Theo ghi nhận của phóng viên VietTimes tại một số cửa hàng và các trang thương mại điện tử (TMĐT) chuyên về mỹ phẩm, sức mua của mặt hàng này nhìn chung ít biến động.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của COVID-19 đã làm thay đổi một số xu hướng làm đẹp của người Việt trong thời gian qua.
Son môi vẫn "nắm" thị phần lớn
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, sức tiêu thụ son môi chiếm đến 77% thị phần mỹ phẩm trang điểm tại Việt Nam năm 2020.
Thị trường son môi năm nay chủ yếu thiên về dòng son bán lì (semi-matte).
Đây là loại son khắc phục nhược điểm gây khô môi của son lì và trôi nhanh của son bóng. Với độ bám màu tương đối kết hợp với chất dưỡng, son lì lên màu chuẩn và giúp mềm mại hơn.
Màu son lên "top" xu hướng năm nay là các gam màu "trendy", hợp với sắc da của phụ nữ châu Á như đỏ đất, đỏ cam gạch, hồng đất, hồng đỏ trầm, cam cháy. Đây là những màu sắc nhẹ nhàng, không làm xỉn da nhưng vẫn giữ được nét tươi tắn và sang trọng.
Có thể nói, son là “vật bất ly thân” đối với mỗi chị em kể cả khi đi làm, hẹn hò hay tham dự những buổi tiệc.
Tặng son là phương án khá an toàn và không bao giờ lỗi mốt, nhất là giới trẻ.
Skincare “lên ngôi”
Trong mùa dịch, đặc biệt là các đợt giãn cách, phụ nữ có xu hướng ưu tiên đầu tư cho những dòng sản phẩm chăm sóc da (skincare) thay vì trang điểm (make-up).
Tuy nhiên, giá trung bình của những sản phẩm này có phần cao hơn son và các loại mỹ phẩm khác, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
“Thời gian ở nhà nhiều nên tôi hầu như không trang điểm. Trước đây, do quá bận rộn nên tôi không quan tâm nhiều đến skincare. Trong thời gian nghỉ ở nhà do giãn cách, tôi đã bắt đầu học cách skincare chuyên sâu từ các beauty blogger qua các kênh mạng xã hội”.
– chị Mai Hồng (Hà Nội) chia sẻ lý do “đầu tư” nhiều hơn cho các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Các sản phẩm được sử dụng nhiều nhất là sữa rửa mặt (77%), nước tẩy trang (66%), kem chống nắng (45%), kem dưỡng ẩm (37%), toner (36%), serum (28%).
“Theo tôi chứng kiến từ các đợt giãn cách do dịch bệnh từ năm ngoái đến đầu năm nay, lượng sản phẩm skincare bán rất chạy, đặc biệt là các dòng dược mỹ phẩm, sản phẩm đặc trị. Trong khi đó, các sản phẩm thiên về trang điểm chỉ duy trì ở mức bình thường, không tăng đột biến”.
– chị Hà, tư vấn viên cửa hàng mỹ phẩm tại quận Thanh Xuân chia sẻ.
Nhân viên này cho biết thêm, hầu hết khách hàng gần đây thường yêu cầu tư vấn về quy trình chăm sóc da chuyên sâu cho các vấn đề phổ biến như mụn, lỗ chân lông to, thâm quầng mắt…
chị Hà cho hay:
“Tôi thấy khách hàng hiện nay có vẻ nhận thức tốt hơn về mỹ phẩm an toàn, chính vì vậy các thương hiệu drugstore (dược mỹ phẩm) đang rất được ưa chuộng. Tại cửa hàng, nhu cầu tăng cao khiến phân khúc này thường xuyên hết hàng.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm làm đẹp tác động từ bên ngoài như máy rửa mặt, máy xông hơi,… cũng như uống sản phẩm chức năng tác động từ bên trong”.
Trong dịp 8/3 sắp tới, son và các sản phẩm trang điểm khác như phấn nền, phấn phủ, kẻ mày, mascara… được giảm giá "sâu", từ 20 – 40%. Trong khi đó, các sản phẩm skincare được giảm giá ít hơn, dao động từ 10 – 20%.
Thị trường trực tuyến chiếm ưu thế
Năm 2020 chứng kiến bùng nổ của xu hướng mua sắm trên trực tuyến. Thống kê của Q&Me cho thấy, 73% người dùng chủ yếu mua sắm các loại mỹ phẩm qua sàn TMĐT (Thương mại điện tử) tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019.
Các thương hiệu mỹ phẩm cũng nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của khách hàng, mở gian hàng chính hãng trên nền tảng TMĐT phổ biến như Shopee, Tiki… Nhờ vậy, người dùng yên tâm đặt hàng mà không lo hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trong khi các thương hiệu mỹ phẩm đẩy mạnh sự hiện diện trên các sàn TMĐT, các cửa hàng nhỏ hàng cũng rục rịch “chuyển nhà” lên nền tảng số.
Ngay cả thời điểm COVID-19 bùng phát trở lại vào sát Tết Nguyên đán, sức mua mỹ phẩm vẫn không giảm. Nhiều cửa hàng tận dụng hình thức bán hàng đa kênh, kết hợp giữa “offline” và “online” để tăng doanh số.
“Từ khi đợt dịch bùng phát trở lại dịp cận Tết, cửa hàng vắng khách hơn do đảm bảo quy định giãn cách. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng online qua trang web lại tăng lên đáng kể. Ngoài các sản phẩm chăm sóc da cơ bản, mỹ phẩm trang điểm và dưỡng da đều bán chạy hơn so với ngày thường” – chị Huệ, nhân viên sale tại một cửa hàng mỹ phẩm trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết.
Chia sẻ về trải nghiệm mua mỹ phẩm online thay vì đến trực tiếp, chị Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết:
“Mua hàng và thanh toán online giúp tôi chủ động hơn trong khoảng thời gian hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh. Điều này cũng tiết kiệm thời gian và công sức hơn khi đến tận cửa hàng để mua trực tiếp. Nhân viên tư vấn online cũng rất nhiệt tình”.
Để thu hút khách hàng và kích cầu tiêu thụ dịp 8/3 sắp tới, bên cạnh các chương trình giảm giá, các cửa hàng mỹ phẩm đưa ra những chương trình ưu đãi hấp dẫn. Nhiều cửa hàng còn tặng kèm thiệp, dịch vụ gói quà hoặc các mẫu sản phẩm dùng thử khi mua sản phẩm.
Ngoài ra, nhiều thương hiệu còn ra mắt những bộ sản phẩm với thiết kế riêng bắt mắt, nhằm thu hút người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quà tặng.
Theo VietTimes