Trong thời đại Marketing 5.0, khái niệm “vị nhân sinh" không chỉ có ý kêu gọi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà chủ yếu nói về cách ứng dụng công nghệ để phục vụ con người.
Điều nhấn mạnh ở đây là khái niệm con người lớn hơn tư duy về khách hàng.
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng hiện nay không còn chỉ đơn thuần là giao dịch mua và bán mà còn là sự trải nghiệm xuyên suốt hành trình từ khi nhận biết, quan tâm về thương hiệu cho đến việc mua, sử dụng và ủng hộ thương hiệu.
“Vị nhân sinh” trong kinh doanh: khi các doanh nghiệp theo đuổi các giá trị đạo đức mới
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng
Trước những tác động mạnh mẽ từ đại dịch, biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên, cùng những vấn đề về công bằng xã hội ngày càng trở nên rõ rệt doanh nghiệp không còn thể đứng ngoài trước những sự dịch chuyển này.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về tác động của mình lên xã hội, cũng như những lợi ích có thể đem lại cho cộng đồng.
Doanh nghiệp tạo tác động xã hội không còn là một khái niệm xa vời mà ngày càng được chú ý và có xu hướng gia tăng, nhất là tại các quốc gia hướng đến phát triển bền vững.
Doanh nghiệp tồn tại không đơn thuần chỉ nhờ vào doanh số mà khách hàng cũng là yếu tố “sống còn”, bởi trong thời đại ngày nay, họ không chỉ là người tiêu dùng, khách hàng còn là VUA (Customer is King).
Doanh nghiệp “vị nhân sinh" ngày càng được quan tâm
Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội có thể có hoặc phi lợi nhuận, ưu tiên những hoạt động đáp ứng hay hướng đến đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng địa phương, quốc tế, theo phương thức có chủ đích, hệ thống và bền vững.
Hiện tại, không ít doanh nghiệp đã thích ứng và thay đổi nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Theo đó, nhân viên cũng như nhà đầu tư cũng dần có xu hướng quan tâm hơn đến "phát triển bền vững".
Chiều hướng gia tăng của doanh nghiệp tạo tác động xã hội còn được thúc đẩy bởi sự quan tâm của nhà đầu tư bởi đánh giá qua tác động đến xã hội và môi trường.
Theo một báo cáo năm 2021 của Liên minh Đầu tư Bền vững Toàn cầu, khoản đầu tư bền vững tại 5 thị trường lớn nhất thế giới khoảng 35.300 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng lượng vốn đầu tư.
Khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội được ước tính đạt giá trị 12.000 tỷ USD toàn cầu và có thể tạo ra 380 triệu việc làm tính đến năm 2030.
Qua việc hỗ trợ và hợp tác với các doanh nghiệp này, những doanh nghiệp khác cũng có thể tạo ra thay đổi tích cực cho xã hội.
Các hoạt động kinh doanh “vị nhân sinh" - “lấy khách hàng là trọng tâm phát triển"
1. CSR - Khởi nguyên của trách nhiệm xã hội
Thực hiện các hoạt động thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và sử dụng PR đúng lúc là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp trở thành “thương hiệu trách nhiệm”.
CSR (Corporate Social Responsibility) là tập hợp những hoạt động có trách nhiệm, tập trung vào 4 nhân tố chính phục vụ cho thành công của doanh nghiệp là người lao động, môi trường, xã hội và khách hàng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trách nhiệm phải được xem là yếu tố căn bản trong chiến lược đầu tư lâu dài cho hình ảnh của thương hiệu.
Khi thành công, CSR sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra một thứ ánh sáng dịu nhẹ để thu hút khách hàng, chứ không phải là thứ ánh sáng khiến người tiêu dùng bị lóa mắt và tiêu dùng sản phẩm của mình.
Thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã trở thành một trong những tâm điểm để doanh nghiệp có thể khai thác trong kinh doanh và tuyển dụng.
Các chiến dịch CSR cho thấy sự chân thành, thiện chí và sự đóng góp của doanh nghiệp cho xã hội. Qua đó, hình ảnh tích cực được tạo dựng và góp phần giúp cái “hiệu” của doanh nghiệp được “thương” nhiều hơn.
Ford: Chiến dịch “Share the road" bảo vệ người đi xe đạp
Tận dụng yếu tố công nghệ, Ford đã tung ra chiến dịch “Share The Road" có sự hỗ trợ của các thiết bị VR (thực tế ảo), nhằm mục đích cải thiện sự an toàn đường bộ dành riêng cho người đi xe đạp.
Được biết, người đi xe đạp trên đường gặp phải nhiều mối hiểm nguy từ việc “cá lớn nuốt cá bé" của các phương tiện khác.
Chiến dịch đã đem đến một trải nghiệm thực tế ảo Wheel Swap và sử dụng VR để làm tăng sự đồng cảm áp dụng cho cả người lái xe ô tô và người đi xe đạp.
Họ sẽ hiểu những cảm xúc, góc nhìn, thái độ khi điều khiển phương tiện, qua đó sẽ dễ đồng cảm và thay đổi cách họ xử lý các tình huống trên đường đi.
Chiến dịch truyền thông này đã thể hiện được trách nhiệm xã hội của Ford - một nhà sản xuất ô tô không chỉ ưu tiên cho việc phát triển các phương tiện di chuyển hiện đại mà còn rất quan tâm đến sự an toàn đường bộ cho người đi đường.
Toms Shoes: Không làm việc tốt một mình
Với mỗi đôi giày bán được, TOMS Shoes sẽ dành tặng một đôi giày cho trẻ em nghèo.
Chủ tịch hãng giày này chia sẻ “Cái mà mọi người thích nhất là ý tưởng “One for One" của chúng tôi, họ mua một món nào đó và cùng với việc này, họ có thể giúp đỡ người khác”.
Tuy nhiên, câu chuyện của TOMS Shoe không chỉ dừng lại ở CSR mà còn ở cách thông điệp được truyền tải.
Ở kỷ nguyên Marketing 3.0, người tiêu dùng tin rằng đồng tiền bỏ ra không chỉ thỏa mãn nhu cầu của mình mà còn góp phần cải tạo môi trường, gìn giữ thiên nhiên, phát triển và đảm bảo công bằng xã hội, phát triển bền vững.
Đó chính là những trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp nên làm nổi bật, đặc biệt là trong các hoạt động truyền thông thương hiệu của mình.
2. Mô hình doanh nghiệp xã hội - lối đi mới để tăng trưởng lợi nhuận
Doanh nghiệp xã hội được hình thành từ các sáng kiến xã hội, trên nền tảng nhu cầu giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể của cộng đồng, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân của những người sáng lập.
Các doanh nghiệp xã hội ngoài việc đóng góp vào ngân sách nhà nước còn đóng góp phát triển sản phẩm và dịch vụ giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội cho người nghèo, thu mua sản phẩm, nguyên vật liệu từ những đối tượng ít có cơ hội bán hàng ra thị trường, và nhất là tạo công ăn việc làm cho đối tượng người thiếu may mắn.
Điển hình tại Việt Nam, trường đào tạo nghề KOTO (Know One Teach One) được xây dựng theo mô hình doanh nghiệp xã hội được sáng lập bởi ông Jimmy Phạm.
KOTO - nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo Việt Nam
Tới nay, KOTO đã phát triển thành một doanh nghiệp xã hội và phục vụ hơn một triệu thực khách với 120 nhân viên – trong đó có 60 nhân viên là cựu học viên KOTO.
KOTO hiện có khả năng cung cấp các khóa đào tạo được cấp chứng chỉ nghề quốc tế của Úc cho gần 140 trẻ em cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm.
Hiện nay, KOTO là mái nhà của hơn 1000 trẻ em, chắp cánh cho nhiều ước mơ bay xa và trở về giúp đỡ trung tâm trong vai trò quản lý, lãnh đạo.
3. ESG - Đỉnh cao của quản trị và tạo lợi thế cạnh tranh
ESG tập trung vào ba yếu tố chính gồm: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị công ty (G).
Tiêu chí Môi trường xem xét các khía cạnh về năng lượng, chất thải, bảo tồn tài nguyên…
Tiêu chí Xã hội xem xét công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như: Quan hệ với cộng đồng, quan hệ với đối tác, nhà cung cấp, khách hàng… cùng các khía cạnh về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên.
Tiêu chí Quản trị đánh giá về phương pháp kế toán, tính minh bạch và quyền lợi của cổ đông trong các vấn đề quan trọng, quản lý xung đột lợi ích…
Thông qua phân tích ESG - 3 yếu tố nền tảng của phát triển bền vững, nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về chất lượng quản lý, tiềm năng phát triển trong tương lai, uy tín và tính bền vững của các doanh nghiệp, từ đó xác định được các cơ hội đầu tư có khả năng đem lại giá trị về dài hạn.
Vì vậy, ESG nhanh chóng trở thành xu hướng, nhất là khi có những nghiên cứu chỉ ra rằng, quản trị công ty tốt có liên quan tới kết quả hoạt động tốt.
Đầu tư có trách nhiệm (Responsible Investment) là một phương pháp đầu tư dựa trên sự nhận biết rõ ràng của nhà đầu tư đối với vấn đề ESG.
Vinamilk - kinh tế tuần hoàn, tăng cường năng lượng xanh và mô hình quản trị hiện đại
Là doanh nghiệp sản xuất và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Vinamilk đang trong quá trình đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng xanh như CNG, Biomass, năng lượng mặt trời…
Ngoài ra, Vinamilk còn đồng hành cùng cuộc chiến chống dịch của cả nước ngay từ những ngày đầu, chia sẻ những giá trị tài chính và phi tài chính cùng nhiều bên.
Việc thiết lập mô hình 3 tuyến phòng vệ giúp đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan và độc lập trong việc đánh giá các quy trình quản lý quản trị tại Vinamilk.
Theo báo cáo tài chính quý II mới công bố, vượt “bão COVID-19”, Vinamilk ghi nhận doanh thu cao kỷ lục 15.729 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đã hoàn thành 47% kế hoạch năm.
4. SIB - Mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội mang lại giá trị lớn
Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội (Social Impact Business - SIB) là tổ chức ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/ môi trường là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức.
Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội/môi trường với mô hình thương mại cho phép loại hình tổ chức này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững.
Điển hình, các startup trẻ ngày càng ưu tiên lựa chọn hướng khởi nghiệp nhằm giải quyết những tồn tại của xã hội như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, công ăn việc làm cho người yếu thế…
5. Human Technology - Công nghệ vị nhân sinh thay đổi cuộc sống
COVID-19 gây ra nhiều tổn thất cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong toàn xã hội.
“Vaccine số" FPT eCovax - công nghệ tái thiết toàn diện hậu đại dịch COVID-19
Với mong muốn giúp các doanh nghiệp tăng sức đề kháng, đối chọi với đại dịch, FPT đã khởi xướng chương trình FPT eCovax - Vaccine số cho doanh nghiệp.
FPT eCovax giúp doanh nghiệp tiến đến mô hình doanh nghiệp xanh an toàn, linh hoạt thông qua việc giải quyết những vấn đề cốt lõi như: kinh doanh không chạm - không gián đoạn, môi trường làm việc xanh toàn diện, chủ động thích ứng với mọi biến động.
Bên cạnh đó, FPT cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Airbus để đưa các công nghệ như AI, Machine Learning, Cloud... vào các bộ giải pháp giúp các hãng hàng không trên toàn cầu tối ưu hoá vận hành phục hồi, phát triển kinh doanh trong bình thường mới.
Hay với tập đoàn lớn nhất của Mỹ về kinh doanh và dịch vụ liên quan đến ô tô - Automotive Cox
Hơn 1.300 nhân sự của FPT tại 5 quốc gia đang đồng hành cùng tập đoàn này đưa toàn bộ các giao dịch lên trực tuyến, tích hợp công nghệ Big Data và Cloud trên các nền tảng đang hoạt động hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.
“Vị nhân sinh" - khi các doanh nghiệp phát huy chiến lược kinh doanh một cách toàn diện
Các doanh nghiệp ngày nay phải đối mặt với nhiều loại rủi ro đến từ thiên tai, các vấn đề môi trường, luật pháp và quy định phức tạp yêu cầu tìm kiếm những cách thức nhận diện, quản lý tốt các loại rủi ro.
Sau những biến động do suy thoái môi trường, đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp càng nhận ra mô hình “vị nhân sinh", phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm sẽ là hệ giá trị mới giúp vượt qua biến động, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thương hiệu.
Anh Thư - Trends Việt Nam