang tính chất “tái chế, tái sinh”.
“Móng nhà” Kinh tế xanh được dựng lên từ hai loại “gạch” này không chỉ chắc chắn theo thời gian mà còn có thể được sử dụng linh hoạt theo nhu cầu của từng thời đại.
Từ nền đó, “ngôi nhà” Phát triển bền vững được xây dựng lên.
Nếu như không có nền móng vững chắc, “ngôi nhà” Phát triển bền vững không thể được hình thành bởi “lớp nền” Kinh tế xanh vốn được hỗ trợ để đẩy nhanh và củng cố những thay đổi bền vững trong cả mô hình.
Quan hệ tương phản giữa các khái niệm kinh tế
Dù là chuyển tiếp hay song song tồn tại, giữa các nền kinh tế vẫn xảy ra mâu thuẫn, đối lập nhau.
Sự tương phản này có thể là dấu hiệu cho thấy “cái trước” đã lỗi thời, không còn phù hợp và hiệu quả với thời đại nối tiếp, cũng là căn cứ để đưa ra những chiến lược hoạch định kinh tế đúng đắn.
Kinh tế nâu và Kinh tế xanh
Kinh tế xanh được coi là “nước cờ” tất yếu của Kinh tế nâu.
Nguyên nhân cho bước chuyển giao này có thể được giải thích dựa trên những tác động tương phản mà hai nền kinh tế này đem lại, bao gồm tác động đối với nền kinh tế, với môi trường, và với nhân loại.
Đầu tiên, xét ở khía cạnh kinh tế, Kinh tế nâu tạo ra sự tăng trưởng quá độ, trong khi đó Kinh tế xanh tạo ra sự tăng trưởng bền vững.
Kinh tế nâu phát triển theo quan điểm “tận dụng tối đa” tài nguyên để chú trọng phát triển kinh tế, còn Kinh tế xanh chú trọng sự tiết chế trong quá trình sử dụng tài nguyên.
Tiếp đó, xét ở khía cạnh môi trường, Kinh tế nâu “tàn phá” môi trường, còn Kinh tế xanh “cứu rỗi” môi trường.
Kinh tế nâu để lại hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là sự cạn kiệt tài nguyên không thể phục hồi, sự ô nhiễm nặng nề, và sự phá hủy hệ sinh thái trong dài hạn.
Ngược lại, Kinh tế xanh cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường cũng như quan tâm đến tái tạo và phục hồi.
Từ đó, không chỉ kinh tế tăng trưởng bền vững mà môi trường cũng giảm thiểu ô nhiễm, hệ sinh thái được nuôi dưỡng, và tài nguyên được tái tạo.
Cuối cùng, xét ở khía cạnh nhân sinh, Kinh tế nâu “chia rẽ” cộng đồng, còn Kinh tế xanh “gắn kết” cộng đồng.
Kinh tế nâu sản sinh sự bất công, gia tăng chênh lệch giàu nghèo trong xã hội và hình thành tâm lý bất mãn, ngờ vực trong cộng đồng.
Đó là bởi giai cấp trên chỉ quan tâm sản xuất và tiêu dùng để tạo ra giá trị nhưng không quản lý phân phối tiêu dùng dẫn đến sự tị nạnh, chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh.
Trái ngược với đó, Kinh tế xanh gây dựng niềm tin trong xã hội bằng cách đảm bảo sự công bằng và tiêu dùng bền vững.
Kinh tế tuyến tính và Kinh tế tuần hoàn
Tương tự như phép so sánh giữa Kinh tế nâu và Kinh tế xanh, Kinh tế tuyến tính cũng gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, môi trường, và con người trong khi những tác động tích cực đến từ Kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, sự khác biệt được đặc trưng ở khía cạnh kinh tế.
Cụ thể, Kinh tế tuyến tính được thiết kế như một “mô hình một chiều”, còn Kinh tế tuần hoàn là “mô hình đầu cuối tương ứng”.
Có nghĩa là, ở mô hình tuyến tính, điểm đầu và điểm cuối tách biệt riêng rẽ, không liên quan nhau.
Ngược lại, ở mô hình tuần hoàn, điểm đầu cũng là điểm cuối và điểm cuối cùng được coi là điểm đầu.
Với thiết kế kể trên, Kinh tế tuần hoàn tạo giá trị “dùng một lần”, “một đi không trở lại” và không có dấu hiệu thu hồi, do đó đặc biệt gây lãng phí tài nguyên.
Trái lại, Kinh tế tuần hoàn tạo giá trị bền vững, có thể tái tạo, tái sinh nên tránh gây lãng phí tài nguyên.
Có thể thấy, các khái niệm về nền kinh tế thực sự có nhiều điểm giống và khác nhau.
Nhưng dù vậy, chúng đều có liên hệ mật thiết với nhau để tạo ra một hệ thống kinh tế hoàn chỉnh.