Ngày 29/10, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức hội thảo “Từ thiện phát triển – Xu hướng trong và sau COVID-19” nhằm thảo luận và đánh giá về các xu hướng từ thiện hiện nay tại Việt Nam.
Trong năm 2020, Việt Nam đã đối mặt với những xáo trộn, thay đổi và cả khó khăn kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, miền Trung lại gánh chịu hàng loạt các thiên tai gây ra thiệt hại cả về người và tài sản.
Các hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” đang lan rộng trên cả nước và dường như chưa bao giờ cần thiết hơn trong khoảng thời gian này.
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện MSD chia sẻ, các hoạt động nhân đạo và từ thiện phát triển đang ngày một sôi nổi, làm thay đổi các quan niệm, các cách tiếp cận và phương pháp từ thiện.
Không dừng lại ở một số giải pháp tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu, sinh kế tối thiểu của các nhóm yếu thế, một số hoạt động từ thiện còn cho thấy tầm nhìn, giải pháp hiệu quả, tính bền vững, lâu dài.
Trong đó có thể kể đến các hoạt động quyên góp phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động thiện nguyện chế tạo, sản xuất, trao tặng thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến đầu, trao tặng thiết bị lọc nước, dụng cụ trữ nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn hay việc tổ chức cây “ATM gạo”, “siêu thị 0 đồng” để kịp thời cứu trợ những người chẳng may lâm vào hoàn cảnh khó khăn...
Ngoài ra, ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc Chính sách TikTok Việt Nam, đánh giá:
“Trong thời đại 4.0 hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp, gây quỹ cộng đồng đang được nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng với nhiều phương thức khác nhau.
Các nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay đều đang có những chương trình để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách hỗ trợ cho các chương trình từ thiện phát triển và gây quỹ của các cá nhân, tổ chức.”
Bên cạnh đó, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của tổ chức là một điều kiện cần cho việc gây quỹ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, muốn gây quỹ lâu dài cần chú trọng chất lượng sản phẩm hay hoạt động của tổ chức.
Với các hoạt động gây quỹ cho từ thiện phát triển, cần không ngừng đổi mới, sáng tạo để phù hợp với nhu cầu cũng như xu thế của xã hội.