Mới đây, Virgil Abloh đã ký một thỏa thuận với công ty Jacob & Co để thực hiện dự án “Office Supplies” – dòng trang sức bằng kẹp giấy từ vàng 18K nạm kim cương được sản xuất bởi nhà bán lẻ trang sức và đồng hồ tư nhân do thợ kim hoàn Jacob Arabo thành lập năm 1986, với giá bán từ từ 0,8 đến 1,5 tỷ VNĐ. Một mức giá không tưởng!
Không chỉ Jacob&Co., Louis Vuitton cũng cho biến tấu chiếc túi xách của hãng trở thành hộp đựng cục tẩy.
Mẫu phụ kiện được đeo như dây chuyền thời trang với ký hiệu LV lồng ghép trên dây xích bạc. Phần hộp đựng bên ngoài cục tẩy được bao phủ bởi chất liệu da canvas cùng họa tiết monogram kinh điển của nhà mốt Pháp.
Khi Millennials và Gen Z sẽ chiếm lĩnh 60% tổng giá trị hàng xa xỉ lên đến 500 triệu USD (dự đoán năm 2025 từ tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group), đã đến lúc các nhà tiếp thị và quản lý hàng hiệu dành thời gian để nghiên cứu về định luật sống còn cho thương hiệu này.
Trở lại câu chuyện của Jacob&Co., với các mẫu sản phẩm giá từ 3.000 - 72.000 USD, được định giá tùy theo sự chấp thuận ngầm của Virgil, đây chính là một sự bác bỏ về quy luật giao dịch xa xỉ mà gia đình Arnault (Chủ sở hữu LVMH) từng tuyên bố: “Hàng hóa xa xỉ là thứ được định nghĩa bởi giá tiền.”
Virgil Abloh đã vượt lên khái niệm “thiết bị văn phòng thông thường” để tạo ra những món trang sức mới cho Jacob&Co. và nâng tầm vật dụng văn phòng thành một đối tượng nghệ thuật.
Một cái kẹp giấy thường chỉ có 5 xu. Nhưng nếu nó được làm từ kim cương thì chắc chắn sẽ mang giá trị khác. Và cùng với đó, nó kích thích bạn. Tôi thích những thứ như thế. Tôi thích cảm giác bị thu hút bởi những thứ mang cả giá trị tinh thần lẫn vật chất. Đó là lý do vì sao tôi gọi chúng là nghệ thuật, chứ không đơn thuần là một phần của thời trang.” - Virgil Abloh
Với Louis Vuitton, rõ ràng LVMH đã nhìn nhận nhanh chóng việc một số thương hiệu khác đang bắt đầu già đi, ít thu hút hơn, những giá trị di sản nếu không được làm mới mẻ, cũng trở nên già cỗi và lỗi thời.
Khi người tiêu dùng ít kiên nhẫn hơn, thương hiệu phải tăng tốc bền vững bằng cách sáng tạo, ứng dụng công nghệ và tái cấu trúc liên tục.
Louis Vuitton, với tầm nhìn của Delphine Arnault – phó chủ tịch tập đoàn, có những thương vụ hợp tác khôn ngoan nhằm thu hút thế hệ Z và Millennials.
Hoặc Gucci, những năm sau sự ra đi của Tom Ford, từng chết dần trên thị trường vì thương hiệu quá mờ nhạt, mơ hồ và không có gì khác biệt. Điều này đã thay đổi.
Giờ đây, Gucci sở hữu một phong cách riêng biệt, nhất quán, thông minh. Nhà mốt thể hiện chúng thông qua tính nghệ thuật, chiến dịch quảng bá bám lấy nhu cầu của người trẻ và sự biến hoá trong trải nghiệm dịch vụ tại cửa hàng hay trực tuyến.
Rất có thể ngay sau một chiếc ghim cài, một túi đựng cục tẩy, biết đâu đấy lại là một chiếc ống hút, một túi đeo lưng dạng vali, tất cả đều có thể trở thành hàng hiệu xa xỉ. Miễn là bạn hiểu được tâm lý tiêu dùng của Millennials và Gen Z giàu có, lời khuyên chính xác là như thế!
Theo Lofficielvietnam.com