Thời gian gần đây, những lùm xùm xung quanh việc “sao kê” của một số nghệ sĩ khiến cho xã hội dấy lên mối quan ngại về sự minh bạch của hầu hết mọi đối tượng.
Đối với những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, minh bạch chỉ là một phạm trù nhỏ.
Lãnh đạo ở Việt Nam và trên thế giới đâu đó đã thấm nhuần tư tưởng, chính trực mới chính là phẩm chất của một nhà lãnh đạo chân chính và là giá trị cốt lõi của những doanh nghiệp trường tồn.
“Chính trực là đức tính quý giá nhất và đáng được trân trọng nhất của một nhà lãnh đạo. Hãy luôn giữ lời hứa của mình”, Brian Tracy - Mega Guru về thành công, kinh doanh và hiệu suất, tác giả, chuyên gia đào tạo và phát triển cá nhân người Mỹ.
Nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi rằng tại sao Brian Tracy không đề cao tính trung thực ở nhà lãnh đạo mà thay vào đó là sự chính trực.
Sự khác nhau giữa trung thực và chính trực
Từ “integrity” (chính trực) xuất phát từ tiếng Latinh “integritas” có nghĩa là trọn vẹn và lành mạnh.
Theo từ điển Oxford, chính trực có nghĩa là phẩm chất của việc trung thực và có nguyên tắc đạo đức mạnh mẽ.
Nếu trung thực chỉ đơn thuần là sự phù hợp của lời nói với sự vật hiện tượng thì chính trực bao gồm cả việc hứa và thực hiện lời hứa, tuân theo các chuẩn mực đạo đức.
Hay nói cách khác, trung thực là điều kiện cần và hoàn thành lời hứa là điều kiện đủ của sự chính trực.
Chính trực là đức tính được hợp thành bởi sự trung thực và sự tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức một cách mạnh mẽ.
Oprah Winfrey từng nói: Sự chính trực thực sự là làm điều đúng, biết rằng không ai sẽ biết là bạn có làm hay không.
Vì thế, nếu trung thực là việc chúng ta xác minh một sự vật hiện tượng là đúng đắn với người khác thì phẩm chất cao đẹp của chính trực còn thể hiện ở việc bạn cần cam kết với chính mình. Điều này, quả thực không hề đơn giản.
Giá trị đem lại cho doanh nghiệp khi đặt chính trực làm giá trị cốt lõi
Sự chính trực của nhà lãnh đạo giống như nền móng vững chắc trong việc gây dựng nên doanh nghiệp thành công.
Một doanh nghiệp đặt đức tính chính trực làm “tâm’’ sẽ tạo dựng được “quyền uy” hay “quyền lực mềm’’, có được sự bằng lòng của nhân viên, lộ trình phát triển mang tính dài hạn hơn cũng như lan tỏa một văn hóa tốt đẹp trong nội bộ,...
Chữ “tín” được củng cố
Trong thế giới kinh doanh nói riêng hay trong các câu chuyện đời thường nói chung, uy tín là sinh tử.
Cụ thể, đối tác, khách hàng hay nhân viên đều có quyền được biết doanh nghiệp sẽ làm gì với đồng tiền và giá trị họ bỏ ra.
Do đó, ứng xử trên nền tảng chính trực sẽ tạo dựng được niềm tin lớn lao và chính doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ những mối quan hệ đó.
Hơn nữa, sự chính trực trong tác phong làm việc cũng giúp bản thân doanh nghiệp được “quảng cáo” gián tiếp và sẽ lan truyền nhanh hơn bất kỳ chiến lược marketing nào.
Sự bằng lòng của nhân viên
Một nghiên cứu tại trường Đại học Adelphi đã chỉ ra rằng nhận thức của nhân viên về sự chính trực trong hành vi của quản lý tỉ lệ thuận với sự thỏa mãn, năng nổ trong công việc cũng như sức khỏe và cuộc sống riêng tư.
Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp muốn hoàn thành xuất sắc mục tiêu xây dựng đội ngũ hạnh phúc thì điều kiện tiên quyết là hãy đặt chính trực làm tôn chỉ.
Phát triển dài hạn
Trong thương trường, dù ai đó có may mắn đến cỡ nào thì sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi.
Điều này khiến các nhà lãnh đạo, có lẽ đã từng nhiều lần phải tự mình đấu tranh tâm lý có nên đánh đổi một-chút-đức-tính để hái được quả ngọt ngay trước mắt hay không.
