Giai đoạn đại dịch COVID-19 được ví như khoảng thời gian bùng nổ của mua sắm và thanh toán trực tuyến. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 13 tỷ USD trong năm nay.
Dịch COVID-19 cũng là đòn bẩy thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam tăng trưởng mạnh, với sức mua cùng lượng khách hàng tại nhiều sàn TMĐT tăng đột biến.
Khi thương mại điện tử trở nên quen thuộc với người dùng từ thành thị đến nông thôn, các sáng kiến để nâng cao trải nghiệm của người dùng cũng được các sàn chú trọng.
Trong đó, săn sale trong những dịp lễ hội mua sắm lớn đã trở thành một “đặc sản” thú vị của ngành thương mại điện tử.
‘Sale quanh năm’ trên các sàn TMĐT: Chiến thuật marketing hay bài toán để cân bằng?
Nhận định về xu hướng sắp tới của thị trường, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam, cho biết trong 5-6 tháng tiếp theo, nhu cầu chi tiêu mạnh tay để bù đắp thời gian giãn cách sẽ song hành xu hướng ưu tiên mua sắm mặt hàng cần thiết.
Sau đó, người tiêu dùng sẽ mua sắm thông minh, bình tĩnh hơn, tập trung sản phẩm thiết yếu với mức chi tiêu hợp lý trên kênh trực tuyến.
Ông Hoàng cũng khẳng định, dù tâm lý người dùng thay đổi theo hướng nào, các chương trình ưu đãi vẫn có sức hút và tạo ra những giá trị không thể thay thế cho người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh lợi nhuận cho các doanh nghiệp.
Theo báo cáo "COVID-19 Global Barometer" của Kantar, một trong những thay đổi do COVID-19 mang lại là hành vi mua sắm trực tuyến tăng mạnh bởi người dân ưu tiên cho sức khỏe, hạn chế ra ngoài.
Trong đó, 77% người dân Việt Nam cho biết ít bốc đồng và cân nhắc nhiều hơn khi mua sắm so với trước đại dịch.
Tuy nhiên, kết quả của lễ hội mua sắm 11/11 trên Lazada lại cho thấy góc nhìn khác khi doanh thu và số lượng đơn đặt hàng tăng 2 lần; số thương hiệu, nhà bán hàng tham gia tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Điều này chứng tỏ các hoạt động khuyến mại phát huy giá trị, hấp dẫn người dùng, bất chấp những tác động từ dịch COVID-19.
Lý giải điều này, ông Hoàng cho rằng các chương trình ưu đãi tạo ra cán cân lợi ích cho người dùng và nhà bán hàng.
Cụ thể, người dùng được đáp ứng nhu cầu mua sắm sau thời gian giãn cách, cân đối chi tiêu nhờ tiết kiệm từ khuyến mại, tận hưởng nội dung giải trí trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Mặt khác, nhà bán hàng ghi nhận số lượng đơn tăng cao, có cơ hội nối liền các “đứt gãy” trong kinh doanh, tạo đà bứt phá doanh thu vào mùa mua sắm cuối năm.
Song song đó, chiến lược “sale quanh năm” tạo ra tâm lý chờ đón những chương trình mới, “săn” được ưu đãi hời để chi tiêu thông minh. Loạt ưu đãi diễn ra liên tục cũng mang đến truy cập và doanh số ổn định cho thương hiệu.
Không chỉ săn sale vì giá rẻ
Qua rồi quan niệm chỉ người trẻ, sinh viên hay Gen Z mới săn sale. Ngày nay, với nhiều sáng kiến tích hợp giữa giải trí, mua sắm cùng loạt ưu đãi, khuyến mãi được thiết kế công phu nhằm kích thích tinh thần người tiêu dùng, hoạt động “săn sale” trong các dịp lễ hội mua sắm lớn được đông đảo người dùng đón nhận.
Theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người.
Tính tới nửa đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục ghi nhận hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, theo báo cáo Toàn cảnh ngành thương mại điện tử (TMĐT) của Lazada Việt Nam.
Khảo sát Nghiên cứu diện rộng về hành vi mua sắm trực tuyến trên toàn khu vực Đông Nam Á vào tháng 1/2022 của Tập đoàn Lazada cũng tiết lộ, sau COVID-19, có 81% người dùng cho biết mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, 85% người được khảo sát tiết lộ đã mua sắm online nhiều hơn kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong số này, ngành hàng thời trang và chăm sóc sức khỏe, làm đẹp ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng cao nhất, lần lượt 61% và 57%.
Khái niệm mua sắm trực tuyến trở nên quen thuộc với ngày càng nhiều người, dù ở thành thị hay nông thôn. Bảo Châu (TP.HCM) chia sẻ:
“Dù không mua gì, mình vẫn có thói quen lướt ứng dụng TMĐT hàng ngày như lướt mạng xã hội vậy. Mình có thể tham gia chơi game, tích xu, nhận voucher hay đọc bình luận để chọn lựa sản phẩm chất lượng, để dành đến lúc cần là vào giỏ hàng mua ngay không cần lăn tăn nữa”.
Với Bảo Châu và nhiều người tiêu dùng khác, mua sắm trên các sàn TMĐT trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại.
Theo khảo sát Nghiên cứu diện rộng về hành vi mua sắm trực tuyến trên toàn khu vực Đông Nam Á mới nhất từ Tập đoàn Lazada, hơn 76% người được hỏi cảm thấy mua sắm trên sàn TMĐT là một trải nghiệm mang tính giải trí cao.
Trong khi đó, 34% người dùng Việt sẵn sàng mua sắm bất kể có giảm giá hay không.
Thấu hiểu nhu cầu người tiêu dùng, Lazada và nhiều nền tảng TMĐT khác liên tục tổ chức các lễ hội mua sắm quanh năm.
Đây không chỉ là dịp các sàn TMĐT nâng cao độ phủ trong tâm trí người dùng, mà còn là cơ hội để mang đến những trải nghiệm mua sắm, giải trí thú vị như livestream, đại nhạc hội, trò chơi săn voucher,... biến thương mại điện tử trở thành một nhu cầu hàng ngày của người dùng.
Trò chơi trí tuệ cân não
Săn sale ngày nay không chỉ là câu chuyện của may mắn, mà là cuộc chiến nhanh tay, lẹ mắt và tính toán chuẩn xác tỷ lệ, thời gian... để “chớp” được deal hời.
Minh Khánh (Hà Nội) chia sẻ niềm phấn khích khi săn được bộ bàn phím cơ có giá chỉ bằng 30% so với thông thường trong đợt Sinh nhật thế kỷ nhân dịp 10 năm sinh nhật của Lazada mới đây.
Minh Khánh kể: “Việc săn được deal hời hơn 70% hiếm hoi cho tôi cảm giác chiến thắng và ‘thành tựu’. Săn sale không còn là chuyện hên xui may rủi, mà cần có tính toán, so sánh, chớp đúng thời cơ.
Tôi thấy săn sale trên sàn thương mại điện tử như một mind-game (trò chơi trí tuệ) cân não và thử thách nhưng rất thú vị”.
Hay như Bảo Nghi (21 tuổi, TP.HCM) - một “công dân số” chính hiệu và sở hữu kinh nghiệm “săn sale” dày dạn sau nhiều lễ hội mua sắm lớn từ các sàn TMĐT. Cô sinh viên năm 3 chia sẻ: “Mình hay mua mỹ phẩm trên LazMall những đợt sale lớn.
Trong dịp này, không chỉ thương hiệu giảm giá đậm mà sàn cũng có nhiều voucher, miễn phí vận chuyển... Ngoài ra, các hãng rất hay tặng thêm sample hay mỹ phẩm minisize, một đợt săn sale mà dùng cả năm chưa hết”.
Kinh nghiệm của Bảo Nghi là cứ tin tưởng và săn sale ở một sàn TMĐT chứ không nên đọ giá, so sánh nhiều sàn vì có thể lỡ mất “thời cơ vàng”. “Mình thường mua mỹ phẩm nên ưu tiên chọn nơi bán hàng chính hãng cho yên tâm.
LazMall của Lazada thì chắc chắn rồi, ngoài ra các gian hàng chính hãng cũng kết hợp với sàn TMĐT nên có rất nhiều khuyến mãi và ưu đãi lớn. Chịu khó tìm hiểu và thu thập thêm voucher lại càng có lợi, khi Lazada cho phép áp dụng cả 5 loại voucher trong cùng một đơn hàng.
Các voucher cũng được tự động áp vào, mình không phải đắn đo nên chọn cái nào mới tốt”, cô gái 21 tuổi chia sẻ.
Có thể thấy, hoạt động săn sale ngày nay không chỉ dành riêng cho đối tượng người dùng tìm kiếm những món hời với giá rẻ, mà còn là sân chơi giải trí, thử thách khả năng tính toán thú vị của khách hàng.
Trong bối cảnh đó, các sàn TMĐT cần đưa ra những chiến lược phù hợp, nâng cao trải nghiệm mua sắm để giữ chân người dùng.
Theo Zing news