Mục tiêu của Web3 (hay Web 3.0) là giải quyết những hạn chế từ Web 2.0.
Tuy nhiên, dù đã được phát triển nhiều năm, Web3 vẫn chưa thực sự thành hình.
Cùng đi vào tìm hiểu định nghĩa, hướng hoạt động, tình hình áp dụng, cơ hội và thách thức của Web3.
Web3 bắt nguồn là Semantic Web - Ra đời với mục đích trở thành mạng Internet tự chủ, thông minh và cởi mở hơn
Ban đầu, Web3 được ông Tim Berner-Lee, người phát minh World Wide Web gọi là Semantic Web.
Hệ thống được tạo ra với mục đích trở thành một mạng Internet tự chủ, thông minh và cởi mở hơn.
Theo Forbes, Semantic Web không thể trở thành hiện thực vì nhiều lý do.
Trong đó, nguyên nhân chính đến từ việc công nghệ AI khó được áp dụng.
Nói dễ hiểu hơn, máy móc không thể phân biệt được Jarguar (báo đốm) và Jarguar (hãng ô tô) nếu không đặt đúng ngữ cảnh.
Sau này, định nghĩa Web3 ra đời cùng với sự phát triển của Blockchain.
Web3 được kỳ vọng có thể mở rộng thành một hệ thống, nơi dữ liệu được kết nối với nhau theo cách phi tập trung, không còn bị ràng buộc bởi các nền tảng lớn.
Lịch sử của Web3 - Khắc phục được những nhược điểm của Web 2.0 và Web 1.0
Web3 ra đời cùng với hai nền tảng đi trước là Web 1.0 và Web 2.0.
1. Web 1.0
Vào cuối những năm 1980, với Web 1.0, người dùng chỉ sở hữu trang web mới có thể cập nhật bằng những ngôn ngữ đơn giản, và họ là người có toàn quyền quyết định loại hình thông tin nào sẽ được gửi đến người xem.
Người dùng hầu hết chỉ là những người tiêu thụ thông tin và không thể tương tác với nội dung mình đọc được.
Việc sáng tạo nội dung để đăng lên web cũng rất bị hạn chế vào thời điểm đó.
2. Web 2.0
Khi công nghệ tiếp tục phát triển, phiên bản Web 2.0 xuất hiện.
Phiên bản này cho phép người dùng có thể tự tạo tài khoản và đóng góp thông tin, phát triển danh tính cá nhân trên mạng.
Các công nghệ mới như Javascript, HTML5, CSS3, v.v. đã mở đường cho nhiều nền tảng web cho phép người dùng tương tác, như YouTube, Facebook hay Wikipedia.
Tuy nhiên, điều này đã tạo ra những vấn đề nhức nhối của thời đại:
- Thông tin cá nhân không được bảo mật, và các mạng xã hội thao túng người dùng thông qua thông tin mà họ đề xuất tiếp cận.
- Việc lưu trữ và chuyển giao thông tin qua nhiều máy chủ cũng tạo cơ hội cho sự thiếu minh bạch, tăng chi phí và giảm tốc độ xử lý.
Trước thực tại đó, việc sáng tạo ra công nghệ Blockchain được nhiều người ví như việc “phát minh ra Internet lần thứ 2”.
3. Web3
Blockchain là một hệ thống lưu trữ dữ liệu phi tập trung, không có điểm trung gian kiểm soát dữ liệu.
Do đó, người dùng có toàn quyền sở hữu và quyết định chia sẻ thông tin của mình.
Họ cũng không cần phải lo lắng về việc thông tin của mình bị xâm phạm hoặc khai thác.
Viễn cảnh con người vật lý hòa mình một không gian thực tế ảo để sinh sống, mua bán và tương tác với vạn vật dần trở nên rõ ràng hơn sau sự ra đời của hàng loạt các dự án Metaverse, cùng sự phát triển của Crypto.
Để phục vụ cho viễn cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng Internet cần phải “thông minh” hơn để theo kịp, bằng việc tiến hóa thành Web3.
Ưu điểm của Web3 - Thừa hưởng đặc điểm của thời đại số
Từ đó, Web3 được ra đời dựa trên Blockchain, về cơ bản là thừa hưởng những đặc tính từ Web 1.0 và 2.0.
Thế nhưng, so với các phiên bản trước, Web3 hiển nhiên vượt trội hơn ở việc các giá trị, nội dung.
Các sản phẩm chất xám của người dùng Internet sẽ thuộc quyền sở hữu của cá nhân, thay vì là của các đơn vị cung cấp dịch vụ như Facebook, Amazon, Google, Twitter…
Web3 mong muốn dữ liệu được kết nối với nhau theo cách phi tập trung, với sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.
Hiểu đơn giản, nhiều con người tương lai không muốn phải tự mình ngồi mở máy tính để truy cập vào internet nữa.
Thay vào đó, Internet có thể đủ thông minh để kết nối vạn vật, đẩy sự tương tác giữa các nhóm người dùng lên mức tối đa.
Nếu những mục tiêu của Web3 trở thành sự thật, người dùng sẽ được sử dụng một mạng Internet công bằng hơn.
Khi đó mỗi cá nhân trở thành người có quyền lực cao nhất với dữ liệu của bản thân.
Song song đó, một số đặc điểm nổi bật của Web3 phải kể đến như:
- Loại bỏ hoàn toàn các bên trung gian, dữ liệu sẽ không bị sửa đổi và thao túng;
- Hoạt động không ngừng nghỉ suốt 24/7 do các dịch vụ trên Web3 không có một máy chủ cố định;
- Kết nối thông minh giữa IoT và công nghệ AI, người dùng có thể sử dụng các thiết bị kết nối Internet được gắn thẻ ngữ nghĩa chung để cung cấp các website phù hợp, trực quan và cá nhân hoá trải nghiệm.
Hướng hoạt động của Web3 - Internet trở nên cởi mở và phi tập trung hơn
Để thực hiện nguyên lý “phi tập trung”, các máy tính kết nối với nhau đều ngang hàng, Web3 phải dựa vào công nghệ Blockchain.
Cứ hình dung mỗi máy tính là một khối, liên kết với nhau một cách chặt chẽ thành chuỗi để duy trì một cuốn sổ cái, máy nào cũng như nhau, người dùng ghi thêm gì vào đều phải được toàn bộ các máy trong chuỗi chấp nhận.
Vì thế, cuốn sổ cái này ai cũng truy cập được nhưng không thể một ai tự mình sửa chữa thông tin.
Như vậy, sau này dùng Web3 để mua hàng, nghe nhạc, coi phim, chơi game, tham gia mạng xã hội… tất cả đều sử dụng công nghệ Blockchain.
Về lý thuyết, điều này sẽ tạo ra các mối liên kết, dù đó là để trả tiền, nhận tiền, đăng nội dung, tải nhạc…
Không có máy chủ, không có tổ chức đầu mối mang tính tập trung - tức không có Mark Zuckerberg đề xuất cho người dùng viết như thế này là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nên sẽ bị xóa.
Mặc dù chưa được xác định đầy đủ, nhưng Web3 có thể sử dụng các công nghệ ngang hàng (P2P) như:
Blockchain, phần mềm nguồn mở, thực tế ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và hơn thế nữa.
Hiện tại, nhiều ứng dụng chỉ được chạy trên một hệ điều hành.
Web3 có thể khiến các ứng dụng không cần phụ thuộc vào thiết bị hơn, nghĩa là chúng sẽ có thể chạy trên nhiều loại phần cứng và phần mềm khác nhau mà không tốn thêm chi phí phát triển.
Web3 sẽ làm cho Internet trở nên cởi mở và phi tập trung hơn.
Ngày nay, người dùng phải dựa vào các nhà cung cấp mạng và mạng di động và các nhà cung cấp này có thể theo dõi thông tin đi qua hệ thống của họ.
Sự ra đời của các công nghệ sổ cái phân tán sẽ sớm thay đổi và người dùng có thể lấy lại quyền sở hữu dữ liệu của họ.
Ví dụ của Web3:
Apple Siri là một ví dụ điển hình của Web3.
Bằng việc sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói và trí tuệ nhân tạo để ghi nhớ những yêu cầu, hành vi, thói quen của người sở hữu.
Từ đó, Siri đưa ra những đề xuất đúng đắn và phù hợp cho người sử dụng.
Tình hình vận dụng Web3 - Tiềm năng và thách thức
Nhiều công ty lớn đã tham gia vào sự phát triển Web3, có thể kể đến như: Twitter, Facebook, Google.
Nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm và Web3 cũng luôn nằm trong những xu hướng công nghệ tiềm năng của thời đại.
Tuy nhiên, một công nghệ mới chưa được hình thành một cách hoàn hảo thì ắt hẳn sẽ có ý kiến trái chiều và gây hoang mang cho người dùng.
1. Tiềm năng - Nhiều công ty và nhà đầu tư đã phát triển Web3
Meta, tiền thân là Facebook cho biết ưu tiên của họ là xây dựng Metaverse.
Khả năng tương tác mạnh mẽ, sử dụng một tài khoản cho nhiều trang, dịch vụ một cách liền mạch là một trong các nguyên tắc được Meta nêu ra.
Đó cũng là một phần của định nghĩa Web3.
Mark Zuckerberg, CEO Meta trả lời trong một buổi phỏng vấn rằng:
“Tôi nghĩ rằng nhiều tính năng từ Web3 được thiết kế cho việc tương tác. Điều đó sẽ giúp giảm thiểu lỗ hổng giữa các ứng dụng, mang lại người dùng có trải nghiệm liền mạch hơn”.
“Gã tìm kiếm khổng lồ” Google cũng cho hay họ đang chính thức xem xét việc phát triển Web3 và tích hợp công nghệ Blockchain vào các sản phẩm của mình.
CEO Sundar Pichai cho biết rằng công ty chắc chắn đang tìm hiểu Blockchain và Web3 là một công nghệ thú vị, có ứng dụng rộng rãi trong tương lai.