Lý do được cho là bởi, dù bất kể kinh doanh trong lĩnh vực nào, doanh nghiệp thi thoảng đều sẽ đứng trước cơ hội chọn đi đường tắt để giải quyết công việc bằng cách cư xử thiếu chính trực và ngược lại.
Đặc biệt trước các yêu cầu tất yếu của xã hội trong việc chuyển đổi số hay tốc độ hóa, tối ưu hóa, con đường tắt đôi khi lại là cách duy nhất.
Tuy nhiên, những nhà kinh doanh chân chính luôn hiểu rằng phát triển thành công một sự nghiệp, một doanh nghiệp là một nỗ lực đòi hỏi sự kiên trì lâu dài.
Vậy nên cách ứng xử chính trực có thể giúp doanh nghiệp có những bước đi chậm mà chắc và tiến tới sứ mệnh của cả một tập thể thay vì “gom củi 3 năm đốt 1 giờ”.
Phát triển văn hóa công ty theo chiều hướng tích cực
Theo ngôn từ chuyên môn về văn hoá doanh nghiệp của Edgar Schein, chính trực chỉ được coi là nét văn hoá doanh nghiệp khi và chỉ khi bản thân nó là “shared assumptions” – giá trị ngầm định, đối với đa số thành viên của tổ chức, đặc biệt ở đội ngũ lãnh đạo chủ chốt.
Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa chính trực nội bộ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang tạo cơ hội cho nhân viên của mình được quyết định công việc một cách đúng đắn và phù hợp.
Sự chính trực càng được lan rộng thì sự tin tưởng càng được củng cố chắc chắn hơn.
Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn trong cộng tác và làm việc nhóm, giúp giảm thiểu các tranh chấp không đáng có.
Thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp quy mô lớn và thành công trên toàn thế giới đều đề cao tính chính trực trong mô hình kinh doanh.
Điển hình như Tập đoàn Toyota đã bỏ ra số tiền có giá trị lớn lên tới hàng trăm triệu đô để thu hồi sản phẩm lỗi.
Doanh nghiệp này nhận thức được rằng tất cả những hỏng hóc của sản phẩm sẽ được tha thứ nếu ta thẳng thắn nhận lỗi và sửa sai thay vì nói dối, đổ lỗi cho bên sản xuất.
Quan trọng hơn cả, các nhà lãnh đạo không bao giờ cho phép bản thân được thỏa hiệp bất cứ điều gì vi phạm đến giá trị cốt lõi của cá nhân, tổ chức.
Hay dễ hiểu hơn, không bao giờ là “đủ” cho một lần thỏa hiệp với sự không chính trực.
Những dẫn dắt trên đây chỉ để nhấn mạnh một điều rằng không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu của nhiều lĩnh vực lại cùng đưa chính trực vào trong bộ giá trị cốt lõi và quy chuẩn hóa về mặt ứng xử trong và ngoài công ty.
Chưa có một số liệu cụ thể về việc sự chính trực của một doanh nghiệp tỉ lệ thuận với tầm vóc, giá trị tài sản hữu hình, vô hình.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu doanh nghiệp nào thực sự theo đuổi và thể hiện sự chính trực càng nhiều thì trước sau cũng sẽ gặt hái được nhiều “quả ngọt”.
Cùng điểm tên một vài doanh nghiệp đưa sự chính trực vào giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp
1. Vinamilk
Đầu tiên, không thể bỏ qua công ty sữa Việt Nam Vinamilk, doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành sữa cũng là doanh nghiệp luôn có mặt ở top đầu trong tất cả các cuộc bình chọn về kinh doanh.
45 năm xây dựng và phát triển, nhờ xây dựng được hình ảnh công ty theo đúng giá trị cốt lõi ban đầu: Chính trực - Tôn trọng - Công bằng - Đạo đức - Tuân thủ mà Vinamilk đã ngày một khẳng định vị thế khó doanh nghiệp nào có thể soán ngôi trên thương trường.
Chính trực đối với Vinamilk là sự liêm chính, trung thực trong ứng xử và trong tất cả các giao dịch.
Trong 3 cấp độ đặc trưng văn hóa của Vinamilk: bề nổi văn hóa Vinamilk, tầng trung gian của văn hóa Vinamilk và các giả định căn bản làm nền móng thì tính chính trực - một trong năm giá trị cốt lõi của Vinamilk thuộc cấp độ 2.
Đây là tầng khá quan trọng trong văn hóa nội bộ Vinamilk. Cấp độ này thể hiện triết lý, giá trị lõi và niềm tin đều được Ban lãnh đạo và toàn thể đội ngũ nhân viên đồng thuận.
