Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng với Quỹ Hoà bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HPDF), Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn), và Trung tâm Sức khoẻ gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC Vietnam) tổ chức Hội thảo “Từ thiện phát triển – Xu hướng trong và sau COVID-19”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau trong COVID-19” của MSD, do Tổ chức United Way Worldwide, Công ty 3M và Community Chest of Korea tài trợ.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp xã hội, quỹ từ thiện, cơ quan thông tấn báo chí và cá nhân quan tâm.
Phát biểu khai mạc chương trình, chia sẻ về sự biến chuyển của từ thiện phát triển trong đại dịch COVID-19, bà Nguyễn Phương Linh-Viện trưởng Viện MSD chia sẻ:
"Hơn bao giờ hết, chúng ta cảm nhận dòng chảy của các hoạt động nhân đạo và từ thiện phát triển đang mạnh mẽ cuộn trào, làm thay đổi các quan niệm, các cách tiếp cận và phương pháp từ thiện.
Từ thiện cá nhân không chỉ còn là việc “cho đi” từ cảm xúc cảm động nhất thời, COVID-19 đã kích hoạt trách nhiệm của cộng đồng và sự đoàn kết, sự an toàn hay sự phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng.
Đó là khi doanh nghiệp không chỉ tham gia từ thiện như một trách nhiệm xã hội, có thể là một việc phụ thêm đóng góp cộng đồng, mà cần nhìn nhận lại đó là chiến lược để phát triển, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới.
Một nền kinh kế chuyển đổi đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ mà còn là giá trị và trách nhiệm.
Đừng coi từ thiện phát triển là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn, đợi lớn mới thực hiện, mà hãy thực hiện từ thiện phát triển để lớn.
Đại dịch COVID-19 và các thiên tai địch họa 2020 này cũng là khi các cá nhân và tổ chức xã hội nhìn nhận lại công việc từ thiện phát triển để đáp ứng những nhu cầu biến đổi của cộng đồng.
Các hoạt động chuyển mình từ tự phát, sang nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, ứng dụng công nghệ và là sự chung sức đồng lòng của nhiều bên liên quan, không thể là hoạt động độc quyền".
Cung cấp cho hội thảo hiểu biết rõ hơn về từ thiện phát triển và văn hoá từ thiện, Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hoà Bình và Phát triển TP.HCM đã chia sẻ về khái niệm từ thiện phát triển và văn hoá từ thiện. Bà cũng nhấn mạnh:
“Từ thiện là một hoạt động không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội, và bản thân hoạt động từ thiện cũng không bất biến mà vận động thay đổi theo xu thế của xã hội.
Hệ sinh thái từ thiện phát triển rất rộng lớn, có thể xem như một ngôi nhà lớn, một ngôi nhà chung mà trong đó mỗi chúng ta là một chủ thể cần chung tay, chung sức để giúp hệ sinh thái ấy phát triển cao hơn, phức hợp hơn."
Từ những khái niệm này, phiên thảo luận thứ nhất của Hội thảo với chủ đề “Hiện trạng và xu hướng từ thiện trong bối cảnh COVID-19” đã diễn ra với sự điều phối của bà Nguyễn Thuỳ Dương – Giám đốc Talent Pool và sự tham gia của các diễn giả:
- Bà Nguyễn Thị Ý Như – Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại, Công ty Coca Cola Việt Nam.
- Bà Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc hoạt động, Trung tâm CFC Việt Nam.
- Bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc CSIP.
“Những xu hướng và Giải pháp cho các hoạt động từ thiện trong và sau COVID –19” là chủ đề của phiên thảo luận thứ 2 tại Hội thảo do bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD điều phối với những chia sẻ của:
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc Chính sách Tiktok Việt Nam.
- Bà Đậu Thuý Hà – Chủ tịch OCD và Kid Online.
- Bà Nguyễn Võ Trúc Giang – Giám đốc Truyền thông và Phát triển Quỹ Làng Trẻ em SOS Việt Nam.
Trước vấn đề “Xu hướng gây quỹ từ cộng đồng trên các nền tảng mạng xã hội trong thời đại 4.0”, ông Nguyễn Lâm Thanh phát biểu:
“Cùng với sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội, việc sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp, gây quỹ cộng đồng đang được nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng với nhiều phương thức khác nhau.
Các nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay đều đang có những chương trình để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách hỗ trợ cho các chương trình từ thiện phát triển và gây quỹ của các cá nhân, tổ chức.”
Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm cũng giải pháp điều phối, tiếp cận và huy động cá nhân và doanh nghiệp cho các hoạt động từ thiện phát triển, bà Nguyễn Võ Trúc Giang đưa ra ý kiến:
“Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của tổ chức là một điều kiện cần cho việc gây quỹ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, muốn gây quỹ lâu dài cần chú trọng chất lượng sản phẩm hay hoạt động của tổ chức.
Với các hoạt động gây quỹ cho từ thiện phát triển, cần không ngừng đổi mới, sáng tạo để phù hợp với nhu cầu cũng như xu thế của xã hội.”
Sau 2 phiên thảo luận toàn thể, các đại biểu tham dự đã được chia thành các nhóm để thảo luận sâu hơn về những đặc điểm, cơ hội và thách thức đặc thù mà các tổ chức đã và đang gặp.