WeFit chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 và từng được kỳ vọng trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness tại Việt Nam.
Cuối năm 2016, WeFit được trao giải top 3 các startup tiềm năng của năm do VTV tổ chức, được xếp vào một trong những công ty startup đáng chú ý của năm 2017.
Tuy nhiên, thông tin phá sản bất ngờ của WeFit khiến nhiều người ngã ngửa và nhận ra rằng Onaclover đã chọn sai mô hình kinh doanh ngay từ ban đầu.
Cái sai này được chính bản thân người trong cuộc, CEO Wefit, Nguyễn Hải Đăng thừa nhận khi công bố việc Wefit phá sản.
Theo các chuyên gia về startup, không những sai từ mô hình kinh doanh, WeFit đã định giá không đúng sản phẩm, không có chính sách bán hàng hợp lý, và vận hành cũng chưa hiệu quả.
WeFit không phải thương mại cũng không phải bán buôn, chưa có cách để giải quyết được sự mâu thuẫn giữa hệ thống phòng tập do cung cầu cục bộ ở một số đại lý.
Thất bại của WeFit là bài học cho cộng đồng startup.
Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc tại Việt Nam: “Bản chất của WeFit là thu hộ từ khách hàng cho phòng tập. WeFit thu một cục (bán thẻ) cho khách hàng, sau đó trả tiền cho phòng tập theo từng buổi.
Đây là “điểm chết” của mô hình kinh doanh khi booking ảo quá nhiều, nhiều người dùng chung một tài khoản, dẫn tới có account tập cả trăm buổi một tháng, vượt quá nhiều số tiền thu.
Nên sau đó vào cuối 2019 WeFit buộc phải thay đổi chính sách bán booking theo từng buổi, nên khách hàng bỏ đi.”
Cũng theo ông Phan Lê Thành Long, việc một công ty nộp đơn xin bảo hộ phá sản, đầu tiên đó là điều đáng tiếc, sau đó đến việc học được những bài học gì từ thất bại đó, còn những chỉ trích là không cần thiết.
Câu hỏi đặt ra là các cổ đông và ban lãnh đạo WeFit có trách nhiệm gì với các chủ nợ và họ có phải chịu trách nhiệm cá nhân hay chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp theo quy định của luật Doanh nghiệp 2014 về "trách nhiệm hữu hạn"?
Mô hình kinh doanh WeFit tạo ra 2 loại chủ nợ gồm: Các phòng tập ký hợp đồng hợp tác với WeFit, WeFit đóng vai trò thu hộ tiền các phòng tập từ khách hàng tập; Các nhà cung cấp khác, nhân viên, khách hàng còn quyền lợi, bên cho vay,...
Với chủ nợ là các nhà cung cấp khác, nhân viên, khách hàng còn quyền lợi, bên cho vay, tính "trách nhiệm hữu hạn" mới phản ánh đúng.
Trong khi với chủ nợ là các phòng tập ký hợp đồng hợp tác với WeFit, bản chất là WeFit thu hộ tiền, nên phải có trách nhiệm trả cho các phòng tập theo hợp đồng hoặc thoả thuận hợp tác chứ không phải WeFit mua sản phẩm, dịch vụ.
Chia sẻ quan điểm về sự việc của WeFit, doanh nhân Đỗ Thùy Dương – CEO Công ty cổ phần Talent Pool – khi doanh nghiệp bán hàng theo mô hình B2C (Business to Consumer) như mô hình của WeFit, không thể chọn khách hàng có cùng tầm nhìn và giá trị như khi làm B2B (Business to Business).
“Làm B2C phải xây dựng hành lang pháp lý để khách hàng có thể tự do trải nghiệm dịch vụ của mình trong khuôn khổ những điều đã thoả thuận.
Và việc mình không lường hết được sự “tinh quái” của khách hàng thì mình phải tự chịu trách nhiệm.
Đây cũng là bài học khi đem một mô hình kinh doanh mà không đặt nó trong bối cảnh của việc thấu hiểu hành vi khách hàng, không hiểu tâm lý khách hàng là một phần của mô hình kinh doanh” – bà Đỗ Thùy Dương nói.
Theo Luật sư Nguyễn Tuân – Công ty Luật HTC – đối với loại hình doanh nghiệp có trách nhiệm hữu hạn, thành viên góp vốn/cổ đông chỉ có nghĩa vụ góp vốn, nếu phát sinh vi phạm thiệt hại cần phải bồi thường, cá nhân người điều hành sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
“Tuy nhiên, trường hợp phá sản khi không còn khả năng thanh toán thì người lao động và chủ nợ không có bảo đảm gần như trắng tay.
Chủ nợ có bảo đảm (như ngân hàng) thì còn có thể thu hồi nợ nếu có tài sản bảo đảm.” – Luật sư Nguyễn Tuân cho hay.
Dưới góc nhìn của một người hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, bà Đỗ Thùy Dương cho rằng, môi trường khuyến khích khởi nghiệp thành công phải là môi trường “êm ái” cho sự thất bại.
Đơn cử là khi thất bại không bị lôi ra để dè bỉu, dám đối diện với thất bại để học hỏi, và có hành lang pháp lý cho việc thất bại (đóng cửa doanh nghiệp, tuyên bố phá sản,…)
“Một môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho những thất bại, cũng chính là môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho thành công” – bà Dương nói.
Cũng theo bà Dương, bài học của WeFit sẽ giúp các startup thành công hơn trong tương lai.
Thành công có thể do may mắn, nhưng thất bại chắc chắn có sai lầm, điều quan trọng là học được gì từ sai lầm mà thôi.
Trước đó, ngày 30/4/2020, CEO WeFit Nguyễn Hải Đăng thông báo Onaclover không còn khả năng thanh toán nợ đến hạn do quá khó khăn về tài chính và đã lâm vào tình trạng phá sản.
Ngày 29/4 công ty đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại TAND TP Hà Nội theo quy định của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân liên quan và cổ đông liên hệ với TAND TP Hà Nội để được giải quyết mọi vấn đề liên quan đến lợi ích của mình.
Theo Vietnamnet