Ngành hàng nhu yếu phẩm và bách hóa tiếp tục đà tăng trưởng trên mặt trận online.
Đúng như dự báo của các chuyên gia về sự thay đổi hành vi người tiêu dùng, đặc biệt là Việt Nam đối với ngành hàng nhu yếu phẩm thiết yếu và bách hóa.
Khi theo thống kê lượng truy cập của các website TMĐT hàng đầu Việt Nam trong ba tháng đầu năm nay, số liệu cho thấy rằng nhu cầu mua sắm các mặt hàng bách hoá tiếp tục tăng.
Theo báo cáo TMĐT đầu năm 2020, khi người dân bắt đầu ở nhà phòng dịch, các website chuyên kinh doanh bách hoá tăng trưởng nhanh 45% lưu lượng truy cập so với quý trước đó.
Khi giãn cách xã hội được nới lỏng, xu hướng này duy trì mức ổn định khi tăng 10% ở giai đoạn cuối năm. Báo cáo Quý I/2021, chỉ có mặt hàng nhu yếu phẩm và bách hóa là ngành hàng duy nhất tiếp tục đà tăng trưởng dương với 13%.
Như vậy, có thể nói rằng COVID-19 là chất xúc tác mạnh mẽ góp phần thay đổi hành vi mua sắm nhu yếu phẩm và sản phẩm bách hóa để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng.
Nếu như trước đây người Việt Nam ưa chuộng ghé vào các cửa hàng tiện lợi, hay chợ để được lựa chọn hàng hóa tận tay thì giờ đây với đại dịch họ buộc phải thay đổi hành vi và dần có sự đánh giá cao về việc mua hàng online.
Ở chiều ngược lại, hầu hết các ngành hàng không thiết yếu khác có trong báo cáo bị ảnh hưởng tiêu cực. Báo cáo từ iPrice Group và SimilarWeb cho thấy ngành thời trang giảm nhẹ 2% ở quý đầu tiên năm 2021.
Trước đó, đây là ngành hàng cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng về lượng truy cập lên đến 33% ở giai đoạn cuối năm 2020.
Vốn là một trong những ngành hàng trọng tâm ở giai đoạn đầu đại dịch năm ngoái, bước sang Quý I/2021 các website mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe lại có sự sụt giảm nhẹ 3%.
Theo đó, các ngành hàng không thiết yếu khác như điện máy, ngành hàng di động cũng giảm lần lượt 6% và 9% so với Quý IV/2020.
Như vậy, cú hích từ COVID-19 đã thay ngôi nhiều ngành hàng khác nhau trên kênh thương mại điện tử và ngành nhu yếu phẩm thiết yếu, bách hóa đã được hưởng lợi nhiều nhất từ đại dịch.
Cộng với việc người tiêu dùng dần nhận thức được ưu điểm mua hàng thiết yếu trên kênh online, theo dự đoán dư địa tăng trưởng của ngành này sau đại dịch vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Lưu lượng truy cập website các sàn TMĐT: tăng trưởng âm
Báo cáo của iPrice Group và SimilarWeb cho thấy lượng truy cập website trung bình của các sàn TMĐT có trong báo cáo giảm nhẹ 9% so với Quý IV/2020.
Cùng thời điểm năm ngoái, lượt truy cập vẫn tiếp tục giảm nhẹ, nằm ở mức 4%, mặc dù các sàn đều đồng loạt đẩy mạnh hoạt động xúc tiến bán hàng dịp cuối năm.
Theo đó, sàn TMĐT đa ngành Shopee Việt Nam vẫn giữ “ngôi vương” về lượng truy cập website trong quý 1 khi đạt 63,7 triệu lượt truy cập, thấp hơn gần 4,9 triệu lượt truy cập so với quý trước.
Lượng truy cập website của Tiki và Lazada không chênh lệch nhau quá lớn, lần lượt đạt 19 triệu lượt và 18 triệu lượt trong Quý I/2021. Sendo đạt 8,1 triệu lượt truy cập.
Cả ba sàn này đều có lượng truy cập giảm so với quý trước đó.
Điều này cho thấy ảnh hưởng của Covid đang bảo mòn niềm tin của người tiêu dùng qua các đợt dịch liên tục "vỗ" vào Việt Nam.
Kênh TMĐT vẫn là ưu tiên của người tiêu dùng trong việc mua sắm thời dịch nhưng với việc "thắt lưng buộc bụng" người tiêu dùng cũng hạn chế chi tiêu ngoài những nhu cầu căn bản.
Biến thách thức thành cơ hội
Do đó trong bối cảnh COVID-19 đang diễn ra, những điều bất bình thường đang dần trở thành “bình thường mới”, các doanh nghiệp TMĐT nên cân nhắc đến việc cho ra đời những chiến lược bán lẻ tập trung phù hợp.
Đặc biệt là tăng cường hỗ trở hoạt động bán những mặt hàng nhu yếu phẩm và bách hóa, đồng thời tối ưu việc kinh doanh mặt hàng này trên các sàn vì hiện tại người tiêu dùng chưa sẵn sàng để chi tiền khi niềm tin về đại dịch sẽ được dập hoàn toàn là chưa chắc chắn.
Các website bách hóa hay những cửa hàng truyền thống cũng nên có đối pháp, lấn sân sang kênh online bằng việc sử dụng chiến lược O2O (online to offline) vừa có thể phục vụ khách hàng trong thời đại dịch vừa nâng cao được trải nghiệm khách hàng sau dịch.
Đặc biệt đây là cơ hội rất lớn cho các cửa hàng truyền thống tiến hành chuyển đổi số, vì lúc này người tiêu dùng cực kỳ ủng hộ những nỗ lực của các cửa hàng truyền thống trong việc giúp họ tiếp cận sản phẩm, dịch vụ qua kênh online của cửa hàng.
Bằng cách này những cửa hàng truyền thống hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sàn TMĐT trong và sau đại dịch.