Bưu cục giao hàng nhanh. Bưu cục giao hàng nhanh trong đêm.

Nhu cầu giao hàng tăng cao, cháy nhân sự giao hàng

“Trước đây tôi chạy xe ôm công nghệ, nhưng thu nhập bữa nhiều bữa ít, chính sách của công ty quản lý cũng không thật sự hấp dẫn nên tôi chuyển sang công việc giao hàng cho shop thực phẩm chuyên bán online.

Gần đây nhu cầu mua sắm qua mạng tăng cao, mỗi ngày tôi được giao trên 40 đơn hàng, chạy ngược xuôi cả ngày rất mệt, nhưng thu nhập cũng khá hơn trước”, anh Bùi Hoàng Ân, ngụ tại H. Hóc Môn (TPHCM) – nhân viên giao hàng cho shop online chia sẻ.

Hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển, nhân viên công ty Xuất nhập khẩu Sài Gòn Bay cũng đang tăng tốc hoạt động ngày đêm để hoàn thành các đơn hàng và mở thêm chi nhánh mới.

Ông Trần Văn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Bay cho biết: “Vất vả lắm anh ạ. Nhu cầu khách hàng tăng cao trong khi nguồn nhân sự thiếu hụt. Chúng tôi phải làm việc cả ngày đêm, tuyển thêm nhân viên quản lý nhưng vẫn chưa đủ. Mùa dịch này nhu cầu xuất khẩu khẩu trang, thực phẩm tăng mạnh, trong khi đó máy bay lại giảm các chuyến vận tải, tàu thuyền thì ùn ứ ở nơi đến. Do đó chúng tôi phải tập trung mọi nguồn lực nhân sự để giải quyết cho kịp tiến độ giao hàng”.

Tương tự, Giao Hàng nhanh (GHN) cũng gặp khó khăn trong vấn đề nhân sự. Đại diện Giao Hàng Nhanh cho biết trong những đợt dịch đầu tiên, nhiều tài xế đã xin nghỉ việc do có tâm lý “sợ dịch”.

Trước tình hình đó, GHN đã có những kịch bản ứng biến kịp thời khi tăng cường tuyển dụng nhân sự mới, song song với việc tổ chức các buổi đào tạo nâng cao kỹ năng công việc.

Nhờ vậy đội ngũ nhân viên giao nhận và xử lý luôn được GHN đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

Khi dịch quay trở lại lần này, anh em tài xế cũng khi đã quen với tâm lý “bình thường mới” cũng đã chọn tiếp tục đồng hành cùng GHN.

Tuy vậy GHN cũng đã chuẩn bị sẵn những kịch bản xử lý trong trường hợp nhân sự có biến động để luôn đảm bảo thời gian và chất lượng giao hàng.

 Trong năm 2020 vừa qua GHN cũng đã mở rộng hệ thống kho bãi và hệ thống vận hành với việc chào đón hơn 1,000 bưu cục mới toàn quốc.

Song song đó, GHN đã vào vận hành kho phân loại hàng tự động thứ ba tại Hà Nội - nâng tổng công suất phân loại hàng lên trên 1,5 triệu đơn hàng mỗi ngày cùng với đội ngũ trên 10,000 nhân viên giao nhận và xử lý trên toàn quốc.

Doanh nghiệp Việt chớp thời cơ

Ông Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Công ty Sài Gòn Bay nói vui: “Trong tình hình hiện nay thì doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận hàng hóa đang được các ngân hàng ra sức o bế, thậm chí cạnh tranh lãi suất để cho vay.
Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng liên hệ với tôi với mong muốn chia sẻ cổ phần. Đó là những tín hiệu lạc quan cho thấy vị thế của ngành giao nhận đang ngày càng tăng lên”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Giám Đốc Thương Mại GHN cho biết: “Trong “nguy” có “cơ”, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thích ứng nhanh chóng với tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Cạnh tranh trong ngành giao nhận hàng là rất lớn khi các doanh nghiệp nước ngoài - đặc biệt là các đơn vị vận chuyển Trung Quốc, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, đứng trước sức ép khổng lồ từ nhiều phía nhưng Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực mà các doanh nghiệp vận chuyển nội địa có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn nước ngoài; và GHN cũng đã không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ - từ khâu vận hành đơn hàng đến cả nâng cao trải nghiệm chăm sóc khách hàng cho các shop đang sử dụng dịch vụ”.

Nhân viên giao hàng Ninja vận. Nhân viên giao hàng Ninja vận.

Ngành giao nhận tăng trưởng như hiện nay phải kể đến công lao của ngành thương mại điện tử. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, dịch COVID-19 đã nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. 

Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Một khảo sát thì trong năm 2020 cho thấy, số lượng người mua hàng online đã tăng 25% so với cùng kỳ, đồng thời nhiều mặt hàng cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng trên 35% so với năm 2019.

Kèm với việc Chính phủ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số và đã có bước đi phổ cập Smartphone đã tạo ra nền tảng thuận lợi cho ngành thương mại điện tử và ngành giao hàng phát triển mạnh mẽ.

Tận dụng thời cơ này các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp giao hàng cũng tích cực chạy các chương trình xúc tiến nhằm nhanh chóng thay đổi hành vi người tiêu dùng và đã cho thấy những tín hiệu khả quan.

Điều này cũng có thể kéo theo sự phát triển và thích ứng của nhiều doanh nghiệp bán lẻ truyền thống bằng cách chuyển đổi sang mô hình O2O (online to offline) vừa để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng muốn mua sắm online trong mùa dịch vừa có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng khi mùa dịch qua đi.

Đồng thời việc các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống chuyển đổi sang mô hình O2O cũng dẫn dắt sự phát triển của nhiều doanh nghiệp cung cấp phần mềm bán hàng, quản lý đa kênh, tạo website của Việt Nam tăng trưởng mạnh, hoàn toàn có cơ hội ngáng đường doanh nghiệp ngoại tiếp cận thị trường Việt Nam.

Điển hình như ông lớn Shopify, GoDaddy... đã loay hoay vào thị trường Việt Nam trong nhiều năm nhưng hiện tại rất khó có thể chen chân khi những doanh nghiệp vừa và nhỏ đã dần quen với Havaran, Nhanh.vn, Sapo hay KiotViet... nhờ khả năng liên kết chặt chẽ với các đơn vị giao hàng trong nước và sự thấu hiểu, nhanh chóng thích ứng với thị trường Việt Nam.

Qua việc người dân Việt Nam liên tục phải đối mặt với việc dãn cách xã hội, nhiều chuyên gia dự báo hành vi người tiêu dùng Việt Nam có thể chuyển đổi hoàn toàn sang việc ưa chuộng mua hàng online chứ không còn coi mua hàng online là một biện pháp ứng phó tạm thời trong mùa dịch, nếu "phản ứng dây chuyền" này được diễn ra thuận lợi.