Có thể nói, Vinamilk là một trong số ít các doanh nghiệp tiên phong và thành công xây dựng, bền bỉ lan tỏa rộng rãi văn hóa doanh nghiệp đặt phẩm chất chính trực làm lõi.
2. VnDirect
VnDirect được biết đến là một công ty chứng khoán tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Tài chính - Chứng khoán với đa dạng nghiệp vụ kinh doanh.
Ngoài ra, VnDirect cũng là một công ty nằm trong top 4 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất Việt Nam.
Với VnDirect, đạo đức chính trực là giá trị cốt lõi đầu tiên của mỗi cá thể thuộc VnDirect.
Bởi doanh nghiệp hiểu được rằng chỉ có chính trực và sự cam kết tôn trọng mới giúp công ty tự tin xây dựng uy tín dịch vụ và các giá trị bền vững của một tập thể.
3. Newtecons
Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Newtecons được biết đến là một trong những đơn vị uy tín trong lĩnh vực thi công xây dựng với đa dạng các loại hình công trình.
Newtecons cũng chính là một ví dụ cho những doanh nghiệp lớn theo đuổi sự chính trực.
Newtecons xác định con người là nhân tố chính tạo mang lại thành công trong sự phát triển của công ty và đưa tính chính trực làm giá trị cốt lõi. Sự chính trực luôn phải hiện hữu trong mỗi hoạt động của công ty.
4. Thế Giới Di Động
Thế Giới Di Động, thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần Thế giới di động, là một tập đoàn bán lẻ tại Việt Nam với lĩnh vực kinh doanh chính là bán lẻ điện thoại di động, thiết bị số và điện tử tiêu dùng.
Tương tự ba doanh nghiệp trên, Thế Giới Di Động cũng đưa đức tính chính trực làm giá trị cốt lõi trong văn hóa công ty.
Cựu nhân viên làm việc tại Thế Giới Di Động cho biết rằng “Làm mất tiền, thiệt hại cho công ty có thể không bị đuổi việc nhưng vi phạm giá trị cốt lõi thì khả năng thôi việc rất cao.”
Chia sẻ trong buổi học nội bộ về Integrity, Giám đốc nhân sự của Thế Giới Di Động có minh hoạ sự chính trực giống như cái bánh xe, mỗi người trong công ty như 1 cái căm xe trong bánh xe. Khi bánh xe được trọn vẹn thì sẽ quay đều tới trước. Nhưng chỉ cần 1 cái căm xe bị thiếu thì bánh xe sẽ khó mà quay đều như trước nữa.
Chính vì lẽ đó, sự chính trực được thực hiện sâu sắc từ Chủ tịch HĐQT cho đến từng nhân viên trong công ty.
Và đây cũng chính là chìa khóa thành công khi tạo được một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc, trong đó lấy sự chính trực làm cốt lõi.
5. YODY
Dù là thương hiệu thời trang quốc dân mới nổi nhưng YODY đã và đang thực hiện và lan tỏa thành công sự chính trực trong toàn thể đội ngũ.
Điều thú vị ở văn hóa doanh nghiệp của YODY chính là sự đề phòng và khuyên răn nhân viên trong trường hợp xấu nhất.
“Khi đã nỗ lực hết sức mà thấy nguy cơ không thể giữ lời thì ngay lập tức thông tin cho những người có liên quan, chịu trách nhiệm, dọn dẹp hậu quả và đưa ra lời hứa mới” - trích trong 6 giá trị cốt lõi của hãng thời trang YODY.
Đội ngũ YODY luôn áp dụng giá trị cốt lõi trong cung cách làm việc với đồng nghiệp hay khi gặp gỡ, giao tiếp và tư vấn khách hàng.
Đây chính một trong những điểm then chốt giúp YODY dần ghi điểm trong mắt người tiêu dùng Việt.
YODY cũng đã đăng tải một video do chính công ty làm về Giá trị lời hứa trong nội bộ doanh nghiệp cũng như trong cuộc sống.
Tuy nhiên, một ông lớn đi đầu trong lĩnh vực nước giải khát và cũng đưa tính chính trực vào giá trị cốt lõi doanh nghiệp nhưng lại có khá nhiều câu chuyện đáng để suy ngẫm lại.
Dù ra đời từ năm 1994 nhưng phải đến 16 năm sau, Tân Hiệp Phát mới hoàn thành bộ giá trị cốt lõi với 7 nguyên tắc rõ ràng, trong đó bao gồm sự chính trực.
