Công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở khắp các lĩnh vực.
Nhiều công nghệ mới được ứng dụng vào quy trình định danh khách hàng, giúp doanh nghiệp nhận diện khách hàng nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến pháp lý.
eKYC - Xác thực điện tử
eKYC – định danh khách hàng điện tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để tự động bóc tách thông tin trên ảnh chụp CMND bao gồm số CMND/CCCD, thông tin tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ.
Máy tính tự động đối chiếu thông tin cá nhân với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực sinh trắc học (Biometrics Authentication) để nhận diện khách hàng.
Giải pháp định danh khách hàng điện tử sẽ giúp giải quyết hàng ngàn yêu cầu cùng lúc, bao gồm cả thời gian ngoài giờ hành chính, mở rộng tối đa không gian và thời gian mà doanh nghiệp có thể tiếp cận được với khách hàng của mình.
Sử dụng eKYC dựa trên các cuộc gọi miễn phí video call tích hợp với hệ thống quản trị khách hàng CRM (Customer Relationship Management) giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng quá tải tại các điểm giao dịch, đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu chi phí, mang lại cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ mới lạ và thú vị hơn, đồng thời hạn chế tiếp xúc trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến khá phức tạp.
Khách hàng có thể giao dịch từ xa, nộp hồ sơ trực tuyến hoặc tra cứu bất kì thông tin gì mà không phải mất thời gian đi lại.
Tại Việt Nam, quy trình eKYC đang được áp dụng mạnh mẽ trong các ngân hàng số hoặc các công ty tài chính. Nhờ sự hiệu quả trong quản trị khách hàng nên đã có ngày càng nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau sử dụng eKYC.
Mới đây, dư luận xôn xao khi thành viên của diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu công bố gói 17 GB dữ liệu chứa thông tin của gần 10.000 người dân Việt Nam với các thông tin xác thực danh tính gần như đầy đủ, từ họ tên, ngày sinh, điện thoại... Sự kiện này một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về hoạt động xác thực điện tử (eKYC) nói chung và các dịch vụ tài chính nói riêng.
Dữ liệu ngày càng bị ăn cắp “lộ liễu”
Thời gian qua, hoạt động rao bán dữ liệu diễn ra công khai trên các mạng xã hội.
Dù vậy, dữ liệu lần này cho thấy một bức tranh khác với mức độ rủi ro cao hơn, vì có cả ảnh chụp của chứng minh nhân dân/căn cước công dân (mặt trước và mặt sau) và thậm chí là cả chân dung.
Theo các chuyên gia, việc lộ thông tin cá nhân trên chứng minh nhân dân/căn cước công dân cũng đáng lo ngại không kém việc mất bản giấy.
Thực tế cho thấy đã có trường hợp tội phạm sử dụng thông tin trên chứng minh nhân dân của người khác, thay thế hình ảnh của mình và mở tài khoản ở một ngân hàng, sau đó đề nghị ngân hàng chuyển tiền trong tài khoản khách hàng sang tài khoản mới mở.
Phổ biến hơn cả là nhiều trường hợp bỗng dưng vướng nợ vay tiêu dùng dù không có bất kỳ liên hệ nào với các tổ chức tài chính.
Theo đó, hợp đồng vay tín dụng sử dụng đúng thông tin trên chứng minh nhân dân, nhưng tiền được giải ngân vào tài khoản mà tội phạm chỉ định.
Các công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay trực tuyến cũng gặp nhiều trường hợp mạo danh để đăng ký vay.
Điều này càng dễ dàng hơn khi nhóm này áp dụng công nghệ định danh người dùng trực tuyến eKYC.
Không chỉ ở các giao dịch tài chính, có hàng loạt ví dụ khác về rủi ro khi bị lộ thông tin trên chứng minh nhân dân trong thời gian qua.
Chẳng hạn, tội phạm sử dụng thông tin để gọi điện thoại lừa đảo người dân (nhận hàng, vi phạm pháp luật, nhập mã OTP để thực hiện lệnh chuyển tiền...).
Theo thống kê của Bộ Công an, thủ đoạn giả danh để lừa đảo chiếm hơn 65% số vụ lừa đảo trên không gian mạng trong năm 2020.
Xa hơn nữa, mạo danh từ thông tin người khác còn kéo theo hàng loạt vụ lừa đảo nghiêm trọng như đăng ký doanh nghiệp “ma” để trốn thuế, mua bán hóa đơn, hoặc tạo bảng lương khống, đăng ký mã số thuế trả lương, đăng ký các dịch vụ cần định danh như mua sim, mở tài khoản trực tuyến, mua vé...
Hình ảnh của những người lộ thông tin cũng dễ dàng rơi vào phiền phức trên mạng xã hội.
Tổng hợp