Mới đây, việc chính phủ Hàn Quốc duy trì các quy định giãn cách xã hội cho đến hết Tết Nguyên Đán đã khiến một bộ phận giới trẻ "thở phào".
Nguyên nhân chính là ngày càng nhiều người Hàn muốn hưởng thụ dịp lễ lớn nhất năm một mình mà chẳng phải lo lắng trang hoàng, tiếp khách hay chịu áp lực từ các mối quan hệ xã hội.
Một khảo sát của JobKorea cho thấy 59,1% người Hàn trên 20 tuổi muốn ăn Tết một mình hơn là chịu áp lực chuẩn bị cùng gia đình và người thân. Khoảng 50% cho biết muốn dành thời gian tìm việc trong những ngày nghỉ lễ còn 31,1% nói họ phải làm việc online do đại dịch.
Tồi tệ hơn, 30% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy không thoải mái và bị stress khi phải tiếp xúc các mối quan hệ xã hội ngày Tết, nhất là phải trả lời các câu hỏi tế nhị từ gia đình lẫn người thân.
Khoảng 39,8% người Hàn ghét bị hỏi về tình hình công việc còn 38,5% sợ hãi khi gia đình và người thân truy hỏi về hôn nhân, con cái.
Hệ lụy từ kinh tế
Anh Kim Jeong Myeong, một sinh viên 23 tuổi tại Seoul cho biết mình rất sợ Tết Nguyên Đán bởi người thân sẽ hỏi liên tiếp về sự nghiệp, hôn nhân. Dịp Tết do đại dịch Covid-19 nên anh phần nào tránh được những cuộc họp mặt không mong muốn.
Câu chuyện của anh Kim chỉ là một trong số vô vàn trường hợp tại Hàn Quốc. Xu thế ghét ăn Tết cùng gia đình đang ngày một tăng khi nền kinh tế khó khăn còn tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức tệ nhất kể từ năm 2010.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều công việc ngành dịch vụ, sản xuất của Hàn Quốc biến mất khiến lượng lớn người mất thu nhập. Điều này tạo nên nỗi sợ hãi khi phải gặp gia đình và trả lời các câu hỏi tế nhị về sự nghiệp.
Xu thế sống một mình đang ngày tăng cao tại Hàn Quốc với số liệu hộ gia đình độc thân đi lên cho thấy sự chuyển biến rõ rệt của giới trẻ nước này.
Công nghệ phát triển khiến giới trẻ Hàn Quốc có thể sống một mình tại nhà mà vẫn gọi được đồ ăn, nói chuyện với bạn bè hay giao tiếp với thế giới qua mạng xã hội.
Cuộc sống ảo trên mạng không có những nỗi sợ, những áp lực khi giao tiếp ngoài đời thực và điều này càng thúc đẩy tình trạng sống độc thân ở Hàn Quốc.
Ngoài ra, tờ Korea Times cho rằng sự cách biệt ngày càng lớn giữa lớp trẻ và già tại Hàn Quốc cũng tạo sự ngăn cách trong dịp Tết.
Trong khi giới trẻ gặp khó khăn về kinh tế và kiếm việc làm thì họ lại nhận được quá ít giúp đỡ từ những người lớn tuổi, qua đó tạo nên ngăn sách trong tư tưởng lẫn giao tiếp và sinh ra nỗi sợ Tết.
Trốn Tết đi nhà nghỉ
Việc ngày càng nhiều người muốn được yên thân một mình ngày Tết đã tạo nên cơ hội cho các doanh nghiệp.
Cửa hàng BooknPub tại thủ đô Seoul Hàn Quốc đã tổ chức những buổi họp mặt ngày giao thừa nhằm tạo cớ cho các bạn trẻ trốn nhà cũng như xây dựng một lựa chọn mới cho mọi người trong dịp Tết.
Mỗi năm, bữa tiệc giao thừa này đều khác nhau nhưng mục đích chung là để những người muốn được yên thân có cơ hội gặp nhau trao đổi về văn hóa đọc sách, hay đơn giản chỉ là ngồi một chỗ thưởng thức đồ ăn và ngắm cảnh Seoul ngày Tết.
Chủ của hàng sách này là anh Kim Jong Hyun vốn tạo sự kiện từ chính nguyên nhân muốn được yên thân ngày Tết Nguyên Đán.
"Thật không may là ngày càng nhiều người đến đây trong các dịp Tết Nguyên Đán. Có những người chẳng có nơi để đi vì sống độc thân xa nhà, có trường hợp thì chẳng muốn về khi người thân cứ ép hỏi những chuyện tế nhị", anh Kim cười nói.
Tết Nguyên Đán đang thành gánh nặng với phụ nữ và giới trẻ Hàn Quốc
Theo anh Kim Jong Hyun, truyền thông Hàn Quốc đua nhau đưa tin về cuộc hồi hương ngày Tết của mọi người, nhưng thực tế ngày càng nhiều bạn trẻ đang từ chối về quê để được hưởng thụ tự do. Chính điều này đã khiến hàng loạt cơ hội kinh doanh mở ra.
Từ năm 2015 đến nay, Học viện đào tạo tiếng nước ngoài lớn nhất Hàn Quốc Pagoda Academy đã mở những chương trình xuyên Tết nhằm đáp ứng nhu cầu của giới trẻ.
Anh Lee Suh Hyun, một nhà văn cho biết nhiều gia đình trẻ tại Hàn ngày nay thậm chí trốn ra nhà nghỉ dịp Tết để tránh những phiền phức và áp lực từ gia đình.
Đặc biệt, nhiều phụ nữ Hàn chán ngấy cảnh phải chuẩn bị các bữa tiệc theo truyền thống, thăm hỏi người thân hay trả lời những câu hỏi tế nhị từ gia đình.
Thậm chí sự so bì và ganh ghét ngày Tết càng khiến nhiều phụ nữ trẻ quyết định chuyển ra nhà nghỉ sống một mình hoặc cùng chồng trong ngày Tết.
"Tết Nguyên Đán ngày nay đang dần khác trước, giới trẻ Hàn Quốc giờ đây sẽ đặt sự tự do của bản thân lên trước các giá trị truyền thống. Biết làm sao đây, mỗi thế hệ có một tư tưởng khác nhau", nhà văn Lee cười nói.
Theo CafeF