Đầu tư cho các mô hình giáo dục tiên tiến để triển khai và nhân rộng tại Việt Nam không phải là con đường dễ nhưng nhiều tổ chức giáo dục vẫn đang sẵn sàng thử sức.

Hôm 6.11, bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đối tác tổ chức hội thảo về hướng tiếp cận Reggio Emilia trong giáo dục mầm non với sự tham gia của gần 40 đại diện sở giáo dục địa phương. Ông Nguyễn Bá Minh, vụ trưởng vụ Giáo dục mầm non (bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết hợp tác quốc tế là một trong những cách để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. 

bui_vu_thanh_reggio_emilia_xkeq

Ông Bùi Vu Thanh phát biểu tại hội thảo về hướng tiếp cận Reggio Emilia hôm 6.11. Nguồn: Global Embassy 

Trong đó, Reggio Emilia được đánh giá là một trong những mô hình giáo dục tiên tiến đang được áp dụng tại hơn 140 quốc gia mà các nhà giáo dục địa phương có thể tham khảo áp dụng phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh.

Reggio Emilia là mô hình giáo dục từ Ý, theo triết lý đề cao sáng tạo cá nhân và tập trung vào lứa tuổi mầm non và tiểu học. Dù khá phổ biến ở Việt Nam những năm gần đây, nhưng đến tháng 11.2019 mới có Thế Giới Mặt Trời (thuộc Embassy Education) ở TP.HCM là ngôi trường mầm non đầu tiên tại Việt Nam được chính thức công nhận là trường Reggio Emilia.

Embassy Education là một trong số các tổ chức giáo dục tại Việt Nam “nhập khẩu” mô hình giáo dục quốc tế nhắm triển khai nhân rộng đến nhiều cơ sở trên cả nước. Ông Bùi Vu Thanh, nhà sáng lập Embassy Education chia sẻ trong tháng 11 và 12 này, các lớp đào tạo giáo viên về mô hình giáo dục Reggio sẽ được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội.

Hiện tại Việt Nam, đa phần các mô hình giáo dục mới được xây dựng và tư vấn triển khai ở quy mô nhỏ tại các trường có nhu cầu. Khi không có đủ tiềm lực tài chính cũng như bộ máy vận hành, nhiều chuyên gia giáo dục chọn cách hoạt động độc lập hoặc theo nhóm, dựa trên những hướng tiếp cận của thế giới để tư vấn xây dựng khung mô hình phù hợp cho các trường.

"Ưu điểm của cách làm với quy mô nhỏ và linh hoạt này là dễ tiếp cận các trường với mức học phí đa dạng, đồng thời đảm bảo độ phù hợp cao với học sinh Việt Nam vì được xây dựng bởi các chuyên gia người Việt," theo chuyên gia tâm lý học giáo dục và phát triển Nguyễn Minh Thành, nhà quản lý chuyên môn của tổ chức Heary – Giáo dục tích cực tại Việt Nam.

Nhóm của Thành đã triển khai triết lý giáo dục tích cực khoảng ba năm nay, áp dụng với hơn 100 học sinh các trường mầm non và hơn 400 giáo viên từ cấp mầm non đến phổ thông ở Việt Nam.  

giao_duc_mam_non_ics__phgu

Các học sinh tại trường ICS, ngôi trường kiến tạo đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn: ICS  

Với quy mô dân số trẻ lớn, đầu tư cho giáo dục Việt Nam đang ngày càng tăng. Mức chi tiêu tính trong tổng GDP liên tục tăng giai đoạn 2015-2019, theo thống kê của Statista, từ 3,26% lên 3,82%. Trong năm 2019, khoảng 230.700 tỉ đồng được chi cho giáo dục.

Với nhu cầu đa dạng và phương pháp giáo dục mới, các nhà đầu tư giáo dục ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Bà Đỗ Phan Duy Khuê, nhà sáng lập và giám đốc điều hành trường Sao Khuê ở Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết ngôi trường này đang được xây dựng từ nền móng trường cấp ba tư thục của gia đình, sắp tới chuyển thành trường mầm non và tiểu học song ngữ. Đáng chú ý, Sao Khuê sẽ là mô hình trường học kiến tạo đầu tiên tại Đồng Nai.

Trao đổi với Forbes Việt Nam, bà Khuê kể bà tìm hiểu và đắn đo rất nhiều khi lựa chọn mô hình giáo dục cho ngôi trường dự kiến khai giảng vào tháng 9.2021 với quy mô gần 600 học sinh. Trước đó bà có năm năm kinh nghiệm vận hành các trung tâm giáo dục kỹ năng và cảm xúc cho trẻ em theo hình thức nhượng quyền như Global Art, FasTracKids, Tomato Children’s Home… Đến tháng 7 rồi, bà Khuê quyết định chọn mô hình trường học kiến tạo do công ty tư vấn giáo dục Faros giữ bản quyền triển khai tại Việt Nam.

Mô hình trường học kiến tạo (design) hay triết lý "tư duy kiến tạo" (design thinking) được đề xuất bởi nhà giáo dục Ấn Độ Kiran Sethi, người xuất thân là một nhà thiết kế (designer) đã sáng lập phong trào trẻ em lớn nhất thế giới “Kiến tạo để thay đổi” (design for change) có mặt ở hơn 60 quốc gia, tác động đến hơn 2,2 triệu trẻ em và 65.000 giáo viên. Bên cạnh phương pháp giáo dục và giáo trình, mô hình thiết kế đầy đủ các module hỗ trợ vận hành một ngôi trường, giúp ban giám hiệu – ban lãnh đạo nhà trường gắn kết với phụ huynh và các bên liên quan.

Trước Sao Khuê, trường mầm non và tiểu học ICS ở quận 2 (TP.HCM) là trường theo mô hình kiến tạo đầu tiên tại Việt Nam khai giảng hồi tháng 9 với 100 học sinh. Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà đồng sáng lập Faros và cũng là đồng sáng lập trường ICS, đây là cách để đội ngũ Faros “lăn vào thử nghiệm” mô hình trường học kiến tạo để đúc kết kinh nghiệm và giới thiệu đến cộng đồng giáo dục.

Bà Uyên Phương từng được biết đến với là nhà đầu tư và chủ sở hữu hệ thống ngoại khóa Tomato Children’s Home từ năm 2013. Do đó, không chỉ ở góc độ tư vấn, là một nhà đầu tư giáo dục, bà nhận định chọn mô hình vận hành trường học theo hướng tổng thể là cách để hạn chế lãng phí trong đầu tư.

nguyen_thuy_uyen_phuong_faros_elrn

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương tại diễn đàn về trường học kiến tạo hôm 7.11. Nguồn: Faros

Khác với các nhà làm chuyên môn, nhiều đơn vị đầu tư giáo dục có tiềm lực tài chính nhưng thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên phải đầu tư "chắp vá" nhiều phương pháp để giải quyết từng khía cạnh mà chưa có triết lý tổng thể. “Việc thử nghiệm và sửa sai liên tục không chỉ gây rủi ro cho nhà trường mà còn tạo tác động tiêu cực lên học sinh. Việc tốn kém hay không nằm ở hiệu quả sau cùng chứ không phải là chi bao nhiêu tiền,” bà Phương nhìn nhận.

Nguyễn Minh Thành chia sẻ, việc một đơn vị nhận chuyển giao chương trình về Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn thực nghiệm và thích nghi lại trong bối cảnh giáo dục bản địa. "Một chương trình dù có được xây dựng ngay trong lòng xã hội Việt, bởi những nhà chuyên môn người Việt thì cũng phải có hơi thở của thời đại, phải cập nhật những kiến thức mới, những sự dịch chuyển của giáo dục trên thế giới,” chuyên gia về giáo dục tích cực nói.

Đây cũng chính là quan điểm của người đem mô hình trường học kiến tạo về Việt Nam. Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng việc đem mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới về Việt Nam không phải là cách làm mới mẻ. "Việc đứng trên vai người khổng lồ mới là bước đầu tiên, đích đến cuối cùng là bản địa hóa với những yếu tố riêng có của chúng ta,” bà Uyên Phương nói.

Theo Forbes Việt Nam