Vì ảnh hưởng xấu của túi nhựa đến môi trường nên con người hiện nay đã nghĩ đến các loại túi thay thế, làm từ chất liệu phân hủy được như giấy hay cotton (vải). Nhưng thực sự chúng có tốt cho môi trường hơn?

Muốn đánh giá thấu đáo vấn đề này cần dựa trên ba yếu tố của vật liệu đó là "dấu chân carbon", khả năng tái sử dụng/ tái chế, và khả năng phân hủy. 

Để có được một cái nhìn đầy đủ về những chiếc túi đựng này, chúng ta cần tìm hiểu cách mà chúng được tạo ra. được sử dụng ra sao và điểm đến cuối cùng của chúng.

1. Túi nilon

Được làm từ polyethylene mật độ cao, hay còn được gọi bằng cái tên thông dụng là HDPE. Loại vật liệu này đến từ dầu mỏ trích xuất trong lòng đất và phải trải qua các quy trình có nhiệt độ rất cao. Sau đó, nhựa thành phẩm được nấu chảy bằng than cùng các phụ gia như titanium oxide và đá phấn để tạo ra túi nilon. 

Hành trình tạo ra một chiếc túi nilon đóng góp khoảng 1,6 kg CO2 vào khí quyển, tương đương lượng CO2 từ một chiếc ô tô chạy 6 km. 

Một chiếc túi nilon chỉ có thể được sử dụng một lần. 

null Túi nilon là loại túi được sử dụng phổ biến nhất.


Theo nghiên cứu, có 40% số túi nilon được tái sử dụng làm túi đựng rác, giúp bù đắp vào "dấu chân carbon" của chúng.

Bàn về khả năng phân hủy, túi HDPE tồn tại rất lâu sau khi bị vứt bỏ. Các mảnh nhựa bị phân hủy 1 phần có thể tuần hoàn trong hệ sinh thái hàng thế kỷ. 

Tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, từ ngày 1/1 năm nay đã áp dụng lệnh cấm sử dụng tất cả các loại túi nilon, kể cả túi phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường. Trước đó. chính quyền thành phố này triển khai chính sách hạn chế túi nilon từ năm 2008. 

2. Túi giấy

Túi giấy thậm chí còn tạo ra "dấu chân carbon" nhiều hơn túi nilon bởi chúng được làm từ bột gỗ. Riêng việc chặt những cái cây để lấy bột gỗ đã sản sinh đến 5,5 kg carbon dioxide.

Trung bình, một chiếc túi giấy tái sử dụng được 3 lần. Chúng thường bị vứt đi nhanh do dễ bị rách. 

Điểm nổi trội của túi giấy là chúng chỉ mất 90 ngày cho quá trình phân hủy.  

null Điểm nổi trội ở túi giấy là tốc độ phân hủy nhanh.


Gần đây, một nhóm sinh viên thuộc Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp nhờ sản phẩm túi giấy ép từ thân cây chuối. Đọc thêm bài viết về sản phẩm này tại đây.

3. Túi vải

Trồng bông (cotton) để tạo ra túi vải là quá trình cực kỳ tốn nước và năng lượng. Sản xuất một chiếc túi vải thải đến 272 kg CO2 ra môi trường. 

Tuy nhiên, túi vải có thể tái sử dụng được đến 131 lần. Dù túi vải rất khó tái chế, nhưng do khả năng tái sử dụng cao nên rất hiếm khi người ta tìm thấy loại túi này trong bãi chôn rác. 

Một đặc điểm khác của túi vải là chúng chỉ mất vài tháng để phân hủy. 

null Túi vải có thể tái sử dụng rất nhiều lần.


Kết luận

Xét về "dấu chân carbon", có thể thấy túi nilon thắng áp đảo. Nhưng về việc tái sử dụng, túi vải mới thực sự là lựa chọn tốt nhất. 

Còn ở tốc độ phân hủy, túi giấy chiếm ưu thế với khả năng phân hủy trong 90 ngày.

Vậy, chiếc túi thân thiện với môi trường nhất cần phải hội tụ đủ những ưu điểm của 3 loại túi trên: bền bỉ và tái sử dụng được như cotton, làm từ nhựa để có "dấu chân carbon" thấp, và đồng thời phải sẵn có để được sử dụng trên toàn thế giới. 

Điều quan trọng là chiếc túi lý tưởng này có thể sử dụng được thật lâu để biến chúng thành lựa chọn tốt nhất cho Trái đất.

Theo Kênh 14