Xem thêm: Google tuyên bố sẽ phát triển Web3 trong tương lai
Theo tạp chí Fortune, chỉ trong năm 2021, các nhà đầu tư đã chi khoảng 27 tỉ USD để đầu tư vào các dự án Web3 tiềm năng.
Một số dự án Web3 nổi tiếng đang thu hút sự quan tâm có thể kể đến là ChainLink, nền tảng kết nối và truyền dữ liệu từ bên ngoài vào trong các hệ thống Blockchain hay Filecoin, mạng lưới lưu trữ dữ liệu phi tập trung lớn nhất hiện nay.
Xem thêm: Sôi động các dự án trên nền Web3
Đây cũng là một trong 14 xu hướng triển vọng được McKinsey Technology Trends Outlook 2022 dự báo sẽ phát triển trong năm nay.
2. Ý kiến trái chiều và thách thức đối với Web3 - Chưa rõ ràng, đang bị thổi phồng quá mức
Tuy nhiên, một công nghệ mới chưa được hình thành hẳn hoi thì ắt hẳn không tránh khỏi ý kiến trái chiều.
CEO của Tesla – tỷ phú Elon Musk bày tỏ:
“Tôi không nói rằng Web3 không khả thi. Tôi cho rằng hiện tại khái niệm này đang được người ta thổi phồng quá mức. 10, 20 hay 30 năm nữa thì điều này thật sự đáng chờ đợi. 2051 có thể sẽ là giai đoạn tuyệt vời nhất”.
Thật vậy, nền tảng kỹ thuật của Web3 phải như thế nào để giải quyết hàng loạt các vấn đề như:
- Vận hành Blockchain cần nguồn năng lượng lớn;
- Chi phí duy trì Blockchain cao;
- Ai đứng ra phân xử nếu có tranh chấp, làm sao ngăn ngừa đạo nhạc, đạo phim, thậm chí lừa đảo lấy hết hàng hóa…
Hiện nay các nơi ứng dụng Web3 ở mức sơ khai thì tặng người dùng các token như các đồng xu ảo, sau này sẽ dùng vào nhiều việc như tiền để trả dịch vụ đọc báo hay phiếu bầu để quyết định một số vấn đề được đưa ra để trưng cầu.
Thị trường NFT (chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên thế giới ảo) đang tiến hành trên Web3 và các giao dịch tiền mã hóa phi tập trung.
Điều này có nghĩa là không có công ty nào đứng ra, không có con người điều hành, tất cả tiến hành giao dịch với nhau một cách tự động thông qua các hợp đồng thông minh cũng là một dạng Web3.
Các xu hướng Web3 nổi bật như mã thông báo không thể thay thế (NFT) và Metaverse cũng có rất nhiều vấn đề, bao gồm mối quan tâm về an ninh mạng hoặc sự phụ thuộc tiếp tục vào các hệ sinh thái tập trung.
Mặc dù hầu hết giới công nghệ đều thừa nhận Blockchain sẽ có nhiều ứng dụng thú vị trong tương lai chứ không chỉ dùng để quản lý tiền mã hóa như Bitcoin hay Ether.
Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng khái niệm Web3 hiện đang được thổi phồng quá đáng, đặc biệt là việc mua bán NFT tiền triệu, tiền tỉ.
Ngoài ra, nghi ngờ càng tăng cao khi cách truyền thông đưa tin về tài sản điện tử và không gian Blockchain nhìn chung đang theo hướng tồi tệ hơn.
Đồng thời, những lo ngại về suy thoái kinh tế và tiêu dùng cũng đang khiến các công ty công nghệ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.
Lời kết
Ở hướng kỳ vọng, người ta mong Web3 sẽ phá vỡ thế độc quyền của các đại gia công nghệ, từ Google đến Apple, từ Facebook đến Twitter…
Nếu Web3 thành công, sẽ có hàng loạt Facebook mới ra đời do người dùng xây dựng nên và cá nhân quản lý.
Những vẫn còn một chặng đường dài để phát triển một mạng Internet thực sự phi tập trung.
Chỉ riêng các yêu cầu về kiến trúc hạ tầng cho Web3 đã phức tạp hơn nhiều so với kiến trúc Web 2.0 hiện tại.
Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính và sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo hiện tại, giới chuyên gia hy vọng Web3 sẽ sớm thành hình thực sự và tạo nên một cuộc cách mạng dữ liệu cho thế giới.
Đồng sáng lập và CEO của BHO – một nền tảng Blockchain cung cấp cơ sở hạ tầng cho các dự án Web3 và Metaverse, ông Phan Đức Nhật chia sẻ thêm:
“Có nhiều quan điểm và nhận định trái chiều về Web3, cũng như với bất kỳ ứng dụng nào của Blockchain.
Tuy nhiên, trong năm 2021 dòng tiền đầu tư trị giá hàng tỉ USD vẫn tiếp tục đổ về các dự án này. Do đó, việc cập nhật các xu hướng công nghệ sẽ giúp nhà đầu tư nắm bắt được các cơ hội mới một cách hiệu quả, các lập trình viên và những nhà sáng tạo nội dung có thể bắt tay vào việc xây dựng một thế giới mới”.