Hai ngày qua, các nền tảng có dịch vụ gọi đồ ăn như Grab, Gojek liên tục đưa ra các chương trình hỗ trợ tài chính cho quán ăn, tài xế lẫn ưu đãi cho người dùng khi TP HCM đang trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, sáng 3/6, Grab quyết định mở rộng dịch vụ "giao hàng siêu tốc" dành cho đồ ăn để đáp ứng nhu cầu của người dùng và đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lĩnh vực F&B.
Nền tảng này tính toán, dịch vụ mở rộng trên sẽ tiết kiệm đến 27% so với dịch vụ giao hàng siêu tốc thông thường nên các hàng quán có thể giảm thêm chi phí. Mặc khác, bước đi này còn có thể giúp các tài xế tăng thêm cơ hội thu nhập bằng cách thực hiện nhiều chuyến giao hàng hơn.
Dịch vụ này sẽ được mở rộng ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và dự kiến mở thêm ở Cần Thơ, Hải Phỏng trong tháng 6. Kể cả các nhà hàng, quán ăn chưa trở thành đối tác chính thức của GrabFood cũng được dùng dịch vụ.
Trước đó, hôm 2/6, Gojek cũng công bố miễn phí giao hàng tối đa 15.000 đồng cho tất cả đơn hàng trị giá tối thiểu 40.000 đồng tại các quán ăn, nhà hàng đang là đối tác ở các quận Bình Thạnh, Tân Bình, 1, 3 và 10 tại TP HCM; còn ở Hà Nội là các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Phía công ty này cho biết, "vùng freeship" đều tập trung ở các khu vực đông dân cư và có nhiều nhà hàng, quán ăn. Do vậy, chương trình này nhằm kích cầu người dùng đặt món online, từ đó hỗ trợ doanh thu cho người bán.
Riêng với đối tác tài xế, Gojek cũng mạnh tay hỗ trợ tài chính trực tiếp 100.000- 200.000 đồng mỗi ngày, tùy theo hiệu suất được ghi nhận trên hệ thống, áp dụng trong tối đa 21 ngày. Ngoài ra, những tài xế có hiệu suất trung bình 7 ngày từ 85% trở lên sẽ được hỗ trợ thêm mỗi ngày 100.000 đồng tại Hà Nội, và 150.000 đồng ở TP HCM.
"Các đối tác tài xế và nhà hàng là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Vì vậy, chúng tôi đưa ra chương trình mới này mong muốn có thể san sẻ với họ phần nào những khó khăn", ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam cho biết.
Những ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều hàng quán ở TP HCM và Hà Nội đã co cụm hoạt động. Một số chủ quán ăn gia đình đang cố gắng bán online để duy trì thu nhập nhưng doanh số giảm đáng kể. Tại Gò Vấp, có quán ăn từng bán hàng trăm suất mỗi sáng, giờ mỗi ngày chỉ được vài chục suất mang đi.
Thậm chí, có quán còn quyết định tạm đóng cửa trong lúc giãn cách này. Anh Phan Minh, chủ một quán cà phê tại quận 7 cho biết rất khó cạnh tranh nổi khi lên trực tuyến. "Quán của tôi là thương hiệu cá nhân trong khi những thương hiệu nổi tiếng mùa này lên online chạy quảng cáo khá nhiều, nên không đua nổi. Tâm lý khách hàng cũng thích đặt đồ uống mang về ở các chuỗi lớn, cộng với tiếp tục bán thì chi phí nhân viên cao mà đa phần cũng đã về quê", anh Minh nói.
Tại Hà Nội, dù thành phố không phải thực hiện các biện pháp giãn cách, nhưng chủ các cửa hàng cũng gặp nhiều hạn chế vì lệnh chỉ được bán mang đi. "Bán online chỉ để đỡ lỗ thôi, chứ không thể nào bù được doanh số, trừ những cửa hàng xuất phát điểm ban đầu là bán qua mạng mới không ảnh hưởng", chị Linh chủ cửa hàng kinh doanh tào phớ, caramen... nói và cho biết doanh số giảm khoảng 60% dù đang mùa cao điểm.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tùng, Nhà sáng lập kiêm CEO Bếp trên mây Cloud Cook đánh giá, với những hàng quán bình thường, không chuyên bán hàng trên môi trường online thì việc chuyển đổi bán qua các ứng dụng (OnApp) sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Tùng nêu ra 4 lỗi lớn mà các hàng quán cần chú ý cải thiện. Thứ nhất, bê nguyên menu ở môi trường offline lên online. Thứ hai, không tối ưu về giá thành khiến cho sản phẩm không cạnh tranh. Thứ ba, đầu tư không đủ về hình ảnh và bao bì. Thứ tư, là mang tư duy của offline lên trên môi trường online.
Theo ông, kênh kinh doanh ăn uống qua ứng dụng (FoodApps) và khách hàng trên đó sẽ có những nhu cầu, hành vi mua hàng và mật độ cạnh tranh rất khác, thế nên mang tư duy đã thành công ở offline lên online rất dễ thất bại.
"Tuy nhiên, nếu khai thác tốt, kênh này có thể mang lại một nguồn thu đủ trang trải chi phí mặt bằng và nhân sự, giúp doanh nghiệp vượt qua được thời điểm khó khăn và chờ trở lại tình trạng bình thường mới để có thể đi bằng cả 2 chân offline và online", ông Tùng nhận định.
Theo VNExpress