Năm ngoái, chi phí đầu tư cho các kênh tiếp thị và bán hàng trực tuyến của Cổ Kim Mỹ Nghệ chỉ bằng một phần ba so với tham dự hội chợ truyền thống.

Bà Vương Thị Ngọc Chi, Giám đốc kinh doanh công ty cho hay, trong bối cảnh Covid-19, họ chọn cách đẩy mạnh khai thác các kênh trực tuyến.

Khách hàng đang trải nghiệm showroom "ảo". Khách hàng đang trải nghiệm showroom "ảo".

Đặc biệt, công ty quyết định mở showroom trên một nền tảng triển lãm nội thất trực tuyến có tên HOPE. "Sau 2 tháng triển khai, chúng tôi xuất khẩu thành công 2 container đầu tiên", bà Chi cho biết.

Ra đời khi tất cả hội chợ triển lãm ngành nội thất toàn cầu bị đình trệ vì cao điểm dịch năm ngoái, nền tảng này là sáng kiến của Hội Mỹ Nghệ và Chế Biến Gỗ TP HCM (HAWA) nhằm tìm lối thoát tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các thành viên.

Hiện tại, HOPE có hơn 20.000 m2 diện tích showroom với gần 10.000 sản phẩm của 70 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch thường trực HAWA nói rằng, Hội xem HOPE như một cửa ngõ giao thương quốc tế, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam tiếp cận hiệu quả hơn với thị trường thế giới.

Doanh nghiệp tiến hành scan (quét) hình ảnh sản phẩm để trưng bày lên showroom "ảo". Ảnh: HAWA. Doanh nghiệp tiến hành scan (quét) hình ảnh sản phẩm để trưng bày lên showroom "ảo". Ảnh: HAWA.

Nửa năm qua, nền tảng này đã đón gần 30.000 khách tham quan trực tuyến đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ vào đây tìm nhà cung ứng Việt Nam. Trong đó, các nước có lượng khách tham quan cao nhất là Mỹ, Anh, Canada, Đức, Pháp, Australia, Hàn Quốc...

Bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc Kinh Doanh Công ty Gỗ Minh Dương nhận xét, nền tảng này là công cụ tốt để số hóa không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm trực quan, hỗ trợ quá trình ra quyết định đặt hàng nhanh chóng của nhà mua hàng.

"Khi đại dịch vẫn còn diễn ra, đây chính là kênh thương mại hiện đại và đắc lực", bà Tuệ nói.

Tuy nhiên, cũng theo bà Tuệ, vì là công cụ mới nên các doanh nghiệp cần dành thời gian tìm hiểu về cách vận hành và đầu tư nhân sự để quản lý, kịp thời tương tác với khách hàng khi có thư hỏi, cũng như thay đổi mẫu mã mới, đầu tư hình ảnh sản phẩm, showroom đẹp...

Không chỉ kết nối doanh nghiệp với khách hàng, nền tảng còn mở rộng kết nối các tổ chức, hiệp hội với nhau. Tháng 10/2020, một chương trình giao thương trực tuyến thông qua HOPE đã được HAWA và Thương vụ Việt Nam tại Canada tổ chức.

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay, do đại dịch nên chương trình xúc tiến thương mại giữa Canada và Việt Nam không thể thực hiện bằng hình thức trực tiếp.

Do đó, họ chuyển sang trực tuyến và thu hút được 100 doanh nghiệp Canada. Nhìn chung, phản hồi về giải pháp "showroom ảo" của ngành nội thất Việt Nam là giao diện thân thiện, hình ảnh 3D giúp việc tìm hiểu sản phẩm, chất liệu, kiểu dáng tốt hơn.

Ngoài ra, do các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm đều đã được HAWA thẩm định nên Thương vụ cũng bớt được khâu trung gian.

Bà Hương nói Thương vụ này chỉ cần hướng dẫn khách đăng ký vào nền tảng và gợi ý nhà cung cấp phù hợp để họ tự tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm và liên hệ nếu thấy có triển vọng hợp tác.

Scan (quét) hình ảnh sản phẩm là cách khách hàng tương tác với sản phẩm. Scan (quét) hình ảnh sản phẩm là cách giúp khách hàng tương tác với sản phẩm.

Bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, các nền tảng xúc tiến thương mại truyền thống đã hình thành lâu đời và phát huy hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn gây gián đoạn như hiện nay, để sản phẩm đến được với các nhà mua hàng, doanh nghiệp nên chủ động tham gia hội chợ online, nền tảng triển lãm trực tuyến.

Bà Thủy nhận định.

"Xúc tiến thương mại online hiện là giải pháp tạm thời, nhưng sau này, nó cũng sẽ được duy trì bởi đây là xu thế tất yếu. Nếu tận dụng tốt, đây là kênh hiệu quả có thể bổ trợ cho kết nối trực tiếp".

Theo ông Jacques Nadeau, Chủ tịch CNI, Thành viên tổ chức tư vấn TFO Canada - một nền tảng định hướng thương mại năng động - thách thức của HOPE là làm sao cải thiện chất lượng thông tin.

"Các bạn sẽ phải đầu tư nhiều hơn trong việc trình bày các bộ sưu tập mới, phát triển sự năng động thông qua các hiệu ứng nội dung khác như video, công cụ trò chuyện trực tiếp, nhưng cũng phát triển mạng lưới truyền thông bổ sung như LinkedIn, Twitter và những nền tảng khác".

Ông Jacques cho rằng có nhiều công cụ hơn thì cơ hội tiếp cận khách hàng sẽ cao hơn.

Để tăng khả năng chuyển đổi khách hàng tiềm năng, công cụ chatbot 24/7 đã được tích hợp vào nền tảng này.

Cho đến nay, nhà triển lãm chỉ cần chia sẻ link tham quan showroom trực tuyến là sẽ thể hiện đầy đủ thông tin, năng lực, sản phẩm, hình ảnh, video... thay cho tất cả phương thức liên hệ truyền thống, thông tin rời rạc.

Bên cạnh đó, để nền tảng luôn thu hút và chất lượng, HAWA hiểu rõ phải thường xuyên tổ chức các sự kiện trực tuyến để tăng truy cập từ nhà mua hàng trong những mùa đặt hàng cao điểm, bên cạnh việc sàng lọc nhà triển lãm.

"Trong vai trò của hiệp hội, chúng tôi còn phải lựa chọn đơn vị tham gia để có thể bảo chứng cho uy tín của doanh nghiệp. Nghĩa là, ở chiều ngược lại, nhà mua hàng có thể yên tâm trải nghiệm, tìm kiếm và lựa chọn nhà cung cấp tiềm năng đã được HAWA xác thực", ông Phương nói.

Theo VNExpress