Cụ thể, 5 xu hướng ESG này bao gồm:

- Chú trọng đến đạo đức và tính chính trực;
- Tập trung vào chuỗi cung ứng;
- Chuyển đổi lực lượng lao động;
- Sự hòa nhập và trao quyền cho các dân tộc bản địa;
- Thời đại không chắc chắn.

null

1. Ngày càng chú trọng đến đạo đức và tính chính trực - Giải quyết vấn đề bền vững và xây dựng niềm tin doanh nghiệp 

Hơn 60% người dân đang mua sắm dựa trên các tiêu chí bền vững và đạo đức, và con số này đang tăng 10% mỗi năm. 

Họ cũng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm được sản xuất bền vững và có nguồn gốc hợp pháp.

Đồng thời, người tiêu dùng, nhà đầu tư, nhân viên và các cơ quan quản lý đang trở nên cảnh giác hơn bao giờ hết đối với tuyên bố ESG sai hoặc phóng đại.

Thay vì phóng đại tiến độ, các doanh nghiệp nên tập trung vào việc tăng tính minh bạch trong quy trình thực hiện và chuỗi cung ứng, chứng minh cách họ biến tham vọng thành hành động và công khai mọi tuyên bố về ESG thông qua các khuôn khổ báo cáo uy tín và sự đảm bảo của bên thứ ba.

Các nhà đầu tư cũng ngày càng mong muốn giải quyết các vấn đề bền vững và có thể sẽ phân tích dựa trên dữ liệu đáng tin cậy để đưa ra quyết định đầu tư ESG. 

Vậy nên, dữ liệu và công nghệ, bao gồm cả các công cụ phân tích, đang trở thành trọng tâm trong các quyết định của nhà đầu tư.


2. Tập trung vào chuỗi cung ứng - Ưu tiên an ninh, khả năng phục hồi và minh bạch

Năm nay, các doanh nghiệp được dự đoán sẽ ngày càng nâng cao tính bền vững, tính minh bạch, khả năng phục hồi, an ninh mạng và đổi mới công nghệ của chuỗi cung ứng. 

Chuỗi cung ứng tiếp tục chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ người tiêu dùng và nhà đầu tư - từ khí thải và tác động môi trường cho đến các hoạt động quản lý và lao động. 

Theo báo cáo năm 2021, khảo sát trên 8.000 công ty, lượng khí thải trong chuỗi cung ứng lớn hơn 11 lần so với hoạt động kinh doanh. 

Vậy nên, hướng tới chuỗi cung ứng Carbon thấp hơn là ưu tiên quan trọng trong nỗ lực của bất kỳ tổ chức nào nhằm giảm toàn bộ lượng khí thải của mình.

Đồng thời, chuyển đổi số giúp chuỗi cung ứng đối phó tốt hơn với sự gián đoạn, nhưng cũng làm tăng những rủi ro về tội phạm mạng.

Từ những vấn đề trên, các doanh nghiệp nên tìm hiểu sâu về điểm mạnh và điểm yếu của chuỗi cung ứng, đồng thời, bắt đầu xây dựng các kỹ năng và thu thập dữ liệu liên quan.

Việc xem xét kỹ lưỡng cách các nhà cung cấp đang tiến triển như thế nào trong hành trình ESG mang lại tiềm năng nâng cao tính bền vững trong toàn bộ chuỗi - và đưa vào các cải tiến, công nghệ, hiệu quả và tính tuần hoàn mới.


3. Chuyển đổi lực lượng lao động - Cần có những hành động mạnh mẽ

Là một phần của hoạt động ESG, các doanh nghiệp sẽ phải chứng minh rằng họ coi trọng nhân sự của mình và đảm bảo đối xử công bằng và tạo điều kiện phát triển cho nhân viên, không chỉ cho những người họ chịu trách nhiệm trực tiếp mà còn cho toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.

Ngoài những thay đổi về cơ cấu, các chương trình nâng cao kỹ năng và tính bền vững của nhân viên, các doanh nghiệp cũng cần ưu tiên văn hóa tổ chức và trải nghiệm nhân viên.

Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về thực tế văn hóa, đặt ra những khát vọng văn hóa rõ ràng nhằm hỗ trợ sự bền vững và thúc đẩy thay đổi hành vi của họ.

Ngoài ra, khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển đổi số tăng tốc, các kỹ năng mới sẽ cần thiết trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi số lượng việc làm trong nền kinh tế xanh tăng lên, áp lực tuyển dụng đối với các công ty sẽ tăng lên, đặc biệt là trong việc tuyển dụng những vị trí có tay nghề cao.  

Hiện tại, nhiều công ty năng lượng tái tạo nhận thấy rằng ứng viên thiếu kinh nghiệm hoặc trình độ cần thiết để nắm bắt các cơ hội sẵn có.

Đào tạo sẽ rất quan trọng để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.

Đặc biệt khi ước tính có khoảng 59% cơ hội việc làm trong quá trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn 2025-2050 dự kiến sẽ là những vai trò có tay nghề cao hơn như kỹ thuật viên và công nhân thương mại, chuyên gia và nhà quản lý.

Đối với các ngành công nghiệp đang suy yếu, doanh nghiệp và nhà quản lý sẽ cần phải hợp tác để tạo việc làm có ý nghĩa và kịp thời cho những người lao động bị mất việc, hỗ trợ tái bố trí và đào tạo lại cũng như duy trì cơ hội và hoạt động kinh tế trong các cộng đồng khu vực bị ảnh hưởng.

Nhìn chung, báo cáo khuyến nghị các doanh nghiệp phải có những hành động mạnh mẽ trong năm nay, để đưa ESG vào tất cả các chức năng của doanh nghiệp và kết hợp nó vào các giá trị và văn hóa doanh nghiệp.


4. Sự hòa nhập và trao quyền cho các dân tộc bản địa - Tin tưởng, tôn trọng và cùng có lợi

Đối với Úc và một số quốc gia đặc thù, việc tăng cường sự hòa nhập với các dân tộc bản địa được đánh giá cao, trong đó, lưu ý vào việc đồng đầu tư và đồng sở hữu để mang lại kết quả kinh tế cùng có lợi.

Các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này sẽ có nhiều điều kiện để đạt được sự tin cậy và ủng hộ của cộng đồng, thu hút và giữ chân những nhân tài, đồng thời, có thể tận dụng các cơ hội thương mại mới và quan hệ đối tác. 

5. Thời đại không chắc chắn - Các quy định luôn thay đổi

Vào năm 2023, các chính sách và quy định ở Úc cũng như trên toàn thế giới đang thay đổi để bảo vệ an ninh năng lượng của quốc gia, ổn định và củng cố chuỗi cung ứng, tận dụng các cơ hội của quá trình chuyển đổi năng lượng.

Với những thay đổi gần đây về cơ chế, những nước có lượng phát thải cao nên tìm cách giảm lượng khí thải nhiều hơn.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần làm rõ quan điểm, chiến lược, kế hoạch của mình và xem xét các lựa chọn thay thế tiềm năng để có thể thích ứng linh hoạt với một thời đại không có sự chắc chắn.


Lời kết

Bên trên là 5 xu hướng ESG được đề xuất cho các doanh nghiệp tại Úc theo dõi trong năm 2023, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan có thể tham khảo và áp dụng.

Đọc thêm và tải báo cáo của PwC Australia tại đây.