Ý tưởng đắt giá đến từ cuộc sống
Thói quen của chị Hoàng Huệ (Lily Hoàng) mỗi khi giao mùa là dọn nhà, sắp xếp lại đồ dùng và tủ quần áo, do đó chị nhận ra không chỉ riêng chị mà còn rất nhiều người đang có một lượng lớn quần áo cũ, không mặc đến cần bỏ đi.
Chính vì vậy, chị thường suy nghĩ, đắn đo nên làm thế nào để tối ưu vòng đời sản phẩm.
"Chính nhờ suy nghĩ ấy đã thôi thúc tôi sáng tạo, tái sinh quần áo cũ thành những sản phẩm thời trang. Tôi bắt đầu thử sức với túi, ví, ba lô, vòng cổ, phụ kiện đeo tay từ các vật liệu cũ" - chị nói.
Theo như chị tiết lộ, bộ sản phầm đầu tiên gồm túi Hermes, ví, ba lô và vòng cổ được làm từ chính chiếc chăn con công thời bao cấp mà mẹ chị tặng. Món quá đó để luôn nhắc chị nhớ về thời xưa cũ, vì thế mà chị Lily Hoàng luôn giữ kín, bảo quản món này cẩn thận.
"Thay vì giữ mãi đồ trong tủ mà không sử dụng đến tôi nghĩ, mình nên làm ra một sản phẩm ý nghĩa tặng mẹ. Cho nên, vào ngày 8/3 năm nay, từ chiếc chăn con công cũ, tôi đã hiện thực hóa ý tưởng mà bao lâu nay tôi trăn trở, ấp ủ" - chị tâm sự.
Mẹ chị rất thích và cảm động khi nhận được món quà từ con gái mình. Bà khuyến khích cô con gái tiếp tục sáng tạo, tiếp tục đam mê để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hơn nữa.
Nhờ sự động viên, khích lệ của mẹ, chị Huệ nhân ra được con đường chị đang theo đuổi là hoàn toàn đúng đắn, khi vừa tối ưu đồ cũ, tiết kiệm chi phí mà vừa bảo vệ môi trường.
"Nhìn từ góc độ kinh doanh, tôi nhận thấy, từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì mọi người có xu hướng tìm về thiên nhiên, yêu thích đồ handmade và có thói quen tiết kiệm tiền bạc. Thế nên, khi tôi thực hiện chiến dịch tái sinh quần áo cũ đã nhận được nhiều sự ủng hộ, hưởng ứng của khách hàng" - chị kể.
Chị Huệ cho biết, khi chị đưa sản phẩm ra thương mại cũng khá thuận lợi. Bởi chị đang là chủ một cửa hàng thời trang, phụ kiện handmade ở Hà Nội nên sẵn nhân công và nhà xưởng để chế tác.
Khoảng thời gian mới làm, chị chạy chương trình trao đồ cũ nhận túi mới. Đó là cách chị vừa lan tỏa thông tin đến mọi người mà cũng vừa là nguồn cung đồ lớn.
"Chúng tôi nhận vải cũ, quần áo cũ không giới hạn, có thể là đồ jean, áo, váy, quần... Sau đó, chúng tôi sẽ làm sạch, phân loại theo mục đích thiết kế. Đặc biệt, mọi chi tiết trên sản phẩm như khuôn túi, khoen gài, cúc bấm, khóa kéo đều từ vật liệu tái chế hay các sản thân thiện với môi trường" - chị cho hay.
Tiếp cận thị trường, mở rộng kinh doanh
Tính đến thời điểm hiện tại, chị Huệ đã làm ra hơn 100 sản phẩm thời trang từ quần áo bỏ đi. Trong đó, hơn một nửa mặt hàng được chị mang ra kinh doanh với giá từ 250.000 đồng đến 750.000 đồng/sản phẩm.
Chị cho biết "Giá của mỗi sản phẩm sẽ phụ thuộc vào việc xử lý chất liệu khó hay dễ, kiểu dáng đơn giản hay phức tạp, trang trí có cầu kỳ không. Như một chiếc túi đính đá, vẽ nghệ thuật tốn nhiều thời gian, công sức thì có giá lên tới tiền triệu"
"Hiện nay, trên thị trường, có rất nhiều người làm đồ tái chế. Tôi cũng làm đồ tái chế nhưng giá trị mà tôi theo đuổi là hướng tới sự hoàn mỹ, mang tính nghệ thuật. Bởi tôi luôn tâm niệm rằng, sản phẩm mình làm ra ngoài tính tiện lợi thì phải có độ thẩm mỹ cao. Để người dùng khi mua về có thể tự tin mang, xách theo mọi lúc mọi nơi".
Khách hàng của chị Huệ cũng phân hóa đa dạng.
Tệp khách hàng thứ nhất là những người có tài chính không mấy dư dả, thường sử dụng lại đồ cũ để tiết kiệm.
Tệp thứu hai là những người có thu nhập cao, họ gửi vải đến và nhờ chị làm đồ. Thứ ba là những người yêu cái đẹp,t ính thẩm mỹ cao và luôn tìm tòi sự mới mẻ, độc đáo trong từng sản phẩm.
Và tệp khách hàng cuối cùng chính là những người tìm đến chị có mong muốn biến những kỷ vật quý giá thành đồ vật mang bên mình.
"Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, có một vị khách nhắn cho tôi là chị ấy có một chiếc áo lông của người cha đã mất cách đây 10 năm. Chiếc áo ấy chị luôn giữ gìn như một bảo vật, giờ muốn nhờ tôi chế tác thành một món đồ có thể mang theo bên mình bất cứ lúc nào.
Hay một vị khách khác đang điều trị ung thư có tâm nguyện muốn gửi lại tôi những bộ đồ, quần áo cũ không sử dụng đến. Chị ấy không cần lấy túi hay nhận lại bất cứ thứ gì mà chỉ cần tôi chia sẻ những sản phẩm làm ra đến những người cần hơn.
Do đó, tôi mới nghĩ rằng, việc mình làm, ngoài mang lại tiền bạc còn là sự san sẻ yêu thương đến mọi người. Cho nên, một phần lợi nhuận tôi làm ra từ việc tái sinh đồ cũ sẽ quay lại phục vụ cho cộng đồng" - chị tâm sự.
Kế hoạch trong thời gian tới của chị Huệ là sẽ mở rộng thêm việc tái chế giày dép gucci và với hi vong, trong tương lai gần, các sản phẩm của chị có thể xuất khẩu bán sang nước ngoài.
Theo Dân trí