Dừa - Tiềm năng và thách thức
Việt Nam hiện có trên 175.000 ha dừa, trong đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 80% diện tích.
Đến nay, các sản phẩm từ dừa của Việt Nam đã xuất sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về nguồn cung, dừa Việt Nam đang có lợi thế lớn về sản lượng và đa dạng các sản phẩm từ dừa.
Theo đó, dừa và các sản phẩm từ dừa có triển vọng rất lớn về xuất khẩu, với giá cả cao, do nhu cầu về thực phẩm xanh đang trở thành xu hướng tiêu dùng của thế giới.
Đồng thời, thông qua sự phát triển của việc kết nối dịch vụ Logistics toàn cầu hiện nay, dừa tươi Việt đang trên đà phát triển:
- Tăng cường xúc tiến thương mại;
- Mở rộng thị trường tiêu thụ;
- Góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng dừa.
Từ đó, dừa dần trở thành lĩnh vực xuất khẩu có tính tiềm năng đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành dừa các nước cũng rất lớn, nhất là về giá cả.
Cùng với đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ theo nhiều tiêu chuẩn khắt khe của các nước và các nhà nhập khẩu.
Nói riêng về tỉnh Bến Tre, đây là tỉnh trọng điểm về dừa.
Tính đến hết quý I/2022, diện tích dừa toàn tỉnh Bến Tre vào khoảng 77.230 ha, tăng 4,38% so cùng kỳ.
Dừa là một trong những chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được người dân mạnh dạn đầu tư phát triển và hiện đang cho hiệu quả kinh tế tích cực.
Với nhiều loại hình và quy mô sản xuất và nguồn nguyên liệu luôn dồi dào và chất lượng, ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre phát triển khá nhanh và toàn diện.
Một số sản phẩm được chế biến từ dừa như:
Kẹo dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, dầu dừa, mỹ phẩm từ dừa, chỉ xơ dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ dừa (gáo dừa, cọng dừa, trái dừa,…)...
Những sản phẩm này đã xuất khẩu sang 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất.
Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chế biến sâu nhằm cho ra thị trường nhiều sản phẩm cao cấp.
Ví như, Betrimex quyết định đầu tư công nghệ tiệt trùng UHT (Ultra-high Temperature Processing) và “ép lạnh”, cho phép giữ nguyên hương vị tươi ngon của nước dừa mà không cần đến sự can thiệp của chất bảo quản hay chất tạo màu.
Đọc thêm: Đổi mới phát triển sản phẩm nhờ tối ưu hóa công dụng của cây dừa Bến Tre.
Các doanh nghiệp phát triển sản phẩm từ dừa - Betrimex, Vietcoco, Coboté, Sokfarm
Một số doanh nghiệp nổi bật trong phát triển sản phẩm từ dừa có thể kể đến như:
Betrimex, Vietcoco, Coboté (3 doanh nghiệp đến từ Bến Tre), Sokfarm (Trà Vinh).
1. Betrimex - Nước dừa Cocoxim
Cocoxim là nhãn hàng nước dừa đóng hộp Betrimex - công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex).
Quyết tâm đầu tư để gia tăng giá trị cho cây dừa Bến Tre, Betrimex đầu tư nhà máy sản xuất với quy trình công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới của Tập đoàn Tetra Pak kết hợp cùng nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng tốt.
Từ đó, những sản phẩm Cocoxim đầu tiên ra đời và xuất khẩu đi khắp nơi.
Các dòng sản phẩm bao gồm:
Nước dừa nguyên chất, Nước dừa trái cây, Nước cốt dừa, Sữa dừa, Dầu dừa tinh khiết, Cơm dừa sấy khô…
Cocoxim đã có mặt tại Singapore, Đài Loan, những chuỗi siêu thị tại Úc, Canada hay Châu u cũng như những chuyến xe giao nhận của Amazon hay Alibaba.
“Một sản phẩm đến từ Bến Tre” đã và đang vươn tầm quốc tế bởi sự tiện dụng và hương vị được lưu giữ gần như hoàn toàn bằng công nghệ tiên tiến.
2. Vietcoco - Bắt nhịp xu hướng của Gen Z
Một thương hiệu đồ uống khác cũng có xuất xứ từ Bến Tre và đang bắt kịp xu hướng thực dưỡng thuần chay của giới trẻ là Vietcoco.
Thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành sản xuất dừa dựa trên dây chuyền công nghệ hiện đại.
Các sản phẩm của Vietcoco hiện xuất khẩu sang hơn 60 thị trường trên thế giới, được khách hàng tại các quốc gia Đức, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… tin dùng.
Công ty cũng tiên phong phát triển nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ tại Bến Tre nhằm tạo ra những sản phẩm sạch đạt chuẩn Organic của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Nắm bắt hành vi mua sắm và tiêu dùng của Gen Z, Vietcoco ra mắt dòng sản phẩm trà sữa dừa đường đen mới.
Sản phẩm là sự kết hợp độc đáo của vị trà đen nguyên bản với hương thơm béo mới lạ của sữa dừa, thay thế hoàn toàn sữa bò, phù hợp người dùng dị ứng đạm động vật.
Sự kết hợp mới mẻ này tạo nên hương vị trà sữa thuần thực vật độc đáo, kích thích sự tò mò của Gen Z nói riêng và người tiêu dùng nói chung.
Ngoài ra, sữa dừa cũng cung cấp ít calo hơn so với sữa bò, thích hợp cho việc ăn kiêng giảm béo.
Bên cạnh đó, Vietcoco còn ra mắt nhiều vị sữa dừa khác như vị nguyên bản, cà phê hay chocolate.
Các dòng sản phẩm sữa dừa Vietcoco đóng lon và hộp giấy được kỳ vọng nhận được sự ủng hộ từ đông đảo giới trẻ.
3. Coboté - Mỹ phẩm chăm sóc cá nhân từ dừa
Chuyển sang một lĩnh vực khác, đó là làm đẹp với những sản phẩm từ dừa cùng Coboté.
Năm 2017, Công ty cổ phần Phát triển thực phẩm, mỹ phẩm Vfarm ra đời ở xã Quới Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) và bắt đầu sản xuất mỹ phẩm chăm sóc cá nhân từ dừa mang thương hiệu Coboté.
Coboté là cụm từ viết tắt của “Beauté du noix de coco - Coconut Beauty”, mang ý nghĩa “vẻ đẹp từ dừa”.
Nhà sáng lập thương hiệu Coboté cho biết, nhu cầu từ sản phẩm tự nhiên cũng như các mỹ phẩm có nguồn gốc từ thực vật ngày càng gia tăng.
Tại Mỹ, ứng dụng của dừa trong ngành mỹ phẩm chiếm 65% quy mô thị trường sản phẩm từ dừa năm 2018; trong đó, dầu dừa có tính phổ biến nhất.
Để tiếp cận thị trường quốc tế, doanh nghiệp đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chứng nhận hữu cơ, nhà máy tiêu chuẩn theo mô hình “boutique manufacturer” (nhà máy nhỏ) kết hợp du lịch trải nghiệm.
Đến nay, Vfarm đã có 19 dòng sản phẩm như dầu tắm gội, dưỡng tóc, son môi…
Dưỡng mi và tẩy tế bào chết là dòng sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất của VFarm.
4. Sokfarm - Mật hoa dừa của Trà Vinh Farm
Không chỉ có Bến Tre, một số doanh nghiệp ở các địa phương khác cũng khai thác tiềm năng từ dừa, nổi bật là sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm.
Mật hoa dừa Sokfarm của Trà Vinh Farm do Thạch Thị Chal Thi thành lập là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards hạng mục Inclusive Business – Doanh nghiệp phát triển bao trùm.
Đồng thời, cô gái Khmer này còn là 1 trong 6 cá nhân được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam tháng 9/2022 vừa qua.
Chal Thi chia sẻ, ý niệm khởi nghiệp ngành mật hoa dừa xuất phát từ việc mong muốn giải cứu cho vườn dừa hơn 2 ha của gia đình sau khi trồng 5 năm có trái nhưng không bán được, thương lái ép giá chỉ còn 20k/12 trái.
Sokfarm hiện nay có 6 dòng sản phẩm:
Nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, giấm mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men và ca cao mật hoa dừa.
Sản phẩm mật hoa dừa là thực vật thuần chay nên người tiểu đường, ăn kiêng, lớn tuổi hay trẻ em đều có thể sử dụng được.
Đọc thêm: Xu hướng bỏ phố về quê, thạc sĩ lập nghiệp với mật hoa dừa.
Lời kết
Có thể thấy, các doanh nghiệp đã khai thác dừa để đáp ứng các nhu cầu thực tế, hướng đến những tệp khách hàng nhất định.
Vậy nên, khi đầu tư hay rẽ hướng sang lĩnh vực này, các doanh nghiệp cần lưu ý kết hợp việc khai thác tiềm năng của dừa đúng với tệp khách hàng cũng như hành vi tiêu dùng.