Xuất hiện tại Việt Nam chưa đầy 2 năm, nhưng ứng dụng Baemin đã sớm tỏ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị phần giao đồ ăn, khi liên tục tăng tốc, mở rộng thị trường tại các thành phố quan trọng gồm: TP. HCM, Hà Nội và sắp tới là Đà Nẵng.

Cụ thể, phía Baemin vừa cho phép các tài xế hiện sinh sống ở Đà Nẵng tham gia vào hoạt động đăng kí, giao hàng qua ứng dụng.

Dù chưa có thông báo chính thức, đại diện Baemin Việt Nam trước đó từng cho biết công ty sẽ mở rộng hoạt động tại Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ trong năm 2021 này.

Được biết, Đà Nẵng hiện cũng đang là thị trường 'đỏ lửa' với các ứng dụng giao đồ ăn, khi góp mặt các tay chơi lớn nhất như: Grab, Gojek, Now, Loship...

Theo thống kê của Qandme, Baemin hiện là ứng dụng "trẻ" nhất khi mới xuất hiện trên thị trường từ tháng 5/2019. Trước đó, Baemin bị các đối thủ bỏ lại khá xa. Tuy nhiên hiện tại Baemin đã chiếm thị phần lớn thứ ba, chỉ sau GrabFood và Now.

null Ứng dụng giao đồ ăn Baemin tiến vào thị trường miền Trung.


Tại Hàn Quốc, Baemin thực sự là một "thế lực", tiền thân là ứng dụng Baedal Minjok, ra mắt vào năm 2010. Sau này, các đơn đặt đồ ăn hàng tháng của ứng dụng đã tăng từ khoảng 5 triệu vào đầu năm 2015 lên hơn 20 triệu vào tháng 7 năm 2018.

Baedal Minjok cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng người dùng hoạt động hàng tháng từ 3 triệu lên 8 triệu trong cùng kỳ.

Gần đây nhất, vào ngày 21/12/2018, ứng dụng đã được đầu tư thêm 320 triệu USD từ Hillhouse Capital, Sequoia Capital và GIC nâng giá trị Woowa Brothers lên 2,6 tỷ USD.

Đầu năm 2020, Delivery Hero (Đức) chi 4 tỉ USD mua lại Woowa Brothers của Hàn Quốc. Tương tự các công ty đa quốc giá như Grab, hay Go-Jek, Baemin sở hữu tiềm lực tài chính dồi dào.

Cùng thời điểm, Woowa Brothers - đơn vị vận hành và phát triển ứng dụng Baemin thâu tóm Vietnammm. Đội ngũ vận hành ứng dụng Vietnammm trước đây cũng sẽ đảm nhiệm những vai trò mới tại Baemin Việt Nam.

null Baemin - Ứng dụng giao đồ ăn của kỳ lân Hàn Quốc Woowa Brothers.


Hiện tại, người tiêu dùng đang đón nhận các dịch vụ giao đồ ăn như một nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, các dịch vụ giao đồ ăn lại ngày càng được ưa chuộng, thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Minh chứng trong khi nhiều quốc gia áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, người dân hạn chế tới nơi công cộng để phòng ngừa Covid-19, thì các nhà hàng, quán ăn, tiệm giải khát buộc phải chuyển mình để tìm "cửa sống".

Phương án kết hợp với các ứng dụng giao đồ ăn, tuyển shipper, bán hàng online được thay thế cho cung cách phục vụ truyền thống - đón khách trực tiếp tại nhà hàng. Và điều này càng khiến các ứng dụng, phần mềm giao đồ ăn nở rộ.

Theo TheLEADER