Xây dựng siêu hiệu ứng cùng những thương vụ mua bán trong năm 2021
Những thương vụ mua lại cực lớn trong năm 2021 của giới công nghệ tài chính (fintech) thế giới đều dẫn đến một mục đích chung: xây dựng siêu ứng dụng.
Cuộc đua này đang nóng hơn bao giờ hết, khi siêu ứng dụng là thời cơ để tiếp cận và tự tạo nên nhu cầu cho khách hàng.
Công thức chung của các thương vụ này là sự kết hợp, sáp nhập của các công ty giao dịch với truyền thông và mạng xã hội.
Chẳng hạn năm 2021, công ty Intuit (hoạt động chủ yếu trong mảng dịch vụ tài chính) mua lại Mailchimp (nền tảng email marketing), tin đồn Paypal mua Pinterest, công ty fintech Afterpay mua lại Square, hay Affirm hợp tác với Amazon, v.v..
Hoặc PayPal gần đây thông báo kế hoạch xây dựng siêu ứng dụng riêng bằng việc tích hợp kênh mua sắm vào phần cốt lõi thanh toán của mình.
Hay như những sản phẩm mua trước trả sau (BNPL) cũng đang tích hợp thêm nhiều tính năng khám phá và mạng xã hội vào ứng dụng thanh toán của mình.
Khi ấy, khoảng cách giữa những bên nắm giữ việc thanh toán và những bên nắm giữ công cụ thu hút khách hàng đang gần hơn bao giờ hết.
Tức là họ muốn xây dựng một nơi để khách hàng vừa có thể tiếp cận truyền thông, vừa mua sắm và vừa giao tiếp xã hội. Và đó chính là các siêu ứng dụng.
Xu hướng Buy now, Pay later
Một phần nguyên nhân của xu hướng này là từ việc tìm kiếm lợi nhuận của các công ty Buy now, Pay later.
Họ phải liên tục có thêm khách hàng mới sử dụng dịch vụ, như vậy mới có thể kiếm thêm lợi nhuận.
Và cách hay nhất để kéo thêm khách hàng là xây dựng thêm một kênh mua sắm ngay trên chính phần cốt lõi Buy now, Pay later của mình.
Ngoài ra, siêu ứng dụng còn trở thành nước đi chiến lược vì nhiều bên muốn đa dạng hóa nền tảng quảng cáo tiếp thị.
Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Facebook hay Google để có được lượt truy cập rồi một ngày phải đau đầu nếu mất tài khoản quảng cáo, thì những quảng cáo nhỏ trên các nền tảng khác sẽ giúp họ giảm thiểu nguy cơ này.
Chẳng hạn, Hubspot, JP Morgan, Robinhood, ba công ty hoạt động trong ba lĩnh vực khác biệt, bao gồm ngân hàng, B2B SaaS (Software as a Service), và đầu tư, đều đang thực hiện một điều giống nhau: mua lại các công ty truyền thông.
Đó chính là dấu hiệu cho thấy họ muốn quảng bá nhiều hơn và không muốn bị phụ thuộc vào duy nhất một số nền tảng công nghệ lớn nào cả.
Hiện tại có ba hướng đi cho siêu ứng dụng, bao gồm mạng xã hội (Paypal + Pinterest), mua sắm (Afterpay + Square) và truyền thông truyền thống (Hubspot + The Hustle).
Tuy nhiên cả ba đều có một mục đích chung: thu hút sự chú ý và tạo ra nhu cầu.
Tương lai dành cho hệ sinh thái tương tác
Cuộc đua siêu ứng dụng này cho thấy trong tương lai, các công ty nếu muốn đầu tư công nghệ thì cần tạo ra một hệ sinh thái tương tác, nơi mọi người tham gia và không muốn rời đi.
Hay nói cách khác, phải chính bản thân tạo ra nhu cầu cho khách hàng, chứ không phải dựa vào một nền tảng khác.
Tại Việt Nam, nhiều ứng dụng thanh toán cũng đang bắt kịp xu hướng siêu ứng dụng.
Chẳng hạn Momo đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng xoay quanh nền tảng cốt lõi là thanh toán của mình.
Ngoài các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán thường thấy, Momo còn tích hợp tính năng mua vé xem phim, vé máy bay, mua sắm qua các sàn thương mại điện tử Tiki hay Lazada và thanh toán trực tiếp trên Momo.
Dĩ nhiên, không phải kế hoạch xây dựng siêu ứng dụng nào cũng thành công.
Tuy nhiên không thể phủ nhận đây là một xu hướng, một chiến lược đang cực thịnh hành. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay.