Trong báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ngành phân phối ICT đang đứng trước những thời cơ mới từ chuyển đổi số mang lại. Với nhu cầu người tiêu dùng Việt ngày càng chuyển sang các dịch vụ kỹ thuật số.
Năm ngoái, báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google chỉ ra, 41% người dùng mới đã chọn sử dụng kỹ thuật số. Kể cả sau đại dịch, 94% số người này cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số.
Theo Google, người Việt đã dành thời gian đáng kể để truy cập internet. Nếu trước dịch, con số này là 3,1 giờ/ngày thì lúc cao điểm giãn cách, mức độ truy cập đã tăng lên 4,2 giờ/ngày.
BVSC tin rằng trong năm 2021, người dân sẽ dành thời gian cho internet nhiều hơn do giãn cách kéo dài và diễn ra nhiều tỉnh ở Việt Nam.
BVSC phân tich, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi và tác động tích cực đến nhu cầu sản phẩm công nghệ thông tin (ICT) như laptop, máy tính bảng, smartphone, thiết bị gia dụng và cả hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Xu hướng làm việc tại nhà và học sinh, sinh viên dự kiến phải học trực tuyến cho đến cuối học kỳ đầu tiên là căn cứ cho dự báo triển vọng cho mảng ICT.
Chính phủ cũng đồng ý đề nghị của Bộ Tài chính về gói tín dụng 3.500 tỉ đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính…
Đại dịch cũng đã đẩy nhanh nhu cầu và làn sóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ tại nhiều tổ chức và doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Chính những điều này tạo thuận lợi cho kinh doanh phân phối sản phẩm ICT như Thế Giới Số (Digiworld), Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco), FPT Retail (FRT), Thế Giới Di Động (MWG)...
Giám đốc Khối Viễn thông di động FPT Shop, ông Nguyễn Thế Kha cho biết:
“Máy tính dần trở thành sản phẩm thiết yếu được chú trọng như thời kỳ bùng nổ smartphone 5 năm trước, khi mọi thứ từ học tập, làm việc, cho đến mua sắm, giải trí giờ đã được online hóa”.
Thời điểm cuối tháng 8 vừa qua sức bán sản phẩm ICT đã tăng lên mạnh mẽ.
Theo đại diện FPT Retail (chuỗi FPT Shop), doanh số laptop và máy tính bảng tại FPT Shop đều tăng 50% so với tháng trước và đóng góp khoảng 25% tổng doanh thu Tập đoàn.
Ông Đoàn Hồng Việt, CEO Digiworld cho biết, xu hướng học tập và làm việc online đã khiến nhu cầu laptop, máy tính bàn tăng hơn 50%.
Khi Samsung vẫn giữ vị trí thống lĩnh với 37% thị phần, Xiaomi vượt qua Oppo và Vivo, xếp thứ 2 với 17% thị phần, Apple thay thế Realme trong vị trí thị phần lớn thứ 5 ở Việt Nam.
Petrosetco nhờ phân phối sản phẩm ICT mà doanh thu tăng đột biến, đạt gần 10.000 tỉ đồng.
Số hóa các kênh bán hàng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh để bắt kịp xu hướng người tiêu dùng. Nhà bán lẻ ICT lớn nhất Việt Nam - Thế Giới Di Động, đã chuyển dần hoạt động bán hàng sang kênh online.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán hàng trực tuyến của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh là gần 7.000 tỉ đồng, chiếm 30% doanh thu 2 chuỗi này và góp 12% tổng doanh thu.
Dù Thế Giới Di Động đã trải qua những thử thách chưa từng có với 70% điểm bán Thế Giới Di động/Điện Máy Xanh trên toàn quốc phải dừng hoạt động, công ty vẫn kinh doanh tăng trưởng từ nỗ lực bán hàng online, lực đỡ từ chuỗi Bách Hóa Xanh.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu hợp nhất 78.490 tỉ đồng, tăng 8%; lãi ròng đạt 3.006 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến năm 2025, Google ước tính, nền kinh tế internet ở Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 29%, xấp xỉ Philippines và hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore...
Đó là nhờ sự gia tăng mạnh mẽ trong thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, du lịch trực tuyến và tiêu dùng kỹ thuật số ở phương tiện giao thông cũng như thực phẩm...
Một số thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong dài hạn đối với sản phẩm kỹ thuật số. Xu hướng tiếp tục hậu thuẫn cho những nhà phân phối sản phẩm ICT.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư