Hai năm qua, các tổ chức, doanh nghiệp bị tác động rất mạnh bởi cơn bão đại dịch COVID-19.
Các dòng tiền bị dừng đột ngột, chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu đều bị đình trệ, đứt gãy do lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội.
Để ngăn chặn bệnh dịch và duy trì hoạt động kinh doanh, làm việc từ xa ở các văn phòng hay chia ca làm việc tại các công xưởng nhà máy trở thành giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và người lao động.
Đã hơn nửa năm trôi qua, tình hình bệnh dịch cũng ít nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, nhiều người lại muốn gắn bó lâu dài với các công việc linh hoạt về thời gian này.
Xu hướng làm việc linh hoạt thời gian nở rộ
Freelancer - Người lao động của thời đại số
Năm 2020, có đến 57 triệu freelancer ở Mỹ và 150 triệu người ở Trung Quốc.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê chi tiết nhưng khái niệm Freelancer hay làm tự do đã trở nên quen thuộc.
Thậm chí đây còn là xu hướng được nhiều người trẻ lựa chọn.
Freelancer là một khái niệm dùng để chỉ những người làm việc tự do, những người được trả tiền để thực hiện công việc cho khách hàng mà không có sự ràng buộc về mặt địa điểm hay thời gian làm việc, miễn là hoàn thành theo đúng thời gian đã cam kết giữa đôi bên.
Freelancer làm thay đổi hoàn toàn khái niệm về công việc 8 tiếng ngồi văn phòng trước đây.
Do vậy, với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, đây được xem là xu hướng làm việc mới của giới trẻ.
Người trẻ yêu thích công việc tự do vì không bị gò bó về thời gian và không gian.
Freelancer sẽ không bị bắt buộc phải mặc đồng phục suốt 8 tiếng đồng hồ, đến cơ quan đúng 8h sáng hay hàng ngày quẹt thẻ chấm công và đặc biệt không phải va chạm với những thái độ khó chịu của đồng nghiệp.
Chỉ cần có chiếc máy tính kết nối mạng là freelancer có thể làm việc ở bất cứ đâu. Có thể là ở nhà hoặc ở quán cafe để lấy cảm hứng sáng tạo.
Do đặc thù công việc, xu hướng freelance ở nước ta hiện nay tập trung vào hai nhóm nghề chính:
– Nhóm thiên về sáng tạo như sản xuất âm nhạc, đạo diễn chương trình, tổ chức sự kiện, nhiếp ảnh gia, thiết kế (đồ họa, nội thất, thời trang,…), kiến trúc sư, stylist, viết báo, biên tập viên, PR, copywriter…
– Nhóm thứ 2 gồm những nghề đòi hỏi sự đào tạo bài bản chuyên sâu và dày dạn kinh nghiệm, như tư vấn luật, tư vấn thành lập – tái cấu trúc doanh nghiệp, kế toán, dịch thuật, lập trình, IT…
TikTok bùng nổ và sự lên ngôi của những nhà sáng tạo nội dung
Ngoài những công việc bàn giấy thường thấy, làm sáng tạo nội dung cũng là lĩnh vực được nhiều người quan tâm.
Đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội khiến hầu hết mọi người ở nhà và “dán mắt” vào màn hình điện thoại.
Mạng xã hội vẫn luôn đứng top đầu trong số các ứng dụng được tải về nhiều nhất.
TikTok là một trong các nền tảng mạng xã hội phát triển nhanh nhất thế giới.
Hãng nghiên cứu Sensor Tower đã phát hành báo cáo quý I/2022, công bố các ứng dụng được tải nhiều nhất trong khoảng thời gian này.
TikTok tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành ứng dụng phổ biến, nhất là trong giới trẻ.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ người dùng ứng dụng này ở Việt Nam tăng từ 34% (năm 2020) lên 53% (năm 2021); thời lượng sử dụng ứng dụng này tăng lên gấp đôi, từ 4% lên 8% trong năm 2021.
Còn theo báo cáo mới nhất được công bố vào tháng 10-2021 của We Are Social, lượng người dùng ứng dụng TikTok trên 18 tuổi tại Việt Nam là 39,65 triệu người, tức đã tăng thêm hơn 5,4 triệu người dùng chỉ trong một thời gian khá ngắn.
Có không ít bạn trẻ trở thành nhà sáng tạo nội dung với hàng triệu người theo dõi trên ứng dụng này.
Không bị gò bó phải ngồi ở văn phòng, người dùng chỉ cần chiếc máy quay đăng video lên nền tảng này là đã trở thành nhà sáng tạo nội dung.
Theo ông Nicholas Phạm, giám đốc vận hành TikTok Việt Nam cho biết:
Tại Việt Nam TikTok ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của 4 nhóm nội dung chính trên nền tảng (từ tháng 1-2020 đến tháng 1-2021), bao gồm: giáo dục (tăng khoảng 34 lần), giải trí (tăng khoảng 26 lần), làm đẹp (tăng khoảng 5 lần) và thương mại điện tử (tăng khoảng 5 lần).
Đó là vì nhiều người yêu thích và đầu tư vào công việc sáng tạo nội dung trên nền tảng này.
Ngày càng nhiều công nhân muốn làm việc tự do
Không chỉ lao động nhóm ngành sáng tạo mà công nhân làm việc tại các nhà máy cũng muốn tìm kiếm việc làm ít gò bó.
Nhiều công nhân muốn tìm công việc linh hoạt về thời gian, địa điểm do cảm thấy mức lương chỉ đủ sống với người chưa có gia đình và cảm thấy tù túng vì phải đến xưởng sản xuất suốt 12 tiếng.
Chị Trần Thị Kiều Linh, công nhân thời vụ tại Công ty cổ phần quốc tế Dony (quận Tân Bình) chia sẻ:
Chị làm việc vào mỗi cuối tuần và nhận được 350.000 đồng mỗi buổi. Làm thời vụ nên khi gia đình có việc chị chỉ cần báo với quản lý không đến xưởng, không mất khoản chuyên cần. Mỗi ngày, chị làm đủ 8 tiếng là ra về.
Làm thời vụ như vậy giúp chị dễ dàng chăm lo công việc gia đình. Nếu cảm thấy môi trường làm việc không tốt, chị sẽ nghỉ việc tìm chỗ mới mà không phải báo trước 30 ngày như người ký hợp đồng lao động dài hạn.
Theo ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc công ty cổ phần quốc tế Dony, chị Kiều Linh không phải là trường hợp duy nhất ở nhà máy muốn làm việc linh hoạt thời gian.
Trước khi COVID-19 xuất hiện, công nhân muốn tìm công việc ổn định, có đóng bảo hiểm xã hội. Tới đầu năm 2022 lại đảo chiều, lao động muốn làm thời vụ, nhận lương tuần tăng lên.
Khi hỏi hơn 1.300 công nhân, trên 60% cho biết muốn đổi nghề, bắt đầu tìm việc ở những nhóm ngành nghề khác.
Họ có xu hướng tìm các công việc linh hoạt về thời gian như việc làm trực tuyến, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao hàng...
Ông Phạm Quang Anh cho rằng, với ngành sản xuất, chế biến chế tạo, điều cơ bản nhất để làm được việc là lao động phải đến công xưởng.
Nhiều lao động có tay nghề, bộ phận nhân sự đề nghị ký hợp đồng lao động chính thức, đảm bảo đầy đủ quyền lợi bảo hiểm xã hội và nhiều khoản hỗ trợ nhưng công nhân lại từ chối.
Thách thức của làn sóng lao động tự do tới doanh nghiệp
Khó quản trị nguồn nhân lực
"Doanh nghiệp rất khó quản trị được nguồn nhân lực nếu lao động muốn làm thời vụ", ông Quang Anh nói.
Đó là vì thời gian gắn bó không đủ dài nên người lao động khó nắm bắt được hết quy trình làm việc, điều này có thể khiến năng suất lúc đầu không vượt trội.
Với những công việc liên quan đến hệ thống kỹ thuật sản xuất còn có thể gây ra những vấn đề về an toàn lao động.
Các nhà máy sẽ gặp trở ngại khi lên kế hoạch sản xuất dài hạn và quản lý chất lượng sản phẩm.
Khó tuyển đủ lao động
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, nói năm nay các doanh nghiệp thuộc tập đoàn nhận rất nhiều đơn hàng nhưng không đủ nhân công.
Đặc biệt doanh nghiệp rất khó tuyển được người trẻ. Ngay cả lao động có trình độ trong ngành công nghiệp may làm các công việc như điều khiển máy móc, thiết kế mẫu... cũng hiếm người.
Đó là bởi người lao động muốn tìm kiếm công việc làm thời vụ để thuận tiện chăm lo cho cuộc sống.
Đại dịch toàn cầu gây nên nhiều xáo trộn. Người lao động ngày càng có xu hướng làm các công việc linh động về thời gian và địa điểm.
Để thu hút người lao động, doanh nghiệp cần xây dựng chế độ phúc lợi, mức lương cạnh tranh và môi trường làm việc tốt hơn.