Đại dịch COVID-19 - “Cơn bão” khiến toàn bộ ngành du lịch đổ gục hoàn toàn trong hơn 2 năm
Trước khi đón nhận tin vui này, ngành du lịch Việt Nam đã phải trải qua khoảng thời gian đen tối vì cơn ác mộng mang tên COVID-19.
Dịch COVID-19 bắt đầu nghiêm trọng từ đầu năm 2020, trở thành đại dịch của thế giới với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây.
Kể từ khi đại dịch chính thức bùng phát và lan rộng tới nhiều quốc gia, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, đầu tiên và nặng nề nhất.
Tuy nhiên, cùng với các chính sách kích cầu hiệu quả và sự năng động của các doanh nghiệp, ngành Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng cơ hội hiếm hoi phục hồi từ khách nội địa trong bối cảnh thiếu vắng hoàn toàn du khách quốc tế.
Song, những đợt dịch COVID-19 liên tiếp xảy ra đã làm mất đi cơ hội phục hồi hiếm hoi của các doanh nghiệp du lịch.
Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thiệt hại nặng nề.
Năm 2020, nhiều kế hoạch của ngành du lịch Việt Nam đặt ra hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu đặt ra đều giảm mạnh.
Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm 2019.
Trong đó, hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%.
Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...
Mở cửa du lịch - Chìa khóa giúp ngành du lịch Việt Nam từng bước phục hồi
Nhờ có những chính sách hiệu quả của Nhà nước, tình hình dịch COVID-19 tại nước ta đã được kiểm soát và đất nước đã chuyển sang thời kỳ bình thường mới hậu đại dịch.
Vì vậy, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với du lịch nội địa, tất cả hoạt động du lịch diễn ra bình thường.
Tất cả hoạt động đều không có bất cứ hạn chế nào, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả và hướng dẫn 3862 của Bộ VH-TT&DL.
Với khách quốc tế, yêu cầu và quy trình đón khách rất thông thoáng.
Theo quy định của Bộ Y tế, khách đến Việt Nam khi nhập cảnh chỉ cần có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính là có thể đi lại, tham quan, không cần chứng nhận đã tiêm vắc xin, không phải cách ly.
Việc mở cửa hoàn toàn du lịch khiến lượng du khách tìm kiếm Việt Nam trên công cụ tìm kiếm Google ngày càng tăng cao trong khoảng thời gian gần đây.
Lượng tìm kiếm từ nước ngoài về du lịch Việt Nam tăng cao kỷ lục
Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) vừa đưa ra thông tin theo công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights.
Kết quả đón khách quốc tế cho thấy, tình hình phục hồi khả quan của du lịch Việt Nam sau khi chính thức mở cửa lại toàn bộ du lịch từ ngày 15/3/2022.
Trong đó lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng gấp 4 lần.
Dữ liệu từ Google chỉ ra rằng, lượng tìm kiếm từ nước ngoài về du lịch Việt Nam đang trên đà tăng cao qua từng tháng.
Đặc biệt, đối với cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, vào thời điểm đầu tháng 3, lượng tìm kiếm chỉ đạt mức 25 điểm, nhưng chỉ sau đó 1 tháng, đã tăng gần gấp đôi, ở mức 48 điểm.
Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vào những tháng sau đó:
Tháng 5 đạt 78 điểm, tăng gấp 3 lần so với tháng 3, rồi đạt 98 điểm vào đầu tháng 6 và 100 điểm vào đầu tháng 7, tăng gấp 4 lần thời điểm trước khi mở cửa du lịch quốc tế.
Xu hướng tương tự diễn ra đối với lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam:
Đến đầu tháng 7, lượng tìm kiếm đã tăng gấp 3 lần so với đầu tháng 3.
Với việc mở cửa du lịch kể từ giữa tháng 3/2022, ngành du lịch Việt Nam đang đón nhận những tin vui liên tiếp.
Trong đó không thể kể đến lượng khách quốc tế du lịch tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hậu đại dịch.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 6 lần
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 602.000 lượt, tăng 582,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, lượng khách trong tháng 6 đạt 237.000 lượt, cao hơn gần 6 lần so với tháng 3/2022 (đạt 42.000 lượt).
Dù số lượng khách còn ít, nhưng tốc độ tăng trưởng đã cho thấy dấu hiệu khả quan cho sự phục hồi trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, nhận định đây là những tín hiệu tốt.
"Chính sách mở cửa phù hợp đang tạo ra sự sôi động, tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành du lịch và doanh nghiệp.
Tới nay theo báo cáo đã nhiều công ty lữ hành có khách và kỳ vọng sự trở lại của các thị trường trọng điểm trước kia", ông nói.
Mở cửa du lịch sau thời gian dài đóng băng là tin vui lớn với ngành du lịch.
Việc mở cửa lại du lịch đã giúp hoạt động ngành du lịch sôi động trở lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thúc đẩy các doanh nghiệp quay lại thị trường.
Để đẩy mạnh hoạt động phục hồi du lịch một cách hiệu quả, ngành du lịch cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông trên hai phương diện:
Thông tin truyền thông, quảng bá kết nối thị trường qua truyền thông số, mạng xã hội; kênh bán hàng, tiếp thị trực tiếp của các hãng lữ hành, hãng hàng không, các cơ sở dịch vụ, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thông tin rộng khắp đến thế giới cũng như các hãng truyền thông quốc tế.