Chiến lược tiếp thị là gì?
Chiến lược tiếp thị (Marketing strategy) là xây dựng và hoạch định cách tiếp cận dài hạn với một kế hoạch được xác định rõ ràng nhằm đạt được các mục tiêu mong muốn như tăng doanh số, doanh thu cho công ty, duy trì lượng khách hàng trung thành, thu hút tập khách hàng mới và đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Mỗi doanh nghiệp cần có một chiến lược tiếp thị rõ ràng và phù hợp cũng như một đội ngũ chuyên gia giỏi và nhân viên tài năng để đạt được các mục tiêu tổng thể đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu.
Dưới đây là 9 giá trị thể hiện tầm quan trọng của chiến lược tiếp thị trong sự phát triển của thương hiệu:
Nâng cao lợi thế cạnh tranh trên “đấu trường" tiếp thị
Chiến lược tiếp thị sáng tạo, mang tính chiến lược và có kế hoạch dựa trên các định vị của thương hiệu, các tính năng, lợi ích của sản phẩm và dịch vụ sẽ cho thấy thương hiệu và dịch vụ đó tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Tăng nhận diện thương hiệu
Cùng với vai trò quảng bá sản phẩm cho công ty, việc sở hữu một chiến lược tiếp thị mạnh mẽ sẽ giúp thương hiệu nổi bật trong thị trường mục tiêu và toàn ngành hàng.
Từ đó gây chú ý với những khách hàng và đối tác đang tìm kiếm thương hiệu và dịch vụ phù hợp.
Điều cơ bản của chiến lược tiếp thị là làm nổi bật và quảng bá các thuộc tính, di sản và USP của thương hiệu.
Thu hút khách hàng mới
Bộ phận tiếp thị của doanh nghiệp cần hiểu tầm quan trọng của chiến lược tiếp thị nếu muốn thu hút khách hàng mới từ thị trường hiện tại cũng như các thị trường chưa được khai thác.
Các công cụ và kỹ thuật chiêu thị được hoạch định và lựa chọn dựa trên lối sống, mức thu nhập và các thông số khác của nhóm khách hàng mục tiêu.
Đây là các yếu tố kéo giúp bộ phận bán hàng có thể chuyển đổi người dùng trung lập thành đối tượng tiềm năng và khách hàng của thương hiệu.
Hoạch định đặc tính sản phẩm và dịch vụ
Nghiên cứu bao gồm bối cảnh thị trường hiện tại, sản phẩm đối thủ cung cấp, các chính sách của chính phủ, yếu tố lợi nhuận và những động lực thay đổi có thể ảnh hưởng đến việc buôn bán và vận hành sản phẩm, dịch vụ của công ty.
Hoạch định ngân sách tiếp thị
Mọi phòng ban trong công ty đều được phân bổ ngân sách theo năm.
Chiến lược tiếp thị được xây dựng để đảm bảo ngân sách không bị cạn kiệt do chi tiêu vào các hoạt động quảng cáo có lợi tức đầu tư thấp.
Sử dụng và phân bổ ngân sách tiếp thị một cách tối ưu cho các công cụ tiếp thị và chiến thuật khuyến mại không chỉ giúp đạt được mục tiêu tiếp thị mà còn đạt các mục tiêu kinh doanh tổng thể.
Sáng tạo trở thành lợi thế
Có một chiến lược tiếp thị rõ ràng, thương hiệu sẽ giúp các đối tác truyền thông hiểu rõ bản chất thương hiệu và dịch vụ.
Từ đó đưa ra những ý tưởng độc đáo, khác biệt và độc quyền, mang lại lợi thế sáng tạo cho thương hiệu và hình thành nên một cá tính nổi bật trên thị trường.
Chiến lược phân phối hiệu quả
Hiểu tầm quan trọng của chiến lược tiếp thị giúp ban quản lý có một chiến lược phân phối hiệu quả.
Sự phát triển của bán hàng online và ảnh hưởng của mạng xã hội đòi hỏi công ty cần có mạng lưới phân phối rộng khắp cho phép người trẻ có thể trực tiếp mua hàng từ website hoặc đối tác thương mại điện tử.
Trong khi đó, thế hệ trung niên trở lên vẫn thường ưu tiên mua sắm trực tiếp.
Định giá tối ưu
Chiến lược marketing là cơ sở để thực hiện các nghiên cứu sâu về tính cạnh tranh, động thái cùng khả năng chi tiêu của thị trường mục tiêu.
Từ đó giúp công ty đưa ra phương án định giá tối ưu phù hợp với tiêu chuẩn thị trường, có tính cạnh tranh và giúp công ty tạo ra doanh số và lợi nhuận cao hơn.
Đóng góp vào sự tăng trưởng tổng thể của doanh nghiệp
Chiến lược tiếp thị tạo điều kiện cho việc nâng cao giá trị thương hiệu, tăng thị phần, lợi thế cạnh tranh, tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận, dẫn đến sự tăng trưởng chung của công ty.
Ban lãnh đạo của mỗi công ty cần hiểu được sự phức tạp và tầm quan trọng của chiến lược tiếp thị để hoạch định cụ thể, rõ ràng nếu muốn thành công hoàn thành các mục tiêu ngắn và dài hạn của thương hiệu.
Linz Nguyễn, tổng hợp và lược dịch từ Marketing91