Mới đây, Lê Thanh - người sáng lập AirX và ShoeX tiếp tục tung ra những sản phẩm đồ gia dụng như chai lọ, ly, nĩa, bàn chải đánh răng, bút bi,... được làm từ bã cà phê.
“Hạt nhựa sinh học cà phê trở thành nguyên liệu có thể tạo ra vô số sản phẩm. Thay vì độc quyền sản phẩm nào đó, chúng tôi định hướng sẽ trở thành nhà cung ứng nguyên liệu cho bất kỳ doanh nghiệp nào có nhu cầu”, Lê Thanh cho biết.
Anh bắt đầu nghiên cứu hạt nhựa sinh học cà phê khi đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất giày. Khi có ý định chuyển hướng kinh doanh từ giày tây sang sneakers, Lê Thanh đã tự hỏi “Nên dùng nguyên liệu truyền thống hay tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới?” bởi việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế các nguyên vật liệu truyền thống đã trở thành xu hướng toàn cầu.
Nhiều hãng đã dùng nguyên liệu làm đế giày từ bã mía Brazil và may giày từ lông cừu New Zealand. Do đó, Lê Thanh cũng quyết định nghiên cứu các loại nguyên liệu có nguồn cung đa dạng tại Việt Nam như gạo, mía, bắp, tre,... để làm giày và anh cũng đã thành công với bã cà phê.
Ưu điểm của nguyên liệu này là luôn có sẵn và giá cả hợp lý. Hạt nhựa sinh học từ cà phê có thể kéo sợi, làm nên những đôi giày có tính kháng khuẩn tự nhiên và ngăn chặn tia UV.
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, anh đã ứng dụng hạt cà phê vào việc sản xuất khẩu trang. Phần màng lọc là do nhóm của anh nghiên cứu phát triển, sản phẩm có khả năng tự phân hủy, rất tốt cho môi trường.
"Tại thị trường nội địa, nguồn cung khẩu trang y tế có vẻ nhiều nên sản phẩm khó bán hơn. Tuy nhiên, những ai đã sử dụng đều rất yêu thích. Trong chung cư nơi tôi ở có những khách hàng người Nhật sử dụng một chiếc khẩu trang cà phê trong suốt năm, sáu tháng nay."
Khẩu trang cà phê để đem lại danh tiếng cho Lê Thanh và doanh nghiệp của anh. Các nước châu Âu đều ưa chuộng sản phẩm vì yếu tố nguồn gốc và tính thân thiện với môi trường. Nhưng một khi đại dịch đi qua, doanh nghiệp anh cũng cần tìm cho mình một chiến lược dài hơi.
Mặt khác, quy trình nghiên cứu và làm khẩu trang hay đôi giày từ bã cà phê rất phức tạp nên giá thành khá cao. Chiếc khẩu trang cà phê đang được bán với giá 199 ngàn đồng, khá cao so với khả năng của người Việt.
Đối với bài toán doanh nghiệp, anh và đồng nghiệp đã mất nhiều thời gian lẫn chi phí để nghiên cứu sản xuất nên nếu làm cả thương hiệu lẫn tiếp thị và bán hàng thì tốc độ phát triển là rất chậm. Vì vậy, doanh nghiệp của anh cần tìm những người đi cùng để đi nhanh và đi xa hơn.
Bất kì một doanh nghiệp nào có nhu cầu về sản phẩm từ hạt nhựa sinh học, cà phê sinh học thì doanh nghiệp của Lê Thanh sẽ là nhà cung cấp nguyên liệu hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng. Và vì thế doanh nghiệp anh có thể dồn lực tối đa vào việc nghiên cứu về nguyên liệu cà phê để cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp đa ngành.
Nestlé là một trong những đối tác đang làm việc với doanh nghiệp của Lê Thanh để tạo ra những sản phẩm từ vật liệu tái chế, tiếp tục vòng đời mới cho sản phẩm của họ.
Mục tiêu doanh nghiệp đưa ra là sản phẩm làm từ bã phê cần phải có giá thành bằng hoặc thấp hơn nhựa, như vậy mới có khả năng thay thế sản phẩm nhựa trên thị trường.
Bên cạnh đó, anh Lê Thanh đã đăng ký bảo hộ thương hiệu cho hạt nhựa sinh học cà phê. Tuy nhiên, nếu có những người cũng có thể nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu này thì là điều đáng mừng, nó sẽ giúp giải bài toán về môi trường cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có của Việt Nam.
Lê Thanh đưa ra định hướng cho doanh nghiệp là đẩy mạnh bán sỉ ở thị trường nước ngoài chứ không “giành giật” từng miếng bánh nhỏ của thị trường nội địa.
Lê Thanh chia sẻ thêm: “Cách đây vài năm khi khởi nghiệp giày tây, tôi đã từng kêu gọi đầu tư từ chương trình Shark Tanks Việt Nam. Đây là một kinh nghiệm cho tôi khi kinh doanh. Tất nhiên startup nào cũng cần tiền nhưng tôi nghĩ rằng nhà khởi nghiệp cần một người đồng hành hơn là chỉ nhận tiền và nộp báo cáo tài chính hằng tháng.”
Theo DoanhNhân +