Chính trực tại Tân Hiệp Phát là trân trọng và giữ lời cam kết, lời nói đi đôi việc làm.
Thế nhưng câu chuyện con ruồi trong chai Number One vào năm 2014 của Tân Hiệp Phát đã khiến dân tình đặt một dấu chấm hỏi lớn về sự chính trực, ngay thẳng của Tân Hiệp Phát trong khâu sản xuất.
Tiếp đó, cách xử lý khủng hoảng truyền thông của Tân Hiệp Phát cũng chưa thực sự khôn ngoan khi ngay lập tức đối đầu trực diện với người tiêu dùng, với khách hàng.
Do đó giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát không được nhìn nhận rõ nét bởi chính doanh nghiệp đã không đặt sức khỏe người tiêu dùng lên đầu bằng cách thu hồi sản phẩm và tìm hiểu kĩ càng nguyên nhân.
Bên cạnh các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt giá trị cốt lõi được đề ra thì có một số doanh nghiệp cũng “đưa” sự chính trực vào trong văn hóa doanh nghiệp nhưng lại chưa thực sự được công chúng nhìn nhận rõ nét
1. GAMA Việt Nam
Năm 2007, GAMA Việt Nam khởi nghiệp từ một căn phòng nhỏ diện tích chỉ vỏn vẹn 8m2 thành một công ty thang máy hàng đầu Việt Nam, với sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao ghi dấu ấn tốt đẹp với người tiêu dùng.
Để có thể hoàn thành sứ mệnh kiến tạo nên những điều vĩ đại, GAMA Việt Nam đã đặt ra 5 giá trị cốt lõi của công ty: sáng tạo, khát vọng, có ích cho cộng đồng, chính trực và năng động.
Chính trực trong GAMA là sự ưu tiên lợi ích tập thể lên trên cá nhân, đặt chữ tín hàng đầu, lời nói đi đôi với việc làm và tạo niềm tin cho đồng nghiệp, đối tác khách hàng.
2. Đất Xanh Miền Nam
Đất Xanh Miền Nam là một công ty kinh doanh lĩnh vực bất động sản được thành lập từ năm 2009.
Trải qua 12 năm hình thành và phát triển, Đất Xanh Miền Nam giờ đây đã trở thành đơn vị phân phối bất động sản uy tín hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Với tầm nhìn trở thành công ty đầu tư kinh doanh dịch vụ bất động sản uy tín và chuyên nghiệp cùng với sứ mệnh nâng cao giá trị cuộc sống, Đất Xanh Miền Nam đã đặt ra 4 giá trị cốt lõi cùng nhân viên thực hiện và lan tỏa.
Khát vọng, chuyên nghiệp, chính trực và nhân văn là 4 giá trị cốt lõi mà Đất Xanh Miền Nam đã xây dựng từ những ngày đầu gây dựng doanh nghiệp.
3. Bình Sơn
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Bình Sơn giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam. Đồng thời là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng co trong lĩnh vực này.
Đi cùng những năm tháng phát triển là tầm nhìn của Bình Sơn phấn đấu trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực lọc hóa dầu thế giới.
Đặc biệt, 5 giá trị cốt lõi cũng được Bình Sơn rõ ràng chỉ ra: chính trực, cống hiến, khát khao học hỏi, quyết liệt và đoàn kết.
Sự chính trực mà Bình Sơn đề ra chính là trung thực với chính bản thân và mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, luôn giữ thái độ tôn trọng mọi cam kết và ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức cao nhất.
Giải thích về việc vì sao những doanh nghiệp này lại chưa được cảm nhận sự “chính trực” một cách rõ nét có thể quy về nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Giả định rằng, trong một số trường hợp, sự thể hiện phẩm chất đó chưa đủ nhiều, sâu rộng và chân thực tới mức “hữu xạ tự nhiên hương” khiến cộng đồng phải tự nguyện “viral”.
Và cũng không loại trừ trong một số trường hợp, chính trực trở thành “trào lưu” hay câu cửa miệng của một số người và việc đưa vào trong giá trị cốt lõi đôi khi cũng chỉ là “để có đăng lên website”.
Có thể nhận thấy, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, dù được công chúng nhìn nhận rõ nét hay không thì phẩm chất chính trực luôn được các công ty, các tập đoàn đưa vào giá trị cốt lõi để củng cố uy tín cũng như đưa doanh nghiệp từng bước tăng trưởng vững chắc và lâu dài.