Thị trường rộng mở
Ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone), nhận xét hiện thị trường Cloud có khoảng vài trăm dịch vụ.
Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam mới đang đáp ứng được một phần khá nhỏ, khoảng vài chục dịch vụ, do vậy không gian thị trường còn rộng mênh mông.
Theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường Cloud Việt Nam sẽ là 26% mỗi năm (cao nhất trong khu vực ASEAN), và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 16% trên toàn cầu.
Hiện một doanh nghiệp chi trung bình cho dịch vụ Cloud khoảng 66,6 triệu đồng/năm, hiện chỉ có 56% doanh nghiệp dùng dịch vụ Cloud.
Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, nếu đến năm 2025 toàn bộ doanh nghiệp Việt chuyển dịch lên dùng Cloud thì thị trường sẽ đạt hơn 53,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ đô la).
Thị trường điện toán đám mây Việt Nam có 39 nhà cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp trong nước, trong đó có 11 đơn vị xây dựng được 27 trung tâm dữ liệu, dù vậy các doanh nghiệp nội vẫn chiếm một miếng bánh khá nhỏ, chưa đến 20% thị phần.
Phó Tổng giám đốc MobiFone, ông Bùi Sơn Nam, cho rằng ngoài cơ hội về thị phần thì hiện nay nhu cầu dịch vụ đám mây rất cao vì “cả xã hội ảo hóa hết, tất cả đều lên mây”.
Hạ tầng số được xem là một trong những chiến lược trọng tâm của Việt Nam hiện nay – khi đây được xem là “bệ phóng” của nền kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số, trong đó điện toán đám mây là một cấu phần quan trọng.
Trong khi trung tâm dữ liệu, truyền dẫn, mạng viễn thông (viễn thông cố định (cáp quang), 3G, 4G, 5G và 6G trong tương lai) là hạ tầng của hạ tầng số, thì hạ tầng số chính là điện toán đám mây và nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata)…
Việc đầu tư cho thị trường Cloud không đơn thuần là một lĩnh vực tiềm năng của các doanh nghiệp công nghệ Việt mà nó còn có vai trò tạo dựng, “trụ đỡ” cho nền kinh tế số, và đặc biệt là xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Đứng đầu trong danh sách chuyển đổi số chính là điện toán đám mây, bởi đây là mô hình hiện đại, cho phép người dùng có thể lưu trữ, xử lý, phân tích và khai thác các thông tin dựa trên nền tảng Internet.
Cần bảo đảm yếu tố an toàn, bảo mật
Để phục vụ hạ tầng đám mây, lưu trữ dữ liệu của Chính phủ, lưu trữ dữ liệu của các doanh nghiệp tại Việt Nam, và chủ động tham gia vào quá trình hạ tầng số của Chính phủ.
Trong năm 2022 MobiFone sẽ tập trung đầu tư mạnh cho các trung tâm dữ liệu lớn - hạ tầng lưu trữ dữ liệu (Data Center).
Trong đó gồm ngoài trung tâm Data Center tại TP.HCM, MobiFone sẽ đưa vào vận hành hai trung tâm mới tại Hải Phòng và Hà Nội (Khu công nghệ Hòa Lạc) .
Trong khi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), một lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, VNPT đã có lợi thế trong hạ tầng cơ bản nhất là IDC (các trung tâm dữ liệu).
Do vậy đến giai đoạn tiếp theo là Cloud – các dịch vụ ảo hóa sẽ phát triển rất nhanh để gia tăng thêm cho hệ sinh thái, cho khách hàng tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Và dịch vụ đám mây sẽ là hướng đi quan trọng của VNPT, đồng thời cho biết trong năm 2022 VNPT sẽ tiếp tục đưa vào khai thác 1-2 Data Center lớn.
Theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp viễn thông, do hạ tầng đám mây gắn chặt chẽ với hạ tầng viễn thông và chuyển đổi số.
Nên ở góc độ chính sách cần có quy hoạch và cấp phép với hạ tầng này để các đơn vị lưu trữ dữ liệu, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm như với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
“Điện toán đám mây đang đi vào AI, Bigdata… nên phải xem xét kỹ lưỡng trong việc xây dựng chính sách, quy hoạch thúc đẩy phát triển thị trường”, đại diện nhiều doanh nghiệp viễn cùng quan điểm.
Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông Nguyễn Trường Giang cho rằng, khi có hành lang pháp lý sẽ tạo ra sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong nước.
Khi đó các doanh nghiệp với nền tảng của mình sẽ phát triển hạ tầng số khá mạnh và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của nước ngoài.
Theo VnEconomy