Ông Hoàng Tuấn Anh, CEO PHGLock Việt Nam.
Ông Hoàng Tuấn Anh, CEO PHGLock Việt Nam.

Lịch trình của Hoàng Tuấn Anh trong những tháng cách ly xã hội dày đặc hơn hẳn ngày thường.

7h sáng, CEO PHGLock đến giám sát hoạt động của hệ thống ba máy ATM gạo chạy 24/7 ngay trước cửa công ty, nơi có ít nhất 30 người dân đang xếp hàng nhận gạo từ lúc nắng còn chưa lên.

Tiếp đó ông vòng ra phía sân sau, chăm chú xem xét hàng chục kỹ thuật viên đang cần mẫn hàn, tiện, lắp ráp và di chuyển những bồn inox lớn ra khỏi phòng thí nghiệm để tạo nên máy ATM gạo - sáng kiến từ thiện nhận được nhiều sự chú ý nhất trong mùa dịch COVID-19.

Cuộc phỏng vấn tại văn phòng cuối tháng Tư nhiều lần bị ngắt quãng vì các cuộc gọi từ những nhà hảo tâm mong muốn góp sức cho dự án ATM gạo.

Ông Hoàng Tuấn Anh, phong thái trầm tĩnh song không giấu được vẻ mệt mỏi, cho biết, từ ngày ra mắt ATM gạo, ông chỉ chợp mắt chừng ba tiếng một ngày.

“Ăn là nhu cầu cơ bản. Mình có thể không cần mặc đẹp, giải trí, nhưng không thể không ăn. Một khi đói con người có thể làm việc xấu,” ông Tuấn Anh giải thích vì sao có ý tưởng tạo nên cỗ máy phát gạo cho người nghèo mùa dịch.

Cấu tạo mỗi chiếc ATM gạo gồm một bồn chứa được đặt trên mái nhà và hệ thống ống dẫn.

Trụ máy đặt trên vỉa hè kết nối với một nút ấn để mỗi lần bấm gạo sẽ chảy ra khoảng 1,5kg.

Trong mùa dịch, trước khi đứng vào hàng, người nhận sẽ cởi nón, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn tại khu vực ngoài, sau đó được tình nguyện viên hướng dẫn đứng chờ ở vị trí đảm bảo khoảng cách an toàn.

Các bộ phận của ATM gạo được tận dụng từ những cỗ máy trị giá hơn một tỉ đồng trong phòng thí nghiệm PHGLock Việt Nam.

Việc sản xuất một cỗ máy ATM gạo mất trung bình khoảng tám tiếng đồng hồ, với sản phẩm đạt tiêu chuẩn công nghiệp, đủ bền bỉ để chạy 24/7 và phát gạo cho khoảng 5.000 người mỗi ngày.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, PHGLock Việt Nam trực tiếp quản lý ba máy ATM gạo đặt trước cổng trụ sở công ty ở Tân Phú.

Công ty hỗ trợ công nghệ cũng như quy trình vận hành máy cho các đơn vị nhà nước và cá thể tại 37 điểm phát gạo với quy mô 100 máy, phát được xấp xỉ 3.000 tấn gạo cho một triệu lượt người gặp khó tại nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc trong tháng 4/2020.

untitled_kdus-min

2020 là một năm đặc biệt với ông Hoàng Tuấn Anh khi dự án ATM gạo gây tiếng vang, thu hút các hãng thông tấn quốc tế như Bloomberg, Reuters, CNN… tới phỏng vấn.

Năm nay cũng là dấu mốc 10 năm ông thành lập công ty phân phối khóa điện tử PHGLock Việt Nam.

Doanh nghiệp này hiện đang chiếm 20% thị phần, quy mô khoảng 100 nhân viên, mang lại doanh thu xấp xỉ 100 tỉ đồng năm 2019, theo tự bạch.

Sản phẩm PHGLock Việt Nam phân phối được thiết kế và ứng dụng công nghệ của đối tác PHGLock tại Úc.

Tuy nhiên, khi sử dụng ở Việt Nam phải có điều chỉnh do khác biệt trong vật liệu, số lượng bản lề lắp cửa có khác biệt.

“Tôi nhận ra khóa inox chính là đáp án phù hợp cho thị trường Việt. Bên Úc đã mất 2-3 năm để ra được thiết kế và công nghệ dùng cho sản phẩm theo đúng yêu cầu của tôi.

Công ty tôi phụ trách phát triển thị trường Đông Nam Á, vậy nên số lượng sản phẩm đặt khá đáng kể và nhận được ưu tiên,” ông Tuấn Anh cho biết.

Chọn phân khúc chính là các sản phẩm tầm trung với mức giá dao động từ 1 - 3 triệu đồng, PHGLock Việt Nam có phòng thí nghiệm, kiểm chuẩn đặt trong khuôn viên văn phòng nằm trên khu đất diện tích 10 ngàn m2 thuộc sở hữu gia đình tại quận Tân Phú.

Ông chia sẻ: "Tôi tiết kiệm chi phí quảng cáo, tiếp thị trên để đầu tư vào kiểm soát chất lượng sản phẩm.”

Trước khi về quê nhà thành lập PHGLock Việt Nam năm 2010, Hoàng Tuấn Anh từng có thời gian sinh sống, học tập và làm việc tại Úc.

Trong thời gian đi học, sinh viên Hoàng Tuấn Anh tham gia bán hàng trên eBay. “Năm 22 tuổi, tôi thuyết phục và được Samsung đặt ra yêu cầu phải đạt doanh số 200 ngàn đô la Úc mỗi tháng thì mới tiếp tục hợp tác.”

Tháng đó Tuấn Anh đã bán được hơn 250.000 đô la Úc. Số tiền kiếm được trong sáu tháng đủ để Tuấn Anh sắm xe hơi.

Khi chính phủ Úc có chương trình tài trợ nhập khẩu và lắp đặt các tấm cách nhiệt trị giá hai tỉ đô la Úc kéo dài hai năm, Tuấn Anh tham gia.

Kinh doanh đang thuận lợi, chính sách thay đổi, 50 container trị giá hơn triệu đô la Úc của Hoàng Tuấn Anh còn đang lênh đênh trên biển.
Chàng trai 25 tuổi khi ấy gần như mất trắng, quay về Việt Nam lập nghiệp với khóa điện tử.

Quá trình vận hành dự án từ thiện ATM gạo không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Cuối tháng 4/2020, một điểm phát gạo từ chối phát gạo cho một thiếu niên.

Sự việc bị một vài YouTuber quay clip và phát tán trên mạng xã hội, trong khi một vài tài khoản tự xưng là nhân viên dự án đã chia sẻ những bài đăng có nội dung kỳ thị thiếu niên trên. 

Ít nhất 100 ATM gạo đã xuất hiện ở Việt Nam.
Ít nhất 100 ATM gạo đã xuất hiện ở Việt Nam.

“Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã vào cuộc với tinh thần sẻ chia vì cộng đồng.

Chúng tôi xin khẳng định, các nội dung chia sẻ mang tính phân biệt, kỳ thị là hoàn toàn giả mạo.

Các tài khoản mạng xã hội này không phải là nhân viên của chúng tôi,” ông Hoàng Tuấn Anh phát biểu trên trang Facebook cá nhân ngay sau đó, đồng thời bày tỏ mong muốn được hỗ trợ việc làm cho thiếu niên này tại điểm phát gạo của công ty.

“Sơ suất này là điều chúng tôi không mong muốn,” vị CEO nói với Forbes Việt Nam.

“Chứng kiến số lượng người tới nhận gạo ngày càng đông, chúng tôi càng có thêm động lực để hoàn thành mục tiêu 100 ATM gạo của mình.”

Ông Tuấn Anh cũng khẳng định những gì xảy ra sẽ không là trở ngại quá lớn để bản thân và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện những dự án thiện nguyện trong tương lai.  

Giữa tháng 5/2020, doanh nghiệp của ông Tuấn Anh đã tặng bốn ATM gạo cho Campuchia thông qua Bộ Ngoại giao, đồng thời sẽ tiếp tục tặng máy cho Ấn Độ, Đông Timor, Phillipines và Cuba trong thời gian tới.

Đến giữa tháng 7/2020, dự án ATM gạo của PHGLock Việt Nam bước vào giai đoạn bàn giao máy.

Trong số 100 máy được công ty hỗ trợ trong mùa dịch, một số vẫn đang hoạt động dựa vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm ở địa phương.

Hiện doanh nghiệp của ông Hoàng Tuấn Anh đang vận hành quỹ ATM gạo, với 2% lợi nhuận công ty được trích ra để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là người già và trẻ mồ côi.

“Đó là thứ có thể giúp thế hệ con cháu tự hào về mình, như tôi tự hào về người bố đã dành 17 năm giúp đỡ những người bị bệnh phong cho tới khi căn bệnh này biến mất khỏi miền Nam,” ông Tuấn Anh nói.