Văn hóa doanh nghiệp - Những điểm chung của văn hóa doanh nghiệp ở Thế giới Di Động, PNJ, FPT
Như bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch và Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam từng chia sẻ:
Văn hóa doanh nghiệp là “nhân hiệu - thương hiệu" của một tổ chức.
Văn hóa doanh nghiệp chính là giá trị cốt lõi, là yếu tố khác biệt và là nền tảng của sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp cần có sự bổ trợ không thể thiếu của chiến lược hoạch định và hệ thống quản trị để giúp văn hóa doanh nghiệp được “sống” thật và trở thành linh hồn của doanh nghiệp qua thời gian thông qua cách hiểu, cách làm, cách lan tỏa những chuẩn mực được xây dựng lên.
Nhìn chung, các giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp ở 3 doanh nghiệp Thế Giới Di Động, PNJ, FPT đều hướng tới:
Đổi mới sáng tạo, Chính trực, Sự gắn kết, Trách nhiệm xã hội và Hiệu quả.
Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại linh hoạt trong việc nhắn gửi đến nội bộ và lan tỏa đến khách hàng của mình bằng những ngôn từ và thông điệp phù hợp.
Cụ thể giá trị cốt lõi của mỗi công ty như sau:
- Thế Giới Di Động: Tận tâm với khách hàng, Làm đúng cam kết và nhận trách nhiệm, Yêu thương và hỗ trợ đồng đội, Trung thực về tiền bạc và các mối quan hệ, Máu lửa với công việc.
- PNJ: Chính trực - Trách nhiệm - Chất lượng - Đổi mới - Gắn kết.
- FPT: "Tôn, Đổi, Đồng - Chí, Gương, Sáng” (tương ứng là tôn trọng; đổi mới; đồng đội; chí công; gương mẫu; sáng suốt).
Những điểm nổi bật trong văn hóa doanh nghiệp của 3 doanh nghiệp
Có thể thấy, 3 doanh nghiệp đều hướng đến những điểm chung trong văn hóa doanh nghiệp và có cách truyền tải riêng.
Không những thế, 3 doanh nghiệp còn linh hoạt trong việc áp dụng và luôn có sự khác biệt với những tiêu chí trọng tâm như:
- Thế Giới Di Động: Lấy hiệu quả và sự chính trực là điều kiện tiên quyết;
- PNJ: Lấy trách nhiệm làm căn bản;
- FPT: Lấy đổi mới làm đầu với chiến dịch thu hút nhân tài
1. Thế Giới Di Động - Tính hiệu quả đến từ “Máu lửa trong công việc” và sự trung thực của nhân viên
Bán lẻ là ngành năng động, khách hàng thay đổi và đi lên không ngừng.
Do đó thật sự cần thiết một tinh thần máu lửa đối với tất cả nhân viên của Thế Giới Di Động.
Máu lửa giúp nhân viên công ty tránh những suy nghĩ tiêu cực như việc luôn tìm những lý do để bào chữa cho những kết quả không như mong đợi.
Thay vào đó là dám nhận lỗi, sẵn sàng thay đổi để tạo kết quả.
Cháy hết mình không ngại thay đổi, sẵn sàng học hỏi, đối đầu với tất cả những khó khăn thách thức để tìm ra những giải pháp hoàn thành công việc một cách tốt nhất là những gì mà nhân viên của Thế Giới Di Động đang thể hiện.
Ngoài ra, sự chính trực được quan tâm và thực hiện sâu sắc từ Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến từng nhân viên trong công ty.
Và đây cũng chính là chìa khóa thành công khi tạo được một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc, trong đó lấy sự chính trực làm cốt lõi.
Đọc thêm: Vì sao chính trực là giá trị cốt lõi mà các doanh nghiệp hàng đầu luôn theo đuổi?
2. PNJ - Từ trách nhiệm cá nhân đến trách nhiệm xã hội
Đối với PNJ, trách nhiệm là động lực thúc đẩy mọi hoạt động, đặt lợi ích của khách hàng, của xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp.
Mỗi cá nhân cam kết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, tổ chức và xã hội.
Nhân viên của PNJ thực thi xuất sắc mọi công việc với tinh thần tự nguyện, chủ động, sáng tạo và tận tâm.
Không chỉ có trách nhiệm từ những công việc hằng ngày, PNJ còn thúc đẩy nhân viên vươn ra tập thể và cộng đồng.
Minh chứng là, văn hóa PNJ được thể hiện rõ tại nơi làm việc, nhiều hoạt động nội bộ dành cho người lao động được doanh nghiệp, Công đoàn và Đoàn Thanh niên phối hợp tổ chức như:
Câu lạc bộ Yoga, Câu lạc bộ Mẹ bỉm sữa PNJ, các sân chơi kết nối nhân viên như Hội thi ảnh khoảnh khắc gia đình hạnh phúc.
Nhờ vậy mà người lao động không chỉ có môi trường làm việc tốt mà còn gia tăng sức khỏe và hạnh phúc.
Xa hơn nữa, nét đẹp văn hóa của PNJ còn thể hiện những dự án hướng về cộng đồng, trong đó điển hình là chương trình "Mái ấm niềm tin PNJ".
Chương trình được khởi xướng từ nguồn kinh phí đóng góp của doanh nghiệp và tập thể người lao động.
3. FPT - Đứng đầu trong công tác đổi mới với chiến dịch thu hút nhân tài
Nói về FPT thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là nhân sự công nghệ cao.
Để đạt được điều đó, công ty đã nỗ lực rất nhiều trong công tác đổi mới với các chiến dịch thu hút nhân tài.
Theo đó, FPT là doanh nghiệp xếp hạng 2 Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam 2022 và được đánh giá hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Qua đó, có thể thấy doanh nghiệp luôn chú trọng nguồn nhân lực đầu vào.
Không những thế, FPT còn là doanh nghiệp tiên phong về công nghệ cũng như tạo cơ hội cho nhân tài Việt vươn ra thế giới.
Tháng 7 vừa qua, FPT Software Automotive Tech Show tại Hà Nội cũng đã mang đến nhiều cơ hội học hỏi và phát triển trong lĩnh vực công nghệ và nhân sự Việt Nam.
Đọc thêm: FPT Software Automotive Tech Show - Cơ hội cho kỹ sư công nghệ tham gia vào thị trường ô tô toàn cầu
Lưu ý khi vận dụng văn hóa doanh nghiệp - Sự phù hợp là vô cùng quan trọng
Có thể thấy văn hóa doanh nghiệp của 3 công ty này nhìn chung đều bao gồm những giá trị cốt lõi như nhau nhưng cũng có những điểm nổi bật nhất định.
Và sự phát triển phần nhiều dựa trên những điểm nổi bật này vì đó là những điểm đặc biệt, tạo ấn tượng mạnh cho nội bộ, khách hàng cũng như là phù hợp với đặc điểm riêng của doanh nghiệp.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý bản chất của doanh nghiệp cũng như lĩnh vực kinh doanh để áp dụng cho phù hợp.
Như ông Nguyễn Duy Linh, Phó Tổng Điện máy XANH (Thế Giới Di Động), Đồng sáng lập Seedcom chia sẻ:
“Mình khuyên mọi người đừng copy văn hóa Thế Giới Di Động.
Cuối cùng ai là người thực thi.
Để làm được thực thi đó và để thực thi được thì phải đến từ tâm của họ, tim của họ, ngấm vào máu của họ.
Thấy người ta làm được nhưng nó không phải máu của mình.
Không phải tim của các bạn, tâm của các bạn thì đừng làm”.
Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế Giới Di Động cũng đã từng chia sẻ về chiến lược của mình trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Đối với ông, văn hóa yêu thương đóng một vai trò quan trọng.
Ông chia sẻ:
“Kinh doanh ngành dịch vụ, nên yếu tố yêu thương phải được coi là vô cùng quan trọng, khác hẳn các ngành khác.
Một người nhân viên không hạnh phúc thì không thể nào anh ta mang niềm vui đến cho những người khách hàng xa lạ”.
Có thể thấy, không chỉ là xây đòi hỏi những giá trị nhất định, văn hóa doanh nghiệp cần sự phù hợp với lĩnh vực kinh doanh, ví như ngành dịch vụ.
Lời kết
Nhìn nhận những điểm chung và riêng biệt trong văn hóa doanh nghiệp của 3 công ty phổ biến ở Việt Nam, các doanh nghiệp có thể rút ra những bài học về xây dựng cho văn hóa doanh nghiệp của riêng mình.
Làm sao để đảm bảo những điểm chung cơ bản và tạo được điểm nổi bật phù hợp với doanh nghiệp là điều mà các nhà lãnh đạo cần chính mình tìm ra đáp án.