Thị trường nhỏ nhưng sôi động
Dù chỉ là một quốc gia nhỏ với chưa đầy 6 triệu dân, nhưng Singapore lại có tới 73% người tiêu dùng qua mạng và từng giao dịch xuyên biên giới.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thị trường tiêu dùng của nước này tương đối nhỏ nhưng lại tập trung nhiều công ty đa quốc gia và là một trung tâm thông tin, thương mại, tài chính, trung tâm logistics lớn của khu vực và toàn cầu.
Tiềm năng về độ phủ hàng hóa và giá trị thương hiệu
Khi tiếp cận được nhóm khách hàng quốc tế, các doanh nghiệp Việt không chỉ có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu mà còn tăng được độ phủ hàng hóa, giá trị thương hiệu.
Khai thác tốt việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Singapore là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế và chinh phục thị trường quốc tế.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, giai đoạn trước COVID-19, Thương vụ thường hỗ trợ các doanh nghiệp qua các hành động này:
- Mời các chuỗi siêu thị, hiệp hội nhập khẩu đến thăm gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam tại các hội chợ triển lãm ở Singapore.
- Mời ghé thăm showroom của Thương vụ tại Singapore hoặc đưa đoàn doanh nghiệp nhập khẩu Singapore về Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng.
- Kết nối qua email khi có yêu cầu tìm kiếm đơn hàng cụ thể của nhà nhập khẩu.
Tiết kiệm chi phí
Trên các nền tảng thương mại điện từ Singapore, người bán không bị đọng vốn vì thanh toán trực tiếp, chi phí ban đầu bỏ ra thấp. Một điểm ưu việt của cách thức thâm nhập thị trường này là giá trị đơn hàng lớn, doanh nghiệp Việt Nam không phải lo các thủ tục nhập khẩu, giấy phép.
Hầu hết các sàn thương mại điện tử đều cho phép đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài trừ Amazon.sg và các sàn chuyên về thực phẩm. Chi phí phải trả cho các sàn giao dịch thương mại điện tử là 7,5% giá trị giao dịch, không kể chi phí vận chuyển.
Không những thế, hầu hết người tiêu dùng Singapore sẽ vào thẳng các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của họ, điều này giúp người bán tiết kiệm được phần nào chi phí marketing.
Vì vậy, để đưa hàng vào thị trường Singapore nói chung và hệ thống các sàn thương mại điện tử ở Singapore nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tự thành lập công ty ở Singapore hoặc tìm được nhà nhập khẩu Singapore và nhà nhập khẩu tự làm các thủ tục nhập khẩu, đưa hàng vào hệ thống bán lẻ/thương mại điện tử.
Con đường rộng mở ra cho nhiều ngành hàng và doanh nghiệp nhỏ
Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử ở Singapore chủ yếu là trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, có rất ít doanh nghiệp tham gia vào các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam như đồ nội thất, quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng…
Nhờ chính sách dễ dàng thực hiện đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài, các doanh nghiệp có thể tự đăng ký tài khoản và "mở quầy" trực tiếp với các sàn thương mại điện tử.
Riêng với sản phẩm thực phẩm, đồ uống, do liên quan đến quy định giấy phép nhập khẩu thực phẩm, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải có nhà nhập khẩu tại Singapore để làm thủ tục xin cấp phép tại Cơ quan thực phẩm Singapore.