Kim loại này là thành phần vật liệu thô quan trọng để sản xuất các hợp kim nhôm, được sử dụng trong nhiều linh kiện ô tô từ hộp số, cột lái (kết nối vô lăng với bánh răng lái) cho đến khung ghế, ốp bình xăng.
Tình hình khan hiếm magiê đã được phản ánh trên thị trường với giá magiê nhập khẩu ở châu Âu tăng 75% trong tháng qua lên mức cao kỷ lục trên 9.000 đô la/tấn, theo Argus Media.
Sản xuất ô tô tê liệt nếu nguồn cung magiê gián đoạn
Gần 90% sản lượng magiê của thế giới đến từ Trung Quốc, nên nước này gần như chiếm vị thế độc quyền trên thị trường magiê.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng khiến sản lượng magiê ở Trung Quốc giảm mạnh do các chính quyền địa phương yêu cầu đóng cửa bớt các lò luyện magiê.
Nhà phân tích Amos Fletcher của Ngân hàng Barclays, cảnh báo: “Không có vật liệu thay thế magiê trong sản xuất tấm nhôm và phôi nhôm. Khoảng 35% nhu cầu về magiê ở hạ nguồn là tấm hợp kim nhôm sử dụng cho ô tô. Vì vậy, nếu nguồn cung magiê bế tắc, toàn bộ ngành công nghiệp ô tô có khả năng tê liệt”.
Theo một báo cáo của S&P Global Platts, tuần trước, Công ty sản xuất phôi nhôm Matalco (Canada) thông báo với khách hàng rằng nguồn cung magiê sẵn có đã “cạn kiệt”, và nếu tình trạng khan hiếm vật liệu này kéo dài, công ty sẽ phải cắt giảm sản lượng phôi nhôm trong năm tới.
Cảnh báo từ Matalco cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đang ảnh hưởng như thế nào đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá các nguyên vật liệu công nghiệp quan trọng lên cao trong nhiều năm và làm dấy lên lo ngại về lạm phát.
Trong khi tình trạng thiếu hụt chất chip bán dẫn là vấn đề chính mà ngành công nghiệp ô tô phải đối mặt trong năm nay, trọng tâm của mối lo ngại đang chuyển sang magiê, vật liệu làm tăng độ bền của nhôm khi được thêm vào như một tác nhân hợp kim.
Các nhà phân tích tại Công ty BofA Securities cho biết trong một báo cáo mới đây: “Sự thiếu hụt magiê có thể gây ra tình trạng thiếu nhôm, từ đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ô tô.
Chúng tôi nhấn mạnh vào thời điểm này rằng một kịch bản như vậy vẫn chưa được đưa vào các ước tính của chúng tôi. Vấn đề này mới xuất hiện và chưa có hãng xe nào cảnh báo về điều đó ”.
Khoảng 85% sản lượng magiê của thế giới đến từ Trung Quốc và một phần lớn trong số đó đến từ TP Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây.
Khoảng một tháng trước, chính quyền Du Lâm đã yêu cầu khoảng 35 trong số 50 lò luyện magiê đóng cửa cho đến cuối năm và yêu cầu những lò luyện magiê còn lại cắt giảm sản lượng 50% để đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng.
Để sản xuất một tấn magiê cần 35-40 MWh điện, so với 16 MWh nếu sản xuất một tấn nhôm, theo BoA Securities.
Magiê là kim loại rất khó bảo quản vì nó bắt đầu ôxy hóa sau 3 tháng. Do vậy, các kho dự trữ magiê trên toàn cầu có thể xuống mức cực kỳ thấp trước cuối năm nay nếu Trung Quốc không tăng sản lượng trở lại.
Châu Âu khẩn cấp trao đổi với Trung Quốc
Trong một tuyên bố được đưa ra vào đầu tháng này, WV Metalle, Hiệp hội thương mại kim loại màu của Đức, kêu gọi chính phủ khởi động các cuộc đàm phán ngoại giao khẩn cấp với Trung Quốc.
Tuyên bố cho biết: “Dự trữ magiê hiện tại ở Đức và khắp châu Âu sẽ cạn kiệt trong một vài tuần tới, chậm nhất là vào cuối tháng 11 năm 2021”.
Hiệp hội các nhà sản xuất nhôm châu Âu, European Aluminium (EA), với các thành viên bao gồm Norsk Hydro, Rio Tinto và Alcoa, đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) và các chính phủ trong khu vực khẩn cấp làm việc với Trung Quốc để giải quyết tình hình.
Hiệp hội này lo ngại Bắc Kinh sẽ phân bổ sản lượng magiê còn lại cho ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc.
EA cho biết trong một tuyên bố: “Sự thiếu hụt nguồn cung magiê hiện nay là một ví dụ rõ ràng về rủi ro mà EU đang phải gánh chịu khi để nền kinh tế khu vực phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. EU cần phải củng cố chiến lược về kim loại công nghiệp”
Magiê đã được đưa vào danh sách các nguyên liệu thô quan trọng của EU. Các nhà sản xuất nhôm châu Âu bao gồm Norsk Hydro từng sản xuất magiê nhưng đã dừng lại vì không thể cạnh tranh với chi phí hoạt động thấp hơn nhiều của đối thủ Trung Quốc.
Hôm 22-10, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EC đang trao đổi với Trung Quốc để giải quyết vấn đề thiếu hụt magiê.
Người phát ngôn cho biết EC cũng đang thẩm định các giải pháp dài hạn để ứng phó với sự phụ thuộc nguồn cung magiê vào Trung Quốc.
Trung Quốc cung cấp khoảng 95% nhu cầu magiê của Liên minh châu Âu nhưng các lô hàng xuất khẩu từ Trung Quốc bắt đầu thưa thớt kể từ tháng 9.
“Vấn đề thiếu magiê, nếu không được giải quyết, sẽ đe dọa hàng ngành doanh nghiệp khắp châu Âu và toàn bộ chuỗi cung ứng của họ cũng như hàng triệu việc làm đang phụ thuộc vào họ”, tuyên bố chung của 12 hiệp hội ngành nghề bao gồm các nhà sản xuất kim loại, nhà cung ứng linh kiện ô ở châu Âu cảnh báo
Tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) hôm 21-10, Thủ tướng Đức, Angela Merkel nói rằng cơn tăng giá năng lượng trên toàn cầu đã dẫn đến các hậu quả không mong muốn bao gồm sản lượng magiê suy giảm ở Trung Quốc đang gây thiệt hại cho các hãng xe ở châu Âu.
Giá xe ở Mỹ sẽ tăng cao
Stephen Williamson, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty tư vấn thị trường hàng hóa CRU, cho biết không giống như châu Âu, nguồn cung magiê ở Bắc Mỹ được bảo đảm phần nào nhờ nguồn cung lớn từ nhà sản xuất magiê US Magnesium (Mỹ).
Williamson nói: “Các nhà sản xuất nhôm ở Bắc Mỹ cũng đang hợp tác rất tích cực với chuỗi cung ứng phế liệu magiê của họ để bù đắp lượng magiê thô mà họ không có khả năng thu mua”.
Bernard Swiecki, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ô tô (Mỹ), ngành công nghiệp ô tô sẽ bị tác động nặng nề do thiếu magiê.
Ông cho rằng các nhà máy lắp ráp ô tô ở Mỹ sẽ không phải đóng cửa, ít nhất là ở Mỹ nhờ nguồn cung magiê trong nước vẫn bảo đảm. Nhưng khi giá magiê đang tăng “bung nóc”, người tiêu dùng sẽ chứng kiến giá bán xe tăng lên ở Mỹ trong vài tuần tới.
Câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu sản lượng magiê ở Trung Quốc có phục hồi lại trước cuối năm nay hay không.
Với tầm quan trọng của nhôm đối với ngành sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, rất hợp lý khi cho rằng Trung Quốc sẽ sớm tăng sản lượng magiê trở lại.
“Nhưng đây là một rủi ro cần giám sát cẩn thận,” nhà phân tích Amos Fletcher nói.
Theo Kinh tế Sài Gòn Online