Từ năm 2020 đến tháng 2/2021, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải trải qua nhiều thách thức do gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, sự phục hồi đã diễn ra trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 năm nay, khi xuất khẩu thủy sản tăng lần lượt 17 – 30% so với cùng kỳ.
Sự tăng trưởng diễn ở nhiều mặt hàng và nhiều thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm nay đạt 2,5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp Việt ngày càng tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như xử lý tốt hơn các tình huống trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp trong nước và trên thế giới.
VASEP dự kiến xuất khẩu thủy sản trong quý II/2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng 10% và khả năng đạt 2,1 tỷ USD, đặc biệt tôm và hải sản sẽ là những sản phẩm tiếp tục có sự tăng trưởng khá.
Con số này được đưa ra khi thủy sản Việt đang đứng trước hai cơ hội lớn.
Thứ nhất là giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…
Thứ hai là tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.
Ấn Độ đang gặp khó khăn với sản xuất và xuất khẩu tại do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng điều này lại tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh lớn như Ecuador, Indonesia và Việt Nam cải thiện thị phần trong các nước nhập khẩu lớn, đặc biệt là Mỹ.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu toàn cầu tăng nhẹ trong khi nguồn cung từ nhiều nước sản xuất sẽ giảm do Covid-19.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu tôm nguyên liệu của Việt Nam vẫn ở mức khá cao so với các đối thủ cạnh tranh.
Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu tôm sú trong quý đầu năm nay giảm do sản phẩm này thường được tiêu thụ trong các kênh nhà hàng và khách sạn vẫn đang đóng cửa một phần do dịch.
Bên cạnh đó, Covid-19 đang làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, trong đó nhu cầu với tôm chế biến tăng lên đáng kể.
Đây luôn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước Ecuador tại thị trường Mỹ và đối với tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới (EU và Nhật Bản ưa chuộng tôm chế biến).
Trong quý I/2021, Việt Nam xếp thứ 3 về sản lượng tôm chế biến xuất khẩu sang Mỹ, chỉ sau Indonesia và Ấn Độ, đồng thời là nước đạt mức tăng trưởng cao nhất về giá trị trong Top 5 nước xuất khẩu hàng đầu tôm chế biến sang thị trường này.
Theo The